Tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện thơ tiễn dặn người yêu dưới góc nhìn văn hóa (Trang 35 - 40)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1. Tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu

Tín ngưỡng dân gian là một hoặc một số hành động, phương thức giao tiếp giữa người, vật hiện hữu với những lực lượng siêu nhiên được lưu giữ phổ biến trong cộng đồng từng dân tộc. Tín ngưỡng dân gian thể hiện sự khát vọng, tôn kính, niềm tin vào một nhân vật liên hệ trực tiếp đến nhu cầu trần tục của con người, nhân vật đó có thể là hiện thực, có thể là lực lượng siêu nhiên đủ đáp ứng mong ước của con người. Tín ngưỡng dân gian không có tổ chức hệ thống chặt chẽ như tôn giáo, nhưng nó vẫn được lưu truyền lâu dài song hành với tôn giáo.

Những đặc điểm về lịch sử phát triển đất nước như có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán, trình độ phát triển xã hội, trình độ dân trí và bản sắc văn hoá của các các dân tộc khác nhau, không chỉ tạo ra sự đa dạng văn hoá mà còn tạo ra sự đa dạng tín ngưỡng. Văn hoá tín ngưỡng không chỉ làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm, tâm thức và tâm linh của văn hoá mà còn góp phần tạo nên bản sắc và sức sống lâu bền của văn hoá các dân tộc. Ngày nay, một số tín ngưỡng dân gian vẫn còn được thực hành phổ biến như tín ngưỡng phồn thực; thờ cúng tổ tiên; tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, con người; tín ngưỡng thờ thần. Các tín ngưỡng hầu như đều có những nghi lễ riêng, có khi được kết hợp trong các lễ hội truyền thống ở nhiều nơi.

Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin - niềm tin của con người và của cộng đồng người ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một sự vật thiêng liêng, cao cả, cái đáng sùng kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó. Tín ngưỡng và tôn giáo có sự khác biệt nhau về hình thức và trình độ tổ chức. Đặc điểm này không chỉ quy định sự khác biệt

giữa tín ngưỡng và tôn giáo, mà còn xác định bản chất và đặc trưng dân gian của tín ngưỡng. Mỗi dân tộc có những tín ngưỡng riêng thể hiện bản sắc, tập tục của dân tộc mình. Nhìn chung, các tín ngưỡng đều mang tính chất cộng đồng, hướng thiện và có sức sống lâu bền. Dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam đã hình thành riêng cho mình chuỗi tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần của cả cộng đồng người. [47]

Trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu có sự xuất hiện tín ngưỡng về vía:

… Về nhà thôi vía hỡi

Về với cây sào dang vắt khăn,… Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau Đừng ngủ sau gốc sậy,

Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau … Vía em yêu hỡi…

Vía là khái niệm trung gian giữa hồn trừu tượng và xác cụ thể. Người Thái xưa cho rằng mỗi con người có năm chục vía đằng trước và ba chục vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc, nếu đã có người yêu thì vía hay tìm đến, phiêu du cùng vía bạn. Vì thế phải gọi quay về. Cùng với vía là mệnh:

… Bay muôn phương tìm xem thử mệnh nàng, Mệnh nàng xa ta một với hay xa ta một sải?...

Theo quan niệm xưa, người Thái cho rằng mỗi người sinh ra đều do Then đúc nên, có sẵn một sợi dây hoặc một cái móc, móc số mệnh treo trên trời. Nếu ai chung liền một mệnh thì sẽ lấy được nhau, hòa hợp đến già. Con người ở dưới đất bao nhiêu may rủi, họa phúc, đều do mệnh của người ấy treo trên mường trời quyết định trước. Mệnh không thể thay đổi hay xê dịch chỉ đến khi nào chết thì mệnh mới dứt. Ở đây, chàng trai nói đến việc muốn níu giữ cô gái nhưng không thành vì cha mẹ ngăn cản. Họ yêu nhau nhưng họ tin vào số mệnh. Sự phản kháng của các nhân vật để tìm hạnh phúc thực sự trong truyện

còn rất mờ nhạt. Vía hay mệnh của con người theo quan niệm người Thái và nhiều dân tộc khác cho rằng là do Then quyết định:

… Yêu nhau sợ Then không thương Then thương sợ trời cao không giúp…

Người Việt xưa có tín ngưỡng thờ Trời. Để giải thích một số sự vật, hiện tượng thiên nhiên, người ta tin rằng có các vị thần linh chi phối, dần dần hình thành tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Trong số các tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, Trời được coi là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhất. Ông Trời trong tâm thức người Việt là vị thần tối cao nên ai cũng hướng về. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ viết về ông Trời như “trời cao có mắt”, “bán trời không mời thiên lôi”, “số trời đã định”, “trời sinh voi sinh cỏ”,… Trời tuy ở trên cao nhưng cũng rất gần gũi với dân gian. Trời được coi như một vị thần công lí: Ai làm điều ác trời sẽ không tha, ai làm việc thiện thì trời sẽ ban phúc. Ông Trời là đối tượng để người dân cầu cạnh, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong văn hóa truyền thống của người Việt, từ thời phong kiến, tín ngưỡng thờ Trời được cung đình hóa bằng một nghi thức trọng thể của quốc gia: lễ Tế giao - nghi lễ đầu tiên của một vị Hoàng đế sau khi lên ngôi. Với người Thái, Then được hiểu là vua, chúa trên cõi trời. Then và Trời theo quan niệm của dân tộc Thái không có sự phân biệt, đều cùng là một lực lượng huyền bí, siêu nhiên, có sức mạnh vô hạn. Người Thái đặt niềm tin vào đó nên ở đây, cô gái lo sợ không được thương cho chót, nỗi lo sợ nhiều bề của cô gái thấu đến trời xanh.

