c. Đối với ngân hàng
3.2.3 Về thông tin làm căn cứ để xếp hạng tín dụng cho khách hàng
Không kể đến những rủi ro phát sinh từ quy trình cho vay cũng như rủi ro tác nghiệp xuất phát từ đạo đức của người xét duyệt cho vay, thì một vấn đề đáng quan tâm chính là nguồn dữ liệu mà nhân viên tín dụng NH sử dụng để làm cơ sở chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng; Để đánh giá về năng lực tài chính của khách hàng, NH sẽ dựa hoàn toàn trên BCTC mà doanh nghiệp cung cấp.
Với định hướng tín dụng của HDBank tập trung vào nhóm doanh nghiệp, phần lớn các BCTC của nhóm này lại không được kiểm toán. Mặc dù chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể, song số doanh nghiệp có BCTC phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp không nhiều. Các ngân hàng dựa trên BCTC không thật nên quyết định đưa ra bị sai, sau đó nhận ra rủi ro đối với khách hàng đó cao dẫn đến hạn chế cho vay, hoặc cho vay với lãi suất cao, và đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo cao hơn đẫn đến doanh nghiệp không vay được vốn, hoặc có vay được nhưng chi phí đi vay quá cao dẫn đến thua lỗ và đương nhiên không trả được nợ.
Để tránh trở thành nạn nhân của những báo cáo tài chính sai lệch, HDBank ưu tiên dựa vào BCTC đã được kiểm toán. Nếu BCTC của khách hàng chưa được kiểm toán HDBank cần tự kiểm tra sự gian lận của báo cáo tài chính. Như vậy, giải pháp ở đây chính là NH lập ra một thư viện thông tin nội bộ, sẽ rất hữu ích để các CBTD có thể sử dụng làm nguồn tham chiếu khi tìm kiếm thông tin khách hàng. Thư viện thông tin này sẽ không chỉ cập nhật thông tin về toàn bộ khách hàng, không chỉ có khách hàng vay vốn mà là toàn bộ khách hàng có giao dịch với NH, thông tin này được tổng hợp bởi các chi nhánh, sau đó tập trung về kho dữ liệu chung của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, sẽ có một đội ngũ cán bộ chuyên làm công tác cập nhật thông tin thị trường, thông tin ngành, trong đó tập trung ưu tiên các nhóm ngành mà HDBank cho vay. Từ đó sẽ góp phần xây dựng một hệ thống thông tin đủ mạnh để phục vụ cho công tác đánh giá của CBTD.