7. Cấu trúc đề tài
2.1. Vấn đề cảm hứng trong thơ
Lao động sáng tạo nghệ thuật nói chung, đặc biệt là sáng tạo văn chương nói riêng, không thể không dựa trên cảm hứng. Nếu không có cảm hứng, nhà văn nhà thơ sẽ không được khơi gợi ý tưởng cũng như không thể thăng hoa khi triển khai tác phẩm của mình. Nó là tiên đề mang tính quyết định đến sự ra đời của một tác phẩm.
Các nhà lí luận nghiên cứu phê bình đã định nghĩa cảm hứng là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [65, tr.44]. Như vậy, có thể thấy, cảm hứng là yếu tố rất quan trọng, vừa chi phối quá trình sáng tạo của tác giả, vừa chi phối quá trình cảm thụ đón nhận của bạn đọc.
Thơ được coi như một thể loại văn học phản ánh cuộc sống theo một hình thức thẩm mĩ đặc thù. Nó thể hiện những tâm trạng, xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn từ hàm súc, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu và âm hưởng. Định nghĩa của Sóng Hồng khẳng định: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường” [65, tr.310]. Có thể nói, nếu nhà thơ không có cảm hứng thì sẽ không có bài thơ, và ngược lại, một bản thảo không chứa đựng những xúc cảm mãnh liệt thì nó chưa phải bài thơ.
Để có được những mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, nhà thơ phải biết ý thức về bản thân và con người, có tình yêu và sự gắn bó với cộng đồng và đời sống quanh mình, quan tâm, suy tư, trăn trở với các vấn đề xã hội - quê hương -
đất nước. Chỉ khi nào sống thật lòng mình, sống hết lòng mình, khi đó nhà thơ mới tìm thấy chính mình, tức là biết mình đang là ai, đang thuộc về đâu, đang hướng sự quan tâm và nỗi niềm suy tưởng của mình về điều gì. Từ những điều nhỏ bé và gần gũi thân quen nhất như một bông hoa, cuốn sách, ngôi nhà, góc vườn, người hàng xóm, bản tin thời sự,... đến những điều lớn lao hơn như thân phận con người, lịch sử quê hương, câu chuyện văn hóa,… tất cả những mối quan tâm trăn trở ấy của nhà thơ sẽ chính là mạch nguồn khơi gợi cảm hứng cho sự sáng tạo thơ ca.
Tìm hiểu về mạch nguồn cảm hứng chính là một yếu tố quan trọng và căn bản để ta chỉ ra được nhà thơ/nền thơ đó thuộc về cội nguồn lịch sử nào, không gian văn hóa nào, cộng đồng tộc người nào, và nó đặt trong một tiến trình vận động ra sao.