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh cũng xuất hiện trong truyện thơ:

… Ngày về trời treo trên cổ ngựa bay, Đàn bay lên thành một cánh bướm vàng,…

Người Việt tin rằng mọi vật đều có linh hồn từ con người đến núi, sông, cây, cỏ, các loài động vật,... Linh hồn biết tất cả những gì mà con người đang làm và có thể giúp con người ở mọi lúc, mọi nơi. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ

thực tại: Trước thiên nhiên bao la, bí ẩn và chứa đựng nhiều hiểm họa, con người đã tôn thờ, thần thánh hóa lực lượng tự nhiên thành siêu nhiên với những biểu tượng sức mạnh của thần linh và cầu khấn, thờ cúng để được che chở. Người dân Đông Nam Á thờ cúng thần Đất, thần Lúa. Người Khmer gọi là ông Tà, thờ bằng đá.

Truyện thơ nhắc đến “ngựa bay”. “Ngựa bay” hay ngựa có cánh là hình con vật được treo trước mộ người chết. Người ta sẽ đẽo ngựa gỗ có cánh, trang trí xanh đỏ, treo trên cây tang cạnh mộ để ngựa đưa hồn người chết về trời. Trên cổ ngựa gỗ đeo những kỉ vật mà lúc sinh thời người chết quý nhất. Tín ngưỡng này có điểm tương đồng với quan niệm “trần sao âm vậy” của nhiều dân tộc khác. Theo đó, khi có người chết, người ta làm lễ và chuẩn bị các hình nhân cũng như vật dụng cần thiết để đốt cho người chết. Đó chính là văn hóa đốt vàng mã duy trì hàng ngàn đời nay. Hiện tại, văn hóa này đã đi xa hơn mức vốn có của nó, có nhiều biến tấu, gây tổn hại về kinh tế cũng như mĩ quan nên cần phải có những biện pháp xử lí thích hợp. Điển hình là việc ngừng đốt vàng mã, hóa sớ ở các chùa chiền.

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh được thể hiện trong tác phẩm còn xuất phát từ những truyền thuyết lịch sử Thái mà người dân Thái tin vào đó:

... Nai sợ ngã, sợ chết,

- Xin van người, người hỡi!... Chim sợ ngã, sợ chết,

- Xin van người, người hỡi!...

Đó là việc người Thái tin con vật biết nói. Niềm tin vào tín ngưỡng này được thể hiện qua cách ứng xử của chàng trai với thiên nhiên, con vật: Chàng tha mạng cho chúng. Trong vô vàn con vật, mỗi con mang đến cho con người những điều may rủi khác nhau. Từ đó dẫn đến việc người Thái tin vào điềm - điềm lành, điềm dữ:

… Anh thấy vợ chồng chim phượng đang ăn quả si, Con đậu cành dưới chúi xuống ăn quả cánh trên, Con đậu cành trên chui lên ăn quả cành dưới,…

Chim phượng vốn là biểu tượng của sự cao quý, quấn quýt nhưng khi có hành động lạ như vậy thì lại không đem lại điều tốt lành cho người nhìn thấy nó. Hình ảnh trái lẽ tỏ ý là điềm gở, điềm xấu. Điềm gở đó mãi sau này khi chàng trai trở về mới biết: Người yêu đã đi lấy chồng khác.

Tín ngưỡng trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu không được đề cập đến nhiều nhưng thông qua lời kể giản dị, cụ thể có thể thấy tác giả đã vận dụng sáng tạo và đưa vào truyện những tín ngưỡng mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Qua đó phản ánh đời sống sinh hoạt, suy nghĩ và hành động của người dân Thái nói chung và chàng trai, cô gái trong truyện nói riêng. Việc cô gái đem mình so sánh với các con vật vừa thể hiện được giá trị của cô gái, vừa nói đến số phận bẽ bàng của cô:

Anh bán em xuống dưới như người Thái bán trâu, Anh bán em lên mường như người Lào bán ngựa,…

Rồi như lời của người cha cô gái:

Con gái yêu tao giá bằng voi mới gả, Giá bằng trâu cũng có được may ra,…

Cô gái khi phải rời xa gia đình về bên nhà chồng đã thấy rất buồn và gửi gắm tình cảm đến những con vật trong nhà:

… Chào trâu, chào ngựa, chào bò, mùa tết vui gặm cỏ non xanh!...

Các tín ngưỡng dân gian được phản ánh trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu mang đậm bản sắc dân tộc Thái xưa kia. Đây là những tín ngưỡng phổ biến trong cộng đồng dân tộc người Thái, chi phối và ăn sâu vào cuộc sống, nếp nghĩ của họ. Đặc biệt trong việc kết hôn, người Thái coi trọng và tôn thờ, tin tưởng vào những đấng siêu nhiên có thể giúp đôi trai gái nên vợ thành chồng hoặc phải xa cách, tình duyên dang dở. Tín ngưỡng dân gian góp phần làm giàu

thêm đời sống tinh thần, vì thế người Thái nói riêng và người Việt Nam nói chung luôn đề cao, coi đó như một chuẩn mực, quy tắc đạo đức trong xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện thơ tiễn dặn người yêu dưới góc nhìn văn hóa (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)