Sự phát triển của công nghệ truyền thông hàng ngày hàng giờ tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương mại trên toàn thế giới. Nhờ có những phương tiện như Fax, Internet, Telex mà trong rất nhiều trường hợp các bên không cần gặp nhau nhưng cũng có thể ký được hợp đồng một cách nhanh chóng. Đặc biệt là hiện nay nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã soạn thảo và thông qua Luật giao dịch điện tử.
Hợp đồng là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên mà chính xác là một bên đưa ra đề nghị và bên kia chấp nhận đề nghị đó. Có nhiều cách để các bên thể hiện sự thống nhất ý chí của mình. Trong nhiều trường hợp hợp đồng được ký kết giữa các bên không hề gặp mặt nhau, trong trường hợp này các bên thể hiện sự thống nhất ý chí của mình thông qua trao đổi trên thư từ, tài liệu qua mạng mà theo khoa học pháp lý chúng được gọi là trao đổi đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Hai giai đoạn này không bao giờ đan xen vào nhau.
Luật giao dịch điện tử Việt Nam không có quy định cụ thể về đề nghị giao kết hợp đồng do đó chúng ta sẽ dựa vào những quy định của Bộ luật dân sự 2005, Luật thương mại 2005 và Nghị định số 57/2006/NĐ-CP chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 2006 về Thương mại điện tử để nói đến các vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng.
Tại điều 12 của Nghị định số 57 nói đến thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng như sau “một thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể thì chưa được coi là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi bên thông báo chỉ rõ trong thông báo đó trách nhiệm của mình trong trường hợp nhận được trả lời chấp nhận”. Vì thế, khi đề cập đến đề nghị giao kết hợp đồng cần phải phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản sau: Thứ nhất thế nào là đề nghị giao kết hợp đồng, thứ hai là giá trị pháp lý của đề nghị giao kết hợp đồng và thứ ba là thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực.
Theo quy định tại điều 390 khoản 1 Bộ luật dân sự 2005, “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”. Quy định này cho thấy hai đặc điểm cơ bản của một đề nghị giao kết hợp đồng :
— Trước tiên là đề nghị đó phải được gửi cho bên xác định được. Qua
đó có thể hiểu rằng bên xác định được có thể là một người hay một nhóm người xác định. Đặc điểm này nhằm giúp phân biệt được đề nghị giao kết hợp đồng với lời mời hay là quảng cáo để đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.
— Tiếp theo là nó thể hiện ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng
buộc về đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị. Nếu theo vấn đề này thì việc rắc rối mang tính pháp lý cũng như thực tiễn có thể đặt ra đó là dựa trên tiêu chí hay cơ sở nào để có thể xác định được ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị. Vì sự cần thiết để bảo vệ tính chính xác của các giao dịch, chủ ý này của người đề nghị phải được đánh giá theo tiêu chí khách quan. Có thể ngầm hiểu rằng ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị giao kết hợp đồng được thể hiện ở chỗ, trong lời đề nghị giao kết hợp đồng bên đề nghị có quy định những điều khoản có thể gọi là cơ bản. Trên cơ sở các điều khoản này có thể xác định những được quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tương lai trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.