Sáng tác của Di Li trong văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết trinh thám kinh dị của di li (Trang 30)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.3 Sáng tác của Di Li trong văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại

Trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam đương đại, chúng ta thấy xuất hiện hàng loạt những cây bút trẻ xuất sắc, có nhiều cách tân nghệ thuật và những đóng góp đáng ghi nhận vào thành tựu chung của nền văn học nước nhà. Những cây bút trẻ đã gây được nhiều tiếng vang trên văn đàn có thể kể đến như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân.v.v.. Và trong

đội ngũ ấy, Di Li là một nhà văn trẻ có dấu ấn đặc biệt với phong cách và con đường sáng tạo riêng rất ấn tượng.

Với tinh thần dấn thân, dám tìm tòi, đổi mới, dám thử thách chính mình, văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về bút pháp nghệ thuật, có những đóng góp to lớn vào thành tựu chung của nền học đương đại nước nhà. Có thể nói, văn xuôi trẻ đương đại đang có một cuộc bùng nổ với nhiều khuynh hướng sáng tác, nhiều cá tính sáng tạo độc đáo và sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật. Nguyễn Bình Phương có hành trình bền bỉ đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của con người, đó cũng là một hành trình đi xa nhất vào cõi vô thức của con người. Nguyễn Ngọc Tư da diết, nồng hậu, ám ảnh với không gian văn hóa và cuộc sống miền sông nước Nam Bộ. Đỗ Bích Thúy có một “vùng đất” riêng trong trang văn của mình với không gian văn hóa miền núi cao phía Bắc và những nỗi niềm đau đáu, những vẻ đẹp mời gọi. Nguyễn Đình Tú đầy bạo liệt, thô nhám trước các vấn đề thời sự nóng hổi. Phong Điệp phác dựng bức tranh đô thị, con người đô thị, xung đột nổi bật trong đời sống đô thị Việt Nam đương đại. Uông Triều quay về khai thác và luận giải các vấn đề lịch sử dân tộc, đất nước.v.v..

Mỗi người một dáng vẻ, một giọng điệu, những gương mặt trẻ bước đầu đã tạo được ấn tượng bởi những lạ lẫm trong khám phá hiện thực, bởi những táo bạo trong cách phơi trải tâm hồn, với cách viết đầy ngẫu hứng luôn có sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm và vốn tri thức văn hóa mới mẻ. Họ được sống trong một môi trường văn hóa có nhiều ưu thế hơn so với các thế hệ đàn anh, với sự giao lưu văn hóa toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Điều đáng ghi nhận ở thế hệ này là ý thức vươn tới những thể nghiệm mới mẻ, lạ hóa cách viết truyền thống. Nhu cầu “viết khác đi” dường như là nhu cầu chung của thế hệ này, cho dù những thể nghiệm đó có thể là thành công hay thất bại. Tác phẩm của lớp nhà văn này, dù đề cập đến vấn đề gì (cuộc sống chật chội trong những căn phòng ở đô thị hay bản năng gốc của con người) thì cuối cùng cũng là để cho người đọc thấy rằng họ

mang trách nhiệm nói hộ những vấn đề, những câu chuyện của thế hệ mình. Họ viết về thế hệ của mình với biết bao hoang mang, hoài nghi giằng xé rồi vẫn khát khao hướng thiện vươn lên, chia sẻ trải nghiệm về sự đổ vỡ của một xã hội tiêu dùng và sự lên ngôi của văn hóa đại chúng. Họ làm nên một diện mạo văn xuôi dầy trẻ trung, mới mẻ và đa sắc đa thanh.

Giữa bề bộn những gương mặt tác phẩm đa bút pháp, đa phong cách như thế, Di Li đã khai phá một con đường riêng đầy mới mẻ và độc đáo cho mình – đó là tiểu thuyết trinh thám kinh dị.

Di Li là một trong những cây bút trinh thám hiếm hoi của văn đàn Việt Nam. Khác với nhiều cây bút cùng trang lứa, Di Li bước vào nghiệp sáng tác khá muộn. Thế nhưng chị được xem cây bút sung sức của văn học trẻ đương đại Việt Nam. Giống như tính cách thích tự do, khám phá của mình, người đẹp làng văn cũng không đóng đinh ở bất kỳ thể tài nào. Chị "chu du" từ truyện ngắn, tiểu thuyết sang bút ký, dịch thuật, ký sự chân dung, tản văn...; từ hài hước, tình cảm lãng mạn đến kinh dị, trinh thám, thiếu nhi và cả phiếm đàm. Trong đó có nhiều cuốn tạo được tiếng vang như Đảo thiên đường, Điệu

Valse địa ngục, đặc biệt là Trại Hoa Đỏ - cuốn tiểu thuyết đánh dấu tên tuổi

của một nữ nhà văn Việt Nam liều lĩnh thử sức ở thể tài trinh thám, kinh dị và đã thành công. Trại Hoa Đỏ không chỉ đem về cho Di Li giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007 - 2010", mà cuốn sách còn trở thành best-seller, được xuất bản tại nhiều nước trong khu vực và được báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản giới thiệu, đánh giá cao.

Có thể nói, ngay từ khi mới xuất hiện với những tác phẩm đầu tiên, Di Li đã để lại một dấu ấn đặc sắc với bạn đọc. Đến nay, với một thể tài độc đáo và hấp dẫn, với một phong cách đã dần được định hình, Di Li đã và đang khẳng định được vị trí cũng như những đóng góp của mình vào văn xuôi đương đại nước nhà. Với những thành tựu ban đầu, con đường văn học trinh thám kinh dị của Di Li sẽ còn đầy rộng mở, hứa hẹn.

Tiểu kết chương 1

Trong đời sống văn xuôi trẻ đương đại, giữa rất nhiều các nhà văn tài năng, giữa nhiều phong cách và con đường sáng tạo, Di Li đã khẳng định được dấu ấn và vị trí của mình khi tìm ra một con đường sáng tạo riêng, đó là tiểu thuyết trinh thám kinh dị.

Truyện trinh thám thực chất là "câu đố" lớn về trí tuệ gắn với vụ án, và truyện kinh dị thực chất là mượn cái kì ảo hoang đường để vừa tượng trưng cho cuộc giao tranh vĩnh hằng giữa cái thiện và cái ác trong xã hội loài người, vừa lấy hiện tượng ma quái huyền ảo ấy làm phương tiện để chuyển tải những thông điệp nhân văn đến bạn đọc. Trong sáng tác của mình, Di Li đã thành công khi kết hợp được những đặc trưng và thế mạnh của hai thể tài văn học ấy, làm nên đặc sắc riêng cho tác phẩm.

Văn học trinh thám kinh dị là một lĩnh vực còn mới mẻ, hấp dẫn và hứa hẹn nhiều triển vọng cho đời sống sáng tác ở Việt Nam. Cho đến nay, chưa có nhiều nhà văn Việt Nam đi theo và thành công trên con đường này. Với các tác phẩm tiểu thuyết trinh thám kinh dị như Trại Hoa Đỏ và Câu lạc bộ số 7, Di Li có lẽ là một trong ít những nhà văn đầu tiên đã có sự kết hợp đặc trưng của thể tài trinh thám và kinh dị vào trong thể tài văn học tổng hợp của riêng mình. Đây là một sự mở đường, tiên phong và bước đầu đã có những thành công nhất định.

Chương 2

CỐT TRUYỆN, TÌNH HUỐNG TRUYỆN, NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT TRINH THÁM - KINH DỊ CỦA DI LI 2.1. Cốt truyện trong tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li

2.1.1. Khái niệm Cốt truyện

Cốt truyện chỉ sự phát triển của hành động, của tiến trình các sự việc các biến cố trong tác phẩm. Thông thường, nó diễn ra theo một trình tự: Thắt nút, phát triển hành động (sự biến, cao trào), mở nút. Tuy nhiên, đây là kết cấu của cốt truyện truyền thống, cũng có những tiểu thuyết không theo trình tự nhưng vẫn đều bao gồm những phần này.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2000), cốt truyện được định nghĩa là: “Hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và trữ tình” [19, tr99]. Theo đó, có thể tìm thấy ở một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ: một mặt, cốt truyện là một phương diện bộc lộ tính cách nhờ cốt truyện nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức tốt hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh xung đột xã hội, có sức mạnh và lôi cuốn người đọc. Cốt truyện là một hiện tượng phức tạp. Trong thực tế văn học, cốt truyện các tác phẩm hết sức đa dạng, kết tinh truyền thống dân tộc, phản ánh những thành tựu văn học của mỗi thời kì lịch sử, thể hiện phong cách, tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Cốt truyện kinh dị (hay ở Việt Nam còn gọi là truyện ma) thường đơn giản, ít có diễn biến li kì phức tạp. Trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, ở Chuyện người con gái Nam Xương, chất huyền ảo kinh dị nằm ở phần kết

của tác phẩm, khi nhân vật nữ chính Vũ Thị Thiết tự tử và sau đó có cuộc gặp gỡ với người chồng trên sông vào rằm tháng 7.

Cốt truyện trinh thám thì có mức độ phức tạp cao hơn nhiều, bởi xuất phát từ hiện thực với đầy ắp những chi tiết mà thủ phạm tạo ra để che giấu tội ác của mình, và thám tử không dễ dàng khi xác định chính xác để bắt được thủ phạm vụ án. Có thể ví cốt truyện trinh thám như một sợi chỉ mỏng manh, bị đứt quãng nhiều đoạn, mà nhân vật thám tử phải nối những đoạn đứt quãng ấy tạo nên sự liền mạch, lần theo dấu vết tưởng chừng mơ hồ nhất để xác định bắt được thủ phạm gây ra vụ án.

Như vậy, cốt truyện trinh thám và kinh dị đều có những đặc thù riêng bên cạnh những đặc trưng chung của cốt truyện trong tác phẩm văn học.

2.1.2. Một số kiểu cốt truyện trong tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li Li

2.1.2.1. Cốt truyện “vụ án” truyền thống

Đặc điểm nổi bật của thể loại trinh thám là kể về việc điều tra một vụ án, cho nên dù có kể theo cách nào thì cuối cùng câu chuyện cũng phải chỉ ra thủ phạm gây án, nguyên nhân gây án một cách rõ ràng dựa trên những chứng cứ duy lí xác thực. Về điều này, tiến sĩ Triết học người Pháp Laurence Devillairs đã chỉ ra rằng: “Trung tâm của một tiểu thuyết trinh thám không phải là tội ác mà là cuộc điều tra. Trong tiểu thuyết trinh thám, cái chết không xuất hiện như là sự phi lý, quá đáng, không thể tưởng tượng được, mà nó giống như trong một phương trình, một ẩn số thích hợp để cấp cho nó một giá trị” (theo Trần Thanh Hà, Văn học trinh thám, Báo Thể thao & Văn hóa, 2009). Như vậy, có thể thấy rằng, một tác phẩm trinh thám có cốt truyện kinh điển nhất vẫn là cốt truyện kiểu vụ án.

Dường như nắm rõ quy luật và đặc trưng này của thể loại mình đang theo đuổi, Di Li đã triển khai tác phẩm theo mô thức truyền thống – đó là cốt truyện vụ án.

Ở Trại Hoa Đỏ, đó là chuỗi án mạng xảy ra ở một nông trang kì bí. Diên Vĩ được chồng tặng một trang trại nằm giữa vùng núi hẻo lánh. Ngay khi bước chân đến đây, cô đã có dự cảm chẳng lành. Một bộ tộc kỳ dị, những con

người kỳ dị, những vụ sát hại bí ẩn và truyền thuyết về việc phải chiếm đoạt và sát hại một trinh nữ để có được kho báu của dòng họ Quách khiến chuỗi ngày ở Trại Hoa Đỏ trở thành một chuyến đi kinh hoàng… Đại úy Phan Đăng Bách, một khách mời của trang trại, tình cờ trở thành thám tử điều tra những cái chết bí ẩn ở Trại Hoa Đỏ. Cùng thời điểm ấy, người bạn thân nhất của anh bị sát hại khi đang điều tra một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Chôn chặt nỗi đau, anh âm thầm tìm kiếm kẻ giết bạn. Nhiều giả thiết và nghi ngờ đổ dồn về lão thầy mo bí ẩn, hung tợn. Kết thúc tác phẩm, tất cả ngỡ ngàng trong bất ngờ đến kinh ngạc, thủ phạm không ai khác lại chính là Trần Hoàng Lưu - người chồng của Diên Vĩ.

Ở Câu lạc bộ số 7, đó là câu chuyện về mảng đề tài rất ít được đề cập đến trong văn học - đề tài giới tính thứ tư. Đó là chuỗi bảy vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường nếu như nạn nhân là các thiếu nữ xinh đẹp không có cùng một điểm chung là trước khi chết đều bước chân lên chiếc taxi mang thương hiệu Hoa Sen. Cả phòng cảnh sát hình sự, trong đó có Phan Đăng Bách và Mai Thanh (những nhân vật chính đã được xây dựng từ “Trại Hoa Đỏ”) đau đầu vì không tìm thấy bất cứ dấu vết sinh học, tang chứng nào để lại hiện trường, cũng như không thể tìm ra động cơ của những vụ giết người. Cảnh sát điều tra dần tiếp cận với một hội kín gồm những thành viên tự xưng theo tên của người nổi tiếng như Đức Phật, Chúa Jesus, Isaac Newton, Chopin, Immanuel Kant... Thực chất đây là một giáo phái của những người không bị hấp dẫn về mặt tình dục. Họ không cần đàn ông cũng chẳng cần đàn bà mà hạnh phúc với sự đơn độc của mình. Mọi chuyện sẽ chẳng dẫn tới tội ác nếu giáo chủ của phái không phải là người có tư tưởng sai lầm. Hắn cho rằng ái tình không tồn tại trên thế giới, tình dục là một thứ bẩn thỉu cần phải thanh lọc. Vì thế, giáo phái dựng lên một thánh nhân trinh nữ từ những bộ phận khác nhau của các cô gái. Nguyên nhân sâu xa cái chết của bảy thiếu nữ dần được hé lộ. Những bí mật, hận thù hay các mối quan hệ phức tạp chồng chéo cũng được lý giải. Trên hành trình đi tìm sự thật, vì công việc, thiếu tá Phan Đăng Bách cũng liên quan trực tiếp tới

các vụ việc. Người yêu của anh - Mỹ Lâm - là một nạn nhân của giáo phái, bị lấy đi trái tim đang rung động yêu thương. Anh quyết tâm tìm ra nguyên nhân, tóm toàn bộ giáo phái và chứng minh tình yêu là quà tặng tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng con người.

Như vậy, trong cả hai tiểu thuyết của mình, hai cốt truyện mà Di Li xây dựng đều trải qua các tiến trình của một vụ án với sáu bước: Hiện trường xảy ra tội ác (có thể miêu tả trước hoặc sau sự xuất hiện của nạn nhân); Xác chết; Thám tử - người điều tra; Thủ phạm giả định; Quá trình truy tìm thủ phạm; Thủ phạm lộ bộ mặt thật trong một kết thúc bất ngờ.

Thành công của tác giả trong việc kiến tạo và triển khai cốt truyện của cả hai tiểu thuyết này là sự công phu, chặt chẽ, logic, kín kẽ, đặc biệt là sự bất ngờ. Điều đó khiến cho độc giả buộc phải nhập theo câu chuyện để đi đến cùng một cách vừa tò mò, vừa hồi hộp và thích thú.

2.1.2.2. Cốt truyện cấu trúc “sóng đôi”

Cốt truyện trong hai tiểu thuyết của Di Li vừa tuân thủ theo sáu bước truyền thống nhưng đồng thời còn được lồng ghép vào trong những môi trường, không gian huyền ảo, ma quái và đan xen những tình tiết hoặc bất ngờ gây choáng váng, hoặc trộn hòa cái ảo với cái thực mang màu sắc kinh dị, hoặc đan cài cái thật với cái giả gây tò mò cho người đọc, cho nên đã tạo ra sự hấp dẫn riêng. Tác giả đã tạo ra một cấu trúc cốt truyện “sóng đôi” với sự song hành cả yếu tố li kì của truyện trinh thám với yếu tố hoang đường của truyện kinh dị.

Để làm rõ điều này, chúng tôi thống kê tổng hợp và xây dựng thành hai bảng phân tích biểu hiện cấu trúc “sóng đôi” trong hai tiểu thuyết.

Cốt truyện cấu trúc “sóng đôi” trong Trại Hoa Đỏ

Bước Yếu tố li kì của truyện trinh thám

Yếu tố hoang đường của truyện kinh dị

Hiện trường xảy ra tội ác

- Nước tràn ra sàn nhà Huy với màu sắc và mùi không bình thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết trinh thám kinh dị của di li (Trang 30)