Biểu tượng văn hóa trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện thơ tiễn dặn người yêu dưới góc nhìn văn hóa (Trang 58)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Biểu tượng văn hóa trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu

3.1.1. Khái niệm

Biểu tượng và văn hóa là hai khái niệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hiện nay đã có nhiều quan điểm về văn hóa và biểu tượng:

“Văn hoá là tập hợp các hệ thống biểu tượng, quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt" [45].

“Thuật ngữ symbol (biểu tượng) bắt nguồn từ Hy Lạp. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng. Khởi nguyên, biểu tượng bắt nguồn từ một tập quán Hy Lạp cổ đại nói về một phiến đá bị đập vỡ ra thành nhiều mảnh, chia đều cho mỗi thành viên trong một bộ tộc nào đó, trước sự phân tán của họ, sau này khi được triệu tập trở lại thì những mảnh đá vỡ đó được ghép lại nhằm xác nhận sự hiện diện trở lại của toàn nhóm. Bản chất khó xác định, sống động của biểu tượng chính là sự chia ra, kết lại với nhau, nó hàm chứa hai ý tưởng phân ly, tái hợp. Mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng luôn biến ảo, nó bộc lộ ra trong cái vừa gãy vỡ vừa là nối kết, vừa xuất hiện lại vừa mất đi, khiến cho tư duy luôn phải truy tìm, liên tưởng, muốn nắm bắt lấy vô vàn những ý nghĩa đang còn tiềm ẩn ngay trong lòng của nó” [44].

C. Levy-Strauss đã rút ra một khái niệm từ nghiên cứu nhân loại học về các sự kiện văn hoá. Ông viết: "Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng, trong đó xếp ở hàng đầu là ngữ ngôn, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo” [48].

Biểu tượng văn hóa có thể hiểu là sự vật, hình ảnh giúp chúng ta vượt qua hình thức, dáng vẻ bên ngoài để tìm ý nghĩa thiêng liêng bên trong. Biểu tượng luôn là những hình ảnh được kí gửi vào đó những hàm nghĩa kín đáo của một cộng đồng. Có những hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của cả nhân loại như hoa hồng - biểu tượng của tình yêu, chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình… Bên cạnh đó lại có những hình ảnh mang tính biểu tượng đơn lẻ, hiểu trong phạm vi hẹp hơn: Cái gật đầu, bắt tay hay nụ hôn là những biểu tượng cho văn hóa chào của từng dân tộc, từng khu vực. Mỗi lĩnh vực văn hóa lại có những biểu tượng khác nhau: Văn hóa trang phục có biểu tượng áo dài; văn hóa giao tiếp, cưới hỏi có biểu tượng trầu - cau; văn hóa Phật giáo có biểu tượng hoa sen, rồng;…

3.1.2. Một số biểu tượng tiêu biểu

Một số biểu tượng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Thái còn được lưu giữ đến ngày nay như: ngoảng (ve sầu), mạ (ngựa), luồng (rồng), biooc (hoa), nặm (nước), phia (núi)…

Người Thái cũng sử dụng nhiều biểu tượng văn hóa mang tính phổ quát của cả cộng đồng. Nhiều biểu tượng văn hóa của người Thái được đưa vào trong truyện thơ. Các biểu tượng được thống kê ở bảng sau:

STT Biểu tượng văn hóa Số lần xuất hiện

1 Trầu cau 8 2 Rồng 2 3 Ngà voi 1 4 Pí Pặp 1 5 Đàn môi 3 6 Mặt trời 3 7 Hoa 5

Trong số những biểu tượng kể trên, biểu tượng văn hóa nổi bật nhất phải kể đến là trầu cau, biểu tượng này xuất hiện và được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm:

1. … Đi Tà Sại mua cau,

Mua cau, cau cả buồng sai quả, Mua trầu, muôn lá gói mang về, Dạm người yêu thay lời thương nhớ, … Gói trầu nhỏ anh mang tới gửi Gói cau con tới dặm,

Dây trầu không xin được cuốn leo, Gói cau lên quản trước tưng bừng,…

Đây là lần đầu tiên hình ảnh trầu - cau xuất hiện trong tác phẩm. Đó là lời kể của cô gái nói về sính lễ mà chàng trai mang sang nhà cô gái. Trầu - cau là mình chứng để “Lời hẹn hò bền chắc - Tình đôi ta nhuyễn chặt”.

