Trong khung cảnh của thời đại công nghệ và cuộc Cách mạng 4.0, con người cần phải sử dụng thời gian rảnh của mình bằng cách tham gia hoạt động ngoài trời. Sự giao lưu văn hóa xã hội chống lại giao lưu ảo, cũng như sự tiếp xúc với thiên nhiên sẽ chống lại sự giam cầm cảm xúc trong không gian của bốn bức tường. Để đáp ứng được các nhu cầu xã hội đó, không gian mở đô thị đóng vai trò cực kì quan trọng, là điều kiện cần thiết để các hoạt động đó được diễn ra.
1.2.4.1. Phục vụ nhu cầu văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế
Không gian công cộng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội của người dân ở nhiều cấp độ khác nhau, từ công viên khu phố nhỏ đến quảng trường trung tâm thành phố lớn. Chúng là những nơi có giá trị lớn, nơi những người có nguồn gốc khác nhau tụ họp lại và kết nối với nhau trực tiếp, thay vì sử dụng công nghệ.
Không gian công cộng là không gian cho phép văn hóa phát triển mạnh. Nó có thể được coi là một cửa ngõ để phát triển văn hóa trong một xã hội. Nó tạo cơ hội cho những người thuộc các nền văn hóa, nguồn gốc và chủng tộc khác nhau đến với nhau và giới thiệu văn hóa của họ, đồng thời trải nghiệm những nền văn hóa mới xa lạ. Đó là một nơi có thể phát triển văn hóa và xã hội. Những người đến từ các nền văn hóa khác nhau có cách ăn mặc khác nhau, ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng, ý thức và hành vi khác nhau. Những hình thái văn hóa này có thể được chia sẻ và trải
nghiệm. Nó mang đến nhiều cơ hội trong việc phát triển một xã hội có sự tiếp thu và kế thừa.
Không gian công cộng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa mà còn rất quan trọng trong sự phát triển cá nhân của một cá nhân. Nó giúp phát triển lý tưởng và giá trị của một cá nhân cụ thể và hiện thực hóa tính cách và niềm tin của chính họ. Giống như cách người lớn không thể sống mà không có sự tương tác xã hội, tính cách của trẻ em không thể phát triển mạnh mà không tiếp xúc với môi trường xã hội. Không gian công cộng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội của trẻ em. Ví dụ, trong một công viên công cộng, trẻ em học cách chia sẻ và chơi. Giá trị con người được thấm nhuần ở trẻ em chỉ bằng kinh nghiệm và quan sát trong không gian công cộng.
Giá trị văn hóa là động lực chính của giá trị kinh tế ở các thành phố. Không gian công cộng tốt là vô cùng cần thiết trong sự phát triển kinh tế. Điều quan trọng đối với tất cả những người sử dụng các không gian này hàng ngày và cả khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới là họ mong muốn được chiêm ngưỡng, sử dụng không gian công cộng như một cách thức giảm thiểu stress bởi công việc, kết nối mọi người với nhau thông qua các hoạt động... Những không gian này là những vị trí đắc địa nơi khách du lịch có thể trải nghiệm cảm giác và văn hóa thực sự của thành phố mới. Do đó, không gian công cộng là vô cùng quý giá trong sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hóa của một thành phố và các cá nhân của nó.
1.2.4.2. Cải thiện môi trường sống
Một trong những tác dụng lớn nhất của cