7. Đóng góp của luận văn
3.2.1. Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị
Trong xã hội hiện đại, khi con người ta hối hả với nhịp sống của cơ chế thị trường, họ có rất ít thời gian cho việc đọc tác phẩm nghệ thuật. Dường như ý thức được điều đó nên các nhà văn khi sáng tạo thường sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu để độc giả dễ tiếp nhận, họ ít khi sử dụng ngôn ngữ mang tính chất thách đố người đọc. Một trong những kiểu ngôn ngữ họ thường sử dụng là ngôn ngữ mộc mạc, bình dị. Khảo sát các bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh, chúng tôi thấy ở cây bút này cũng có những đặc trưng ngôn ngữ như thế.
Là một thể loại có tính tự do, phóng túng, được coi như là văn chơi, văn ngẫu hứng nên ngôn ngữ tạp văn luôn thể hiên tính đời thường, hàng ngày. Khảo sát các bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh, chúng tôi thấy hầu hết tác giả đều khai thác triệt để ngôn ngữ mộc mạc, bình dị. Đó là cách dùng từ ngữ rất đời thường. Điều đó góp phần tạo nên những trang văn sinh động, gần gũi và giàu chất thơ.
Cùng là cây bút nữ viết tạp văn nhưng Nguyễn Ngọc Tư hay sử dụng lớp từ ngữ mang đậm dấu ấn ngôn ngữ Nam Bộ từ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách diễn đạt. Với thứ ngôn ngữ đặc chất Nam Bộ chị đã thổi vào đời sống văn chương nước ta một nguồn gió mát mẻ, nồng nàn hương vị phù sa đất Mũi, nhưng lại cũng rất mới lạ, làm vừa lòng cả những người đọc khó tính. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng thuần thục một khối lượng lớn từ ngữ Nam Bộ vào tác phẩm của chị: Từ những từ xưng hô như: má, ba, tía, bà thím, ông cậu, ổng,
chế..., những từ chỉ địa hình, sản vật : bình bát, bông súng, cà ràng, cây còng, cây tra, chợ nổi, dừa nước, đất nẻ, kinh, mồng gà, nước bờ, nước kém, nước rang, ô rô, rạch, rẫy, khóm, sao nhái, trải giác, ba khía... đến những từ chỉ hoạt
động sinh hoạt như: bơi xuồng, chạy máy... những từ biểu lộ cảm xúc thương, rầu, sầu..; những phụ từ, thán từ đặt ở cuối câu: à, nghen, làm chi, hổng ngờ,
mèn đẹt ơi, như vầy nè... Chị sử dụng đắc địa hơn cả vẫn là những kết hợp từ
mang tính khẩu ngữ: dễ ợt hà, tùm lum, nằm chèo heo, mệt thấy mụ nội, hỏi
quýnh quáng, chèo đã đời... đến những tên địa danh đậm đặc tính địa phương
như: Vàm Cỏ Xước, vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Rãng, Xẻo Mê, Xẻo Rô,... Những tên ấp, tên làng, tên chợ Nam Bộ thật khó lẫn: xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, đất Cháy, Mút Cà Tha.
Còn với Phan Thị Vàng Anh, ngôn ngữ mộc mạc, bình dị trong tạp văn của được biểu hiện ở tinh thần, thái độ bộc trực của chủ thể đối với những vấn đề được phản ánh. Ví dụ như: “Quay trở lại với cái nhà trưng bày và triển lãm
trên kia, cái cơ hội được treo cho ra treo của tranh, cũng như cơ hội được ngắm cho ra ngắm của người xem tranh, đã bị cướp mất” [10, tr.81] hoặc:
“Phần tôi, , đọc xong, thấy giận cái “con” cô giáo kia 1, thì đám học trò kia 47 (bởi có 47 trò mà!). Giả sử tôi có con học trong cái lớp ấy, nếu đi học về cháu mách, bố mẹ ơi hôm nay con phải liếm ghế cho cô” [10, tr.106].
“Thế mày không dám bỏ ra khỏi lớp rồi lên mách ông hiệu trưởng à?” [10,
tr.106].
Có khi lại được biểu hiện ở cách dùng ngôn ngữ của chính tác giả ở ngôi trần thuật thứ nhất cho đến ngôn ngữ nhân vật được nhà văn đưa vào các bài viết. Chẳng hạn, dưới đây là ngôn ngữ của chính tác giả Phan Thị Vàng Anh:
“Chị gái tôi là một người tình cảm. Năm thứ hai Đại học, chị có bồ. Anh
đợi, áo quần mặc sẵn, nhấp nhổm ra vào, cho đến tận tối, mặt xám lại, sắt se vì bực...” [10, tr.16].
Hệ thống từ vựng trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh” tương đối phong phú, dồi dào. Đặc biệt ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ sinh hoạt được chị khai thác triệt để, tạo nên chất văn xuôi đậm nét. Lời thoại trong tạp văn của chị nhiều khi là những mẩu ghi chép từ đời sống rất gần gũi với giao tiếp hàng ngày. Chẳng hạn, viết về việc lấy mật gấu tự do trong khi báo chí luôn đưa tin phải bảo vệ các động vật quý hiếm, chị viết như đang đối thoại với các nhà chức trách cầm quyền bằng thứ ngôn ngữ đời thường nhất: “Thưa các vị, lằng nhằng
quá phải không? Nhưng một kế hoạch giải cứu phải có những bước zích zắc của nó. Tôi đã tính kỹ càng (tuy có hơi lẩn thẩn) từng bước đề cứu loài gấu. Nhưng tới đây, tôi chợt nghĩ lại, có một yếu tố quan trọng, rất có thể làm hỏng bét kế
hoạch của chúng ta” (Ai sẽ làm việc này đây?)[10, tr.85].
Ngôn ngữ đời sống vốn rất sinh động. Để đưa lớp ngôn ngữ vào các bài tạp văn sao cho tự nhiên mà không gượng gạo là vấn đề không đơn giản. Nhưng Phan Thị Vàng Anh lại làm điều đó rất tốt. Từ thực tế của việc khảo sát tác phẩm, chúng tôi nhận thấy rằng, trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh”, tác giả phần lớn đều sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, bình dị. Kiểu ngôn ngữ này được nhà văn thể hiện từ thao tác kể cho đến diễn giải, phản ánh hay bình luận vấn đề. Cách sử dụng ngôn ngữ đó làm cho tín hiệu tác phẩm chuyển tải tới người đọc được dễ dàng hơn, đồng thời người đọc cũng rút ngắn được quá trình tư duy ngôn ngữ để nắm bắt, tiếp nhận nhanh những thông tin, vấn đề từ tác phẩm. “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh” thường có những cái tên rất giản dị. Bởi văn chương của chị là thứ văn - báo chí hiện đại giàu thông tin, cô đọng, dân chủ và gần gũi với đời sống chứ không phải là thứ văn chương bóng bẩy, mĩ miều. Mỗi cái tít là một câu hỏi đặt ra trước cuộc sống: Tôi cũng muốn ăn cắp, Tôi có đủ
nghề, May mà không biết vẽ, Ai sẽ làm việc này đây? Ai khiến mày lạ? Ở đâu có bản kính viễn vọng?Sự nan giải của Tí, Không có chồng thì đừng có làm giàu, ở Việt Nam mình cái đó rất khó nới. Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào? Nếu tao là nhà nước, Hàng không có biết thương dân? Cái không thuộc về y đức, Nhật ký (gã) đào đường, Không bao giờ hoàn hảo, Mì gói, bạn hay thù? Gửi Đoàn của tôi, Lên đường đi các bác, Tôi muốn đời tôi màu gì? Đọc nhan đề tác phẩm, ta
thấy dường như chẳng có gì hấp dẫn nhưng ẩn chứa sau nó lại là một nội dung vô cùng sâu sắc, đòi hỏi phải tìm câu trả lời, phải giải quyết.
Ngôn ngữ trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh” rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Chị thường hay sử dụng những từ khẩu ngữ, những từ trong phong cách sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ như trong bài “Không có chồng thì đừng có làm giàu”, chị viết: “Lên đó khác gì vào cửa tử. Bạn thử tưởng tượng xem. Bạn là
trưởng phòng Tư pháp, một sáng kia thấy một người phụ nữ lù lù bước vào, chìa cái đơn ra và xin chứng nhận tôi chưa có chồng, bạn có điên dại đến mức mà kí vào không?” [10, tr.118]. Hay ở bài “Nếu tao là nhà nước”, khi nói về thực trạng dịch vụ dành cho khách tại khu vườn quốc gia Cúc Phương, tác giả viết:
“Xót ruột lắm khi thấy cái túi tiền của nhà nước đáng nhẽ được đầy mà lại vẫn cứ vơi. Một cơ hội làm ăn béo bở như vậy, tao còn thấy, sao nhà nước lại không thấy mà bỏ phí thế nhỉ? [10, tr.143]. Còn trong bài “Mứt thối, lỗi tại vợ”, trước
thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tác giả viết: “Các chị lâu nay trao lục
phủ ngũ tạng của gia đình vào tay những kẻ chỉ biết có mì hóa chất…Giờ là lúc hợp pháp các chị quay về với những quyển sách dạy nấu ăn, nằm mốc meo trên kệ sách, hay thậm chí dưới gậm giường mà không sợ chồng bĩu môi chê “hâm”. Nếu các chị nhất quyết tự làm mứt Tết năm nay, năm sau sẽ bớt đi những kẻ làm ăn bẩn thỉu. Nếu các chị nhất quyết thêm năm nữa, sẽ có thêm những người phấn đấu sạch sẽ hơn” [10, tr.300]. Ở bài “Thắc mắc thời bình”, tác giả viết về
lối sống của một người bạn tên là B như sau: “Nhớ cách đây sáu năm, một lần
chiều nào cũng đi bơi, sách đọc mấy tháng không xong một quyển, lâu lâu lại biến đi du lịch xa xăm, chẳng bao giờ hại ai mà cũng chẳng bao giờ biết bức xúc hộ ai” [10, tr. 312].
Như vậy, qua khảo sát các bài trong cuốn “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh”, chúng tôi thấy rằng nhà văn sử dụng khá nhiều lớp từ ngữ mộc mạc, bình dị. Chính điều đó đưa tạp văn của chị đến gần với độc giả và được độc giả yêu thích hơn.
3.2.2.Ngôn ngữ giàu hình ảnh và sắc thái biểu hiện
Tuy không được sử dụng nhiều bằng kiểu ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, nhưng có thể nói rằng kiểu ngôn ngữ giàu hình ảnh và sắc thái biểu hiện xuất hiện trong các bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh cũng làm cho diện mạo ngôn ngữ của thể loại này thêm đa dạng, phong phú. Không những vậy, kiểu ngôn ngữ giàu hình ảnh, hình tượng còn góp phần nâng giá trị câu văn, khiến câu văn hay hơn, hấp dẫn hơn, đưa người đọc đến một thế giới đầy hình ảnh, hình tượng, sắc màu...
Nếu trong tạp văn chỉ sử dụng một kiểu ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, mà không có sự đan xem kiểu ngôn ngữ giàu hình ảnh và sắc thái biểu hiện, thì người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán. Bởi vậy, việc xen kẽ, đan cài, kết hợp giữa hai kiểu ngôn ngữ này là thao tác quan trọng đòi hỏi người viết làm chủ ngòi bút của mình để làm cho tác phẩm tạp văn vừa mộc mạc mà lại hàn lâm, vừa bình dị mà lại tinh tế.
Trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh”, chúng ta thấy tác giả đưa hình ảnh, hình tượng vào hết sức phong phú. Nhà văn sử dụng hình ảnh để thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về một vấn đề nào đó trong xã hội, hoặc bộc lộ sự đồng cảm, biểu hiện cảm xúc trước những kiếp người, những số phận bất hạnh, đáng thương mà tác giả từng được chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày, hay có khi những hình ảnh, hình tượng được huy động lại nhằm diễn tả vấn đề, hiện tượng mà tác giả chiêm nghiệm, triết lí. Ví dụ, khi Phan Thị Vàng Anh cần phản
ánh những bất cập ở các thư viện (từ “nội quy ngặt nghèo trái khoáy” cho đến cách làm việc ì ạch, câu nệ nguyên tắc của các “thủ thư”), tác giả đã dùng hình ảnh con rồng với những cú phun lửa, quật đuôi của nó để làm cho vấn đề mà tác giả đang phản ánh tăng thêm phần sinh động, diễn tả rõ nét hơn thực trạng vấn
đề: “Chỉ khi nào, sau giờ hành chính... đến tận 10h tối,..., thì khi đó chúng ta
hẵng nói là có sự bình đẳng trước sách. Đằng này, hệt như những truyện thần thoại luôn luôn có ba cửa ải ngăn hiệp sĩ đi tìm công chúa, gần như thư viện nào cũng có sự bất hợp lí của nội quy là con rồng phun lửa thứ nhất, thủ thư khó tính là bầy rồng khạc lửa thứ hai, sự lề mề của thủ thư khi đi tìm sách là cú quật đuôi của con rồng thứ ba” [10, tr.34].
Cũng có khi Phan Thị Vàng Anh lại mang vào tác phẩm của mình ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhiều màu sắc với lối so sánh đầy sáng tạo và cách tư duy hiện đại. Chẳng hạn, khi suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi bạn trẻ đối với cuộc sống tác giả viết: "Làm mãi một cơ quan, sống mãi một nơi, ăn mãi một quán…
sẽ mang đến cho một tấm thảm đời tẻ nhạt. Muốn có những hoa văn cổ quái, màu sắc cực kỳ tăm tối hay vô cùng rực rỡ, thì phải dấn thân mà tự dệt.." (Tôi muốn đời tôi màu gì). Hay khi nói về sự thiếu thông, thiếu tư liệu, vốn sống của
bộ phim “Vua bãi rác”, tác giả dùng hình ảnh so sánh rất độc đáo: “Quả thật, bộ phim Vua bãi rác như một người dùng một cái que cời rác chọc vào mỗi nơi một tí (sau khi đã chọc vào bãi rác một cách hời hợt): chọc vào du côn, chọc vào tình yêu, chọc vào tình người, chọc vào tranh vẽ, chọc vào (cả) nghệ thuật sắp đặt,…[10, tr. 63]. Còn trong bài “Mong vị đầu ngành du lịch liếc mắt cho
một cái”, để nói về tình trạng mất vệ sinh trong dịch vụ ăn uống của các điểm du lịch, Phan Thị Vàng Anh miêu tả rất chi tiết bằng các hình ảnh: “Những quán ăn
tràn ngập giấy ăn, rồi xương, rồi rau dưới sàn, xin lỗi, trông không khác gì ngồi ăn trên sàn nhà xí. Bát đũa rửa ẩu trong những chậu nước đục ngầu, nhầy mỡ; bên cạnh là chồng bát đũa bẩn vứt tung tóe trên sàn nước, rất cận kề với nhà vệ sinh” [10, tr. 242]. Và với tình trạng bẩn thỉu, mất vệ sinh như vậy, tác giả so
sánh: “Trên một cái nền chung mất vệ sinh thế này, hình ảnh du lịch ta chẳng
khác nào một cô gái xinh, mặc áo dài điệu, đội nón lá trắng, tay cầm sen tươi, nhưng người cô ấy rất hôi và chân cô ấy rất bẩn” [10, tr.243].
Ngôn ngữ trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh” là ngôn ngữ của thời đại kỹ thuật số. Đó là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí. Nó ngắn gọn, chính xác nhưng rất giàu giá trị biểu cảm. Có thể ngắn đến tối đa chỉ cần chuyển tải thông tin: Tí chỉ cần học giỏi: môn Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ nhưng lại cũng là thứ ngôn ngữ rất giàu hình ảnh và đầy tính triết lý, đầy tinh thần hài hước: “Và bố Tí, giờ mới hiểu nỗi lòng của các giáo viên khi phải đối mặt với tinh thần "thành tích" của mẹ Tí trước các chị em cơ quan, nên đành phải dẹp ngay cái lối giáo dục của riêng mình, ngậm ngùi nhìn Tí bay theo đàn chim vẹt" (Sự nan giải của Tí).
Bên cạnh kiểu ngôn ngữ giàu hình ảnh, trong “Tạp văn Phan Thị Vàng Anh” còn sử dụng khá nhiều thứ ngôn ngữ giàu sắc thái biểu hiện. Chẳng hạn trong bài “Tôi cũng muốn ăn cắp”, khi bàn về hành động ăn cắp sách của một anh nhân viên thư viện, tác giả viết: “Ăn cắp đành rằng là xấu, tôi biết chứ. Nhưng dẹp cái chuyện anh nhân viên bán sách vào túi riêng qua một bên, thì cái hành động của anh này tôi lại nghĩ có thể là…đáng khích lệ, nếu chỉ xét trên phương diện chuyển một vật từ-vô-dụng-sang-hữu-dụng. Ít ra, nhờ có anh, mấy bộ tạp chí cổ mới có cơ được người yêu sách sờ tới một cách tự do” [10, tr.33-
34]. Hay trong bài “Mong vị đầu ngành du lịch liếc mắt cho một cái”, khi bàn về trách nhiệm của ngành Du lịch trong việc đảm bảo vệ sinh tại các địa điểm du lịch, nhà văn viết như sau:“Đến đây, ngành Du lịch có thể bẻ lại, làm sao chúng
tôi giải quyết được việc bẩn? Việc vệ sinh là việc của ngành khác, Bộ khác quản chứ! Việc chế tài, rút giấy phép của những nơi làm ăn bẩn cũng là của Bộ khác chứ! À, nếu chỉ nghĩ về mặt trách nhiệm mà không nghĩ đến mặt lợi ích cho ngành thì nói thế cũng đúng. Vả lại, tôi quên khuấy đi mất, chúng ta cuối cùng vẫn luôn có ngành khác, Bộ khác, Bộ khác nữa để mà lù mù trách nhiệm, và để
những đề xuất, kiến nghị không có câu trả lời. [10, tr.243-244]. Ngôn ngữ được
Phan Thị Vàng Anh sử dụng mang nhiều sắc thái khác nhau, tưởng như đồng tình, ủng hộ, nhưng thực chất lại là lên án, phê phán, đả kích đối tượng.