7. Đóng góp của luận văn
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nhân vật văn học là một yếu tố cơ bản thuộc hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Nói đến nhân vật là nói đến con người được miêu tả thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Trong văn học, thế giới nhân vật được biểu hiện rất phong phú. Đó là những nhân vật có tên hoặc không tên, có nhân vật là người tốt, có nhân vật là người xấu, cũng có cả nhân vật lưỡng diện…Họ đều là những biểu hiện đa dạng một cách ước lệ về đời sống và con người. Nhân vật văn học có khi hiện ra đầy đủ các đặc điểm như ngoại hình, tính cách, hành động…trong tác phẩm tự sự nhưng có khi chỉ tồn tại dưới dạng cảm xúc, tâm trạng như trong hầu hết các tác phẩm trữ tình. Có lúc nhân vật là nguyên mẫu, có lúc chỉ là tưởng tượng, hư cấu của các nhà văn. Nhân vật là yếu tố nghệ thuật nhằm khái quát những quy luật cuộc sống và con người. Nhân vật là đứa con tinh thần của nhà văn, là linh hồn để minh hoạ cho tư tưởng của tác phẩm.
Trong văn học kháng chiến, nhân vật thường được xây dựng dưới ánh sáng sử thi và cảm hứng lãng mạn nên nhân vật văn học thường hiện lên đẹp đẽ, hoàn hảo, mang vẻ đẹp lí tưởng nhằm ngợi ca cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngợi ca cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nhân vật ít được khắc hoạ kĩ về đời sống nội tâm, không gian đời tư bị thu hẹp lại, con người cá nhân trùng khít với con người xã hội.
Sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, đời sống văn học có nhiều thay đổi, quan niệm nghệ thuật về con người thay đổi đòi hỏi cách xây dựng những chân dung văn học mới. Con người được trở về đúng nghĩa với nó, con người cá nhân được xem xét với những chiều sâu mới. Viết về con người mới đã khiến nhà văn ý thức rất rõ sự thay đổi về nhân vật văn học. Nhà văn đã tập trung khai thác cảm hứng thế sự đời tư, đặc biệt quan tâm sâu sắc tới thế giới nội tâm để xây dựng nên hình tượng con người cá nhân trong đời sống. Nhìn chung, văn xuôi sau 1975 khám phá con người trong chính bề sâu của nó với nhiều hình thức khác nhau.
Nhân vật trong truyện ngắn của Triệu Bôn sau 1975 được nhà văn nhìn dưới nhiều góc độ, cùng với đời sống tâm lí và hành động khác nhau. Nhân vật của ông
thường được miêu tả rõ ràng, có tên tuổi, nghề nghiệp, có địa vị xã hội…Họ có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống đời thường nhưng không hẳn là theo nguyên mẫu cụ thể nào. Nhân vật được xây dựng bằng ngòi bút tự nhiên, chân thực, vừa có nét cao cả, vừa bình dị đời thường. Nhân vật của Triệu Bôn xuất phát là những câu chuyện có thật hoặc là yếu tố nào đó của sự thật được nhà văn hư cấu nên, nhưng điều quan trọng là nhà văn đã sống với nhân vật, với tất cả niềm sống nên dù viết về bất cứ điều gì thì nó cũng trở thành máu thịt của ông. Dù họ là ai, làm nghề nghiệp gì thì, cuộc sống ra sao thì họ đều dành được ở tác giả một tấm lòng trân trọng và yêu thương sâu sắc. Nhà văn xây dựng nhân vật dựa trên vốn sống dày dặn của bản thân được tích luỹ gần như suốt cả cuộc đời. Nhân vật trong các truyện ngắn của ông là dẫn chứng cho bộ mặt phong phú của đời sống xã hội hiện đại, đa chiều. Triệu Bôn không cầu kì, phức tạp trong cách miêu tả và thể hiện con người, nhưng các nhân vật trong truyện ngắn của ông luôn sống động và có sức ám ảnh rất lớn. Đạt được điều đó chính là đóng góp không nhỏ của nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, mang dấu ấn của một phong cách riêng. Để có được một thế giới nhân vật khá phong phú và đa dạng trong sáng tác của mình, Triệu Bôn đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Dưới đây, chúng tôi có thể kể đến một số thủ pháp đặc sắc được sử dụng trong truyện ngắn Triệu Bôn sau 1975: