Mạch nguồn cảm hứng từ những đề tài hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ dân tộc dao thời kì hiện đại (Trang 49 - 60)

7. Cấu trúc đề tài

2.2.2. Mạch nguồn cảm hứng từ những đề tài hiện đại

Tiếp tục khảo sát giai đoạn phát triển tiếp theo của thơ ca Dao thời kì hiện đại, tức là những thập niên cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, với những tác giả như Triệu Kim Văn, Bàn Thị Cúc, Tằng A Tài, Lý Hữu Lương…, có thể nhận thấy giai đoạn mở đầu này thơ ca Dao đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Nó bắt nguồn cảm hứng không chỉ từ những mảng đề tài đậm tính truyền thống như giai đoạn trước, mà đồng thời còn mở rộng đến những đề tài mang hơi thở đời sống hiện đại. Nổi bật lên trong đó là những đề tài như: triết luận về số phận con người; triết luận về những vận động, đổi thay trong đời sống.

2.2.2.1. Triết luận về số phận con người

Văn học nói chung và thơ ca nói riêng, khi viết về bất kì đề tài nào chăng nữa, cuối cùng cũng vẫn là nhằm hướng về con người và số phận của con người trong hoàn cảnh của nó. Chính vì vậy, có thể nói rằng, vấn đề số phận con người là vấn đề trung tâm, cốt lõi, đích hướng trong văn chương, đặc biệt là thơ ca.

Đối tượng trung tâm của văn học là con người. Người nghệ sĩ nhận thức rõ bản chất con người thực tại thì mới có thể phục vụ tốt cho con người. Những hình tượng nghệ thuật của nhà văn phải mang những giá trị hình thành các chủ thể của đời sống, tức con người. Nó phải đáp ứng nhu cầu thời đại, phát triển nhân cách, thanh lọc tâm hồn con người theo chiều hướng thượng. Bằng chất thẩm mỹ nghệ thuật đặc thù, cá biệt của hình tượng do nhà văn sáng tạo, một tác phẩm văn chương cần lay động cho bằng được sự phân biệt rạch ròi cái thiện, cái ác trong tâm thức người, giúp con người nhận thức đúng bản chất của sự việc, hiện tượng đang hạn chế đà tiến bộ của xã hội.

Thân phận con người là vấn đề lớn, vĩnh cửu của văn học Việt Nam. Xã hội ngày càng phát triển thì thân phận con người lại càng được chú ý, coi trọng, được nâng lên tầm phổ quát và có sức cuốn hút lớn đối với các nhà văn. Càng bước sang giai đoạn hiện đại, con người càng phải đặt mình vào những hoàn cảnh mới phức tạp hơn, nảy sinh nhiều vấn đề hơn, và có lẽ đó cũng là một trong những lí do khiến cho các nhà thơ thời hiện đại ngày một nhiều suy tư trăn trở giằng xé về số phận con người nhiều hơn. Thơ ca Dao thờ kì hiện đại cũng nằm trong trong quy luật sáng tạo như thế.

Từ những điều thân thuộc bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày, người Dao suy tư và đặt ra những câu hỏi để tự vấn về lịch sử tộc người của mình, rằng người Dao từ đâu đến và sẽ đi về đâu:

Ăn xôi ngũ sắc

Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà Trai lớn thì cấp sắc

Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người Sống ngay thẳng như lòng vỏ dao tay Ăn trăm năm bồ hóng trên vách

(Người Dao - Lý Hữu Lương)

Càng yêu thương trân quý đồng bào, người Dao càng xót xa nhận ra những đêm trường đằng đẵng mà người mình đã phải trải qua trong nỗi niềm cô độc:

Những mắt sáng môi trầm Ru cuộc đời bằng lời răn Páo dung thức đủ đêm vàng Páo dung hòa vào nước biển Mặn luênh loang

Trong hồn

Những con người cô độc

(Bình nguyên đỏ - Lý Hữu Lương)

Mượn những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong đời sống miền núi, nhà thơ Triệu Kim Văn đã có những liên tưởng đầy triết lí thông qua biểu tượng đất:

Măng vầu trong lòng đất Măng ngọt

Măng đã trông thấy trời Măng đắng

Cho hay

Khi chết người ta về với đất.

Đây là những suy nghiệm hết sức thấm thía về lẽ đời, về con người. Dù là từ lúc khởi nguyên sinh ra cho đến lúc quay trở về già con người ta có thể đổi thay nhiều lắm (để ứng phó hoàn cảnh, để thỏa mãn tham vọng.v.v.) nhưng rồi cuối cùng vẫn phải giữ lấy cội nguồn.

Đất mẹ là điểm xuất phát mà cũng là điểm kết thúc của chu trình vòng tròn của con người. Mới hay, đất sinh ta ra và đất sẽ nhận ta về. Và Triệu Kim Văn đã đúc kết những chân lí đó thành quy luật về cuộc đời và số phận con người:

Đọt măng trồi lên từ lòng đất Con ve ngoi lên từ lòng đất Lòng đất mẹ bao dung Cây tre lột giáp trả về đất Con ve lột xác trả lại đất Ấy là luật tự nhiên.

(Công bằng - Triệu Kim Văn)

Như vậy có thể thấy, nhà thơ Triệu Kim Văn đã truyền tải và bày tỏ được những suy tư chiêm nghiệm và đúc kết thành những triết lí rất sâu sắc, cao đẹp, nhân văn về con người, cuộc sống.

Các nhà thơ Dao cũng luôn luôn đau đáu nghĩ về lịch sử đầy nước mắt, mồ hôi và cả máu của dân tộc mình, để trăn trở giằng xé khôn nguôi trong sâu thẳm nỗi lòng:

Chúng tôi đã trở về Trên đôi tay đầy máu Xin một gầu nước làng tôi Xin một chái nước nhà tôi Xin chậu nước bể lọc Rửa phăng đi bụi bặm Rửa phăng đi cơn đói lòng Bằng nguồn nước của mẹ ta Khổ đau nào ngủ lại

Trên mặt trận xa kia

Trong cuộc sống hằng ngày, ngay giữa sự hiện diễn hôm nay, người Dao vẫn có những nỗi niềm không dễ gì thấu hiểu và chia sẻ. Là một người con, nhà thơ trẻ Tằng A Tài cảm nhận rõ hơn ai hết những nỗi niềm và hoàn cảnh mà số phận người mẹ, người phụ nữ Dao phải chịu đựng, trải qua:

Người đàn bà úp mặt vào hai bàn tay Khô gầy và nham nhở

Những giọt nước từ sa mạc khô Sâu chín tầng số kiếp

Vặn mình đau khủng khiếp Chảy ướt lá mạ non xanh... Và tôi biết

Có một ước mơ

Mằn mặn khóe môi mình

(Người đàn bà - Tằng A Tài)

Những vần thơ triết luận về số phận con người đã bộc lộ rõ nét và sâu sắc những tâm tình sâu kín, nỗi niềm suy tư, ước vọng cháy bỏng về hạnh phúc, về yêu thương. Nó là niềm an ủi, sự đồng cảm sẻ chia của lòng người với lòng người mà có lẽ chỉ có thơ ca mới có thể thể hiện được một cách sâu sắc nhất. Nó cho thấy các nhà thơ Dao đã luôn dành một sự đau đáu, chú tâm khi ngẫm nghĩ, bộc bạch, suy tư về những vấn đề của thân phận, cuộc đời con người. Suy cho cùng, đó là điểm xuất phát khởi đầu mà cũng là đích đến cuối cùng của văn chương nói chung, của thơ ca nói riêng.

2.2.2.2. Triết luận về những vận động, đổi thay trong đời sống

Thời gian và dòng lịch sử là những điều không ai có thể đi ngược lại quy luật của nó. Đó là một diễn trình tự nhiên, vĩnh cửu, bất tận. Cuộc sống theo đó cũng liên tục đổi thay, vận động không ngừng nghỉ. Con người là trung tâm điểm trong đó, sẽ phải đối diện và chịu sự chi phối của tất cả mọi thay đổi vận động ấy.

Đất nước ta ngày nay đang trong quá trình vận động và phát triển mạnh mẽ. Sự vận động phát triển này biểu hiện trên các phương diện kinh tế, xã hội quen thuộc, mà còn cả ở các phương diện văn hóa và lối sống với mọi biểu hiện vừa đa dạng vừa sinh động của nó. Đó là sự thay đổi của mỗi cá nhân gắn liền với thay đổi của gia đình; sự thay đổi trong quan hệ hàng xóm, láng giềng; sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng; xu hướng thay đổi giá trị, triết lý sống của cá nhân và các nhóm xã hội.v.v... Những sự vận động thay đổi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: tác động của kinh tế thị trường, tác động của văn minh công nghiệp, ảnh hưởng của toàn cầu hoá, sự chuyển đổi từ cơ cấu xã hội truyền thống sang cơ cấu xã hội hiện đại, đa dạng hơn. Có thể nói, những sự vận động thay đổi này mang tính tất yếu của quy luật phát triển. Vấn đề cần nói là mỗi người và mỗi cộng đồng sẽ nhìn nhận, đối diện, ứng xử, thích nghi như thế nào với nó mà thôi.

Cuộc sống càng vận động phát triển theo xu hướng hiện đại hóa, thì càng nhiều vấn đề mới phức tạp đa chiều đa diện cũng sẽ xuất hiện. Cùng với những cái được của sự văn minh hóa, hội nhập hóa, là những nguy cơ về sự mất mát của văn hóa, của bản sắc, sự vơi hụt và lệch hướng trong nhân tình - đạo đức, sự phức tạp của mối quan hệ xã hội, giữa người với người.v.v... Những sự đổi thay phức tạp đó khiến cho con người thời hiện đại sống trong những cảm quan mới cũng rất phức tạp, với không ít những suy tư, âu lo, phiền muộn. Và hơn ai hết, các nhà thơ là những người nhạy cảm và thấu hiểu sâu sắc điều đó. Thơ ca chính là nơi thẻ hiện rõ nhất những cảm quan tinh thần như thế.

Cuộc sống của người Dao cũng đang ngày một đổi thay phát triển theo sự đổi thay phát triển chung của xã hội, đất nước. Các nhà thơ Dao cũng đã kịp thời bắt nhịp theo những hiện thực đời sống mới để cảm nhận, suy tư và diễn giải trước những vấn đề này.

Hòa nhịp thơ của mình vào nhịp sống của quê hương ngày mới, Triệu Kim Văn nghĩ đến một sức mạnh nội sinh cho cuộc sống mới đầy sinh lực, đang trỗi dậy vươn mình mạnh mẽ nơi quê hưởng bản làng người Dao hôm nay:

Những ngọn đồi đang thoát tục Những làng Dao đang cuộc hồi sinh

Bởi những bàn tay không chỉ biết làm hoa nên vải Còn giỏi chạm vào đất cằn biết nói

Âm thanh của mùi hương là màu sắc cuộc đời

(Gặp bên đèo - Triệu Kim Văn)

Những người con sinh ra và lớn lên bởi nước suối và bóng mát lá rừng, cho nên dù có suốt một đời phải trải qua bao phiêu dạt, đổi thay, nhưng cuối cùng đến khi kết thúc cuộc đời thì người con của núi rừng vẫn chỉ nguyện được quay trở về và hóa thân vào quê hương xứ sở của mình - nơi mình đã được chôn rau cắt rốn:

Nếu tôi chết hãy đưa tôi về núi Để hồn tôi tìm lại chiếc nhau mình Trong lồng nhỏ mẹ tôi treo bờ suối Cành cây giờ đã vươn xanh

(Nếu tôi chết - Triệu Kim Văn) Các nhà thơ dân tộc Dao luôn bắt kịp những vấn đề của thời đại, những gì đang xù xì thô nhám và nóng hổi đang diễn ra hằng ngày hằng giờ với cuộc sống quanh mình, với gia đình dòng tộc đồng bào và quê nhà của mình. Nhìn thấy cảnh rừng núi bị tàn phá nặng nề, Triệu Kim Văn đã viết về cái rét ngày nay so với ngày xưa. Ngày xưa, khi rừng còn rậm rạp thì rét đến khủng khiếp, rét buốt tấn công con người khắp nơi thế nhưng giờ đây cái rét bị xua đuổi vì rừng bị tàn phá. Qua đây để chúng ta thấy được thực tại của việc phá rừng:

Ngày xưa không có kiểu thế Rét mà như chợt rét thôi Bất giờ trái đất dày rậm Cái rét có mặt khắp nơi Mỗi khi chị đông trẻu gót

Là xua rét tấn công người. Loài người căm thù cái rét Thi nhau chặt phá hết cây Cái rét bị quây đuổi hết Chỉ còn rét kiểu rét chơi Nên chi bây giừ người đẹp Phô phanh cho thịt da cười

(Ngày xưa không có thế - Triệu Kim Văn) Nhà thơ Triệu kim Văn là người luôn quan tâm đến từng đổi thay của dân tộc mình, ông yêu quý mảnh đất quê hương đến tha thiết. Vì vậy, khi chứng kiến cảnh những người dân đầu năm mới phải bỏ quê hương đi vào Sông Bé làm ăn ông cũng rất quan tâm và trăn trở để sau đó gửi gắm những suy tư về câu chuyện đó trong thơ của mình:

Sớm nay

Ngày đi làm đầu năm

Gặp người làng di cư vào Sông Bé Ông già và trẻ con

Những chiếc lá rừng tao tác bay

(Ngã ba phố - Triệu Kim Văn)

Có những khi, hồn núi bay đi mất, người đọc giật mình cùng tác giả bởi sự mất mát về bản sắc văn hóa không thể đong đếm được, là nguyên cớ sâu xa của những nỗi buồn sâu thẳm khó nói thành lời:

Không còn dấu vết núi Không còn dấu vết rừng Không còn dấu vết bản

Đến chút hơi chàm cũng không Tất cả đã là người Hà Nội

Nhưng làm người Hà Nội thế cũng buồn

Chính vì vậy, dù có vật đổi sao rời, dù có muôn vàn biến động đổi thay của cuộc sống hay con người, thì tác giả vẫn nguyện tìm về với núi của mình, coi đó là hạnh phúc đích thực:

Tôi từ núi đi quành xuống bản Từ bản đi ra phố thị thành Từ thị thành mà đi ra biển Rồi lại trở về với núi xanh

(Hạnh phúc - Triệu Kim Văn)

Đứng trước sự giao thời giữa thế kỉ XX và XXI, nhà thơ người con của dân tộc Dao, người con của núi rừng cảm thấy sự già nua của bản thân mình và ngẫm nghĩ về những gì có thể diễn ra trong thiên niên kỉ mới. Đó là những suy tư và dự cảm rất chân thành mà cũng thật lớn lao về những điều đang ở phía trước, không chỉ là với một cá nhân, mà là với cả quê hương mình, cộng đồng tộc người mình:

Chưa sang thế kỉ hai mốt Mà thấy mình đã già nua Bao nhiêu tóc trên đầu rụng Bao nhiêu ngọn đồi trơ khô Mai sau công trình nhà máy Đua nhau mọc lên mọc lên Cháu con Bàn Vương làm thợ Bỏ miền nương rẫy quen?

(Gửi thiên niên kỷ ba - Triệu Kim Văn) Bước chân vào chốn thị thành phồn hoa đô hội, người con của núi rừng bỗng cảm thấy mình trở nên lạc lõng, ngẩn ngơ nuối tiếc kiếm tìm lại trong miền kí ức về những gì mình đã từng có, những gì mình đã từng gắn bó, nay mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Đọc những dòng thơ dưới đây, ta cảm nhận được

người Dao gắn bó thủy chung sâu nặng với cội nguồn gốc tích của mình đến thế nào.

Ký ức tuổi thơ thao thức Lằn nhớ hằng in giấc mơ Đêm đêm giấc ngủ trằn trọc

Thương bản nghèo thóc nghèo cơm Bẻ nhau củ khoai củ sắn

Bát cháo gừng cay muối mặn Căn nhà đất chật tiếng cười Bây giờ sống giữa khung trời Thị thành hào hoa tráng lệ Bỗng thèm ngồi trên lưng nghé Ngấu nghiến củ mài đen thui

(Ký ức - Tằng A Tài)

Đúng như một nhà thơ đã cảnh báo và bày tỏ nỗi phiền muộn khi nhận ra sự đau đớn chua xót của những con người đã bước chân vào nhịp sống hối hả, nó là sự thật đầy cay đắng và nhiều khi đầy oái oăm:

Xảy chân vào chốn phù hoa

Cười ra tiếng nấc, khóc ra tiếng cười.

Cuộc sống hiện đại với những guồng quay của kim tiền, của đua chen danh lợi, của mất mát hụt hẫng về nhân tình,v.v... tất cả khiến những người Dao trẻ hôm nay không khỏi dự cảm về những gì tốt lành đang mất đi, và cả những gì bất trắc bất an bất toàn đang tràn đến. Còn đâu những vẻ đẹp lắng trầm qua lớp lớp thời gian, lớp lớp văn hóa lịch sử tộc người:

Ngày mai…

những khói bếp sẽ không vào mái gianh chiều thật nặng buông mi xuống cỏ sau cánh cửa chỉ còn là nỗi nhớ

khô những vết trầu người thiếu phụ hồi xuân…

Như vậy, có thể thấy, thơ ca là bản nhật kí tinh thần chân thực, đầy đủ, sâu kín nhất của con người. Đọc những trang thơ Dao hiện đại, người đọc có thể cảm nhận, chia sẻ về những nỗi niềm của người Dao hôm nay, trước những bộn bề đổi thay của đời sống. Các nhà thơ Dao đã khẳng định sự gắn bó máu thịt của mình với đời sống bản làng, với nhịp thở đồng bào, cho nên mỗi trang thơ của họ đều bám sát trước những câu chuyện, những vấn đề hằng ngày của đời sống hôm nay. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy vấn đề mà các nhà văn nhà thơ và các nhà nghiên cứu lí luận phê bình văn học đã khẳng định: thơ ca chân chính và đúng nghĩa, có giá trị thực sự, là thơ ca không bao giờ vắng mặt hay từ nan trước các vấn đề của đời sống này.

Tiểu kết

Thơ ca dân tộc Dao thời kì hiện đại có một sự vận động khá rõ về mạch nguồn cảm hứng, với một quá trình có sự kế thừa, bổ sung, mở rộng và phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ dân tộc dao thời kì hiện đại (Trang 49 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)