2… Tay trái cầm gói cau lau mắt… … Cau Mường Sại úa héo lìa buồng, Trầu Mường Trai rụng buông khỏi cuống, Mua cau, cau rời buồng héo quắt,

Trầu rơi vàng, trăm lá gói mang đi…

Lần thứ hai không còn giống như lần trước: Cô gái nói đến việc từ chối của cha mẹ nàng với chàng trai. Mọi thứ đã không được như mong muốn vì anh ta bị từ chối.

3…Gói trầu nhỏ người mang tới gửi, Gói cau con tới dạm,

Dây trầu không xin được cuốn leo, Gói trầu lên của trước rầm rầm,…

Sính lễ mà “người” mang đến không khác so với người đầu tiên. Song, điều khác biệt là sính lễ lần này được đón chào nhiệt thành hơn:

Muôn tiếng sàn sau hối hả, Mối lái ngược xuôi vội vã,… 4…Gói trầu không bắt chéo,…

Đây gói trầu nhỏ người mang đến gửi, Gói cau con tới dạm,

Dây trầu không ràng cuốn tình con,…

Lời của người mẹ khi nói cho con gái biết sự ràng buộc mà chàng trai thứ hai mang đến.

5… Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi, Gói cau con người mang tới dạm,

Dây trầu không người đã tới cuốn leo!

Bác trai, bác gái nhà dưới, chú thím nhà trên, chị em dâu rể trong nhà đều không giúp được gì cho cô gái vì đã ăn trầu cau của nhà trai.

6… Người ta trầu vàng, cau rụng,

… Trèo lên quản, cha mẹ em vui mừng hớn hở, Còn anh, cau cả buồng sai quả,

Trầu xanh tươi muôn lá gói mang về, Bước lên quản, cha mẹ em hất xuống,…

Trầu - cau trở thành vật so sánh tình cảm, thái độ của cha mẹ nàng. 7.… Cha em cầm gói cau tìm tháng,

Cầm gói trầu tìm ngày,…

Cô gái kể về việc cha mẹ ép gả bán cho người khác. Cô không được tự lựa chọn hay có quyền quyết định. Khi trầu - cau cha mẹ đã mang đi hỏi ngày tháng tốt thì nàng phải chấp nhận theo sự sắp đặt ấy.

8.… Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm, Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,…

“Dây trầu xanh thắm” tượng trưng cho sự chung thủy, quấn quýt đến chết không rời.

Như vậy, biểu tượng trầu cau được nói đến trong truyện thơ của người Thái có ý nghĩa tương tự như người Việt bao đời nay vẫn quan niệm. Trầu cau thể hiện quan hệ tình cảm trong gia đình, việc mời trầu thể hiện ứng xử trong giao tiếp, là phương thức để biểu hiện tình cảm với nhau, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen. Trầu cau là biểu hiện nét văn hóa độc đáo của dân tộc, miếng trầu chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó thân thiết trong tâm hồn mỗi người.

Miếng trầu cũng là ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật nhận lời hay chối từ trong tình cảm nam nữ: Đối với các nam nữ thanh niên nam nữ xưa kia thì miếng trầu là nguyên cớ để bắt đầu một tình yêu, một cuộc hôn nhân - "Miếng trầu nên dâu nhà người". Trong việc cưới, hỏi nhận lễ vật trầu cau là đồng nghĩa với việc nhận lời cầu hôn, là giao ước giữa hai họ. Đó là một nghi thức độc đáo của người Việt. Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng.

Biểu tượng rồng cũng được nhắc đến trong truyện thơ:

… Ước sao anh mọc cánh, Như rồng thiêng bay tung,

… Ta ước phép lớn như phép Rồng Phép cả như phép trời

Phép cao như phép Mạnh Tông…

Theo quan niệm của người Thái, rồng là một loài vật truyền thuyết thời cổ đại, tượng trưng cho mọi sự linh thiêng, tài giỏi, đẹp đẽ. Thành ngữ Thái: “giỏi bằng rồng”, “sướng bằng rồng”. Dân ca Thái có câu hát:

… Mặt em như cô gái Kinh, Lưng mình như cô gái Lự,

Rồng là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất thế giới. Xét theo hình thức cấu tạo, rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật khác nhau, song luôn có hình dáng gần nhất với một loài vật chính. Dân gian phương Đông dùng thuyết “tam đình cửu tự” (thân 3 khúc: đầu, thân, đuôi, kết hợp từ 9 nét khác nhau của 9 loài vật có thật gồm “cửu tự” là chín nét giống, gồm: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ, tai giống bò) để nói lên đặc trưng tổng hợp ấy, và để lý giải vị trí bá chủ vạn vật của rồng. Rồng tượng trưng cho sức mạnh, cho những điều tốt đẹp, may mắn. Trong truyện thơ, cô gái ước có được sức mạnh to lớn để chốn thoát khỏi thực tại. [47]

Bên cạnh đó còn có một số biểu tượng văn hóa mang phạm vi hẹp xuất hiện trong truyện thơ:

… Anh ước thành voi ngà bạc, ngà vàng đan lượn quanh hoa…

Theo truyền thuyết lịch sử Thái, vua Lào muốn hòa hoãn để bản mường được yên ổn nên phải mang voi có ngà bọc bạc, bọc vàng đến biếu vua Kinh nhưng voi đến giữa đường cứ quay về chủ cũ. Ở đây, người Thái dùng biểu tượng voi ngà để thể hiện sự cao quý, quay đầu lại. Với chàng trai, đó là việc quay về quấn quýt cùng người yêu cũ.

Ống nứa pí pặp là biểu tượng cho tình yêu:

… Em bỗng thành người vợ nghĩa nặng Bỗng thành dâu của người nghĩa dày

Phút giây pí pặp chồng giắt lên đầu gianh,…

Pí pặp bắt nguồn từ truyền thuyết có một đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Họ đau đớn, khóc than với nhau bên một khóm nứa, khóm nứa đang xanh tốt bỗng héo khô vì thương cảm cho cảnh ngộ của họ. Họ liền lấy khóm nứa nhân ái ấy làm thành ống sáo. Đó là ống pí pặp- một loại sáo nổi tiếng ở Tây Bắc làm bằng ống nứa nhỏ có đóng lưỡi đồng, người thổi, đặc biệt chỉ dùng bồi âm diễn tả. Pí pặp là ống sáo riêng của tình yêu.

Cùng với ống nứa pí pặp, đàn môi cũng là biểu tượng của tình yêu, của lòng trong trắng. Mỗi khi đi tìm người yêu, người con trai luôn phải cầm chiếc đàn môi đi gẩy đánh tiếng - tiếng gọi của tình yêu, tiếng gọi bạn tình:

… Anh mười ba biết cắt sáo, Mười bốn biết cắt đàn môi,

Đàn môi đồng hai mươi bốn chiếc,

… Đôi ta yêu nhau anh gửi em chiếc đàn môi đồng, Còn thương anh, đàn môi đồng nhớ mãi,

Duyên mai sau, đàn môi đây, hãy lẫy nhận người, Cất kỹ trong lòng, em ơi, đừng nhầm lẫn nhận sai! Con khóc giơ đàn môi dỗ nín…

… Đôi ta yêu nhau còn gửi vật tin,

Đàn môi đồng anh gửi em đây thay mặt…

Qua tiếng đàn môi chàng trai, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc, nồng nàn, mãnh liệt, say sưa giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Tiếng đàn môi cất lên làm cho người con gái khoan khoái, quên đi bao nỗi vất vả lo toan thường ngày để cảm thụ trong hạnh phúc nồng nàn mang đậm bản sắc dân tộc núi rừng. Với “em yêu” trong truyện thì đàn môi còn là kỉ vật để người tình cũ nhận ra mình. Nếu không có đàn môi là vật tin nàng đem ra gẩy, cuộc sống của nàng có thể chỉ dừng lại là người hầu trong nhà người chồng mới.

Vũ trụ quan của người Thái gồm ba thế giới, một thế giới ở trên trời cao và hai thế giới cùng tồn tại ở mặt đất, một bên là thế giới của những người sống và một bên là thế giới của ma. Trời là thế giới bên trên - nơi ngự trị của Then. Cũng giống quan niệm về Thượng đế của người Kinh, người dân tộc cũng coi vua trời là bất tử, cùng với đó, thời gian ở mường trời là vô tận. Biểu tượng mặt trời qua lời kể của cô gái xuất hiện nhiều trong tác phẩm. Với niềm tin trong tín ngưỡng dân gian từ xưa cho đến nay, hầu như tất cả mọi người đều tin ông trời

là đấng cao cả và vĩ đại. Không một vị thần thánh nào sánh được như mặt trời và không một quyền lực nào ví được như trời. Trời che chở, bảo vệ con người, nuôi dưỡng vạn vật giúp mọi vật tồn tại. Mặt trời được nhắc đến trong truyện thơ là vật báo hiệu thời gian và khoảng không gian tự nhiên, không hề báo trước. Mặt trời ở đây tự do di chuyển như một thế lực có quyền hạn tối cao:

Mặt trời lặn, mặt trời không gọi, Mặt trời đi, mặt trời không chờ, Mặt trời khuất mây mờ sập tối,

Mặt trời còn biểu trưng cho sự vĩnh cửu:

Lá mòn, thành mặt trời, chớ quên, Cầy hương thành ngựa lang, chớ quên,

Trong số các biểu tượng về thiên nhiên, biểu tượng về hoa trong tác phẩm cũng khá đặc sắc:

Mùa hoa bưởi ngắt hoa bưởi ngồi mong, Mùa hoa vông ngắt hoa vông ngồi đợi, Mùa hoa mạ ngắt hoa mạ ngồi chờ,

Người Thái trân trọng, sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy, họ luôn đề cao những thứ gắn liền với họ, trong đó có các loài hoa. Những loài hoa nở theo mùa tượng trưng cho sự chờ đợi của cô gái. Cô gái mong chờ người yêu hết mùa hoa này đến mùa hoa khác, mỗi mùa hoa lại có đặc sắc riêng: Hoa bưởi thơm ngát tháng ba, hoa vông mùa hè, hoa mạ cao quý, lộng lẫy. Truyền thuyết về các loài hoa được cô gái nhắc đến: Hoa mạ là thứ hoa vàng thắm rất đẹp, nối tiếng sau hoa ban, thường được dùng để ví với sự cao quý, đẹp đẽ, nhan sắc lộng lẫy. Ngày xưa tướng Khun Chương đánh giặc, chết trên lưng ngựa, thân hình nát tan thành đất. Ngựa của ông cũng nát tan theo. Riêng bờm ngựa, hàm ngựa hóa thành hoa mạ (mạ: ngựa). Tới mùa hoa mạ nở lại có riêng một giống ve kêu, tiếng ròn rã như nhạc rung, người ta thường bảo đó là ve nhạc ngựa Khun Chương. Các loài hoa nơi núi rừng gần gũi với nhân dân,

chúng đẹp một cách tự nhiên, giản dị. Cô gái gửi gắm nỗi niềm mong nhớ của mình, thể hiện sự nâng niu, trân trọng người yêu:

Hoa sắp héo, sương mai em nhúng, Hoa sắp tàn, nước rượu em ngâm, Hoa sắp úa, khăn đào em gói,

Hoa gói khăn đào hai mươi năm không phai,…

Biểu tượng hoa cũng như các biểu tượng thiên nhiên khác gắn bó với đời sống sinh hoạt người dân tộc Thái, là nguồn khơi gợi cảm hứng, niềm vui, nơi giãi bày tâm sự của họ.

Như vậy, những biểu tượng văn hóa được thể hiện trong Tiễn dặn người yêu được nhắc đến làm nổi bật tâm trạng, tính cách của các nhân vật. Qua đó ta thấy được nếp sống, nếp nghĩ giản dị mà sâu sắc của người dân Thái. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa mà còn mở rộng ra là cả đời sống sinh hoạt của người Thái được đưa vào trong truyện. Văn hóa dân tộc Thái có nét đặc sắc riêng nhưng vẫn luôn hòa quyện, hội nhập với toàn thể cộng đồng các dân tộc khác.

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.1. Khái niệm

Văn học không thể thiếu vắng nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nhân vật văn học là đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ không thể đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng dựa trên cơ sở quan niệm ấy” [40, tr.78]. Để hình dung nhân vật, người kể có thể thông qua lời kể, ngôn ngữ, cử chỉ, miêu tả cảm xúc và hành động nhân vật. Dùng lời kể giúp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện thơ tiễn dặn người yêu dưới góc nhìn văn hóa (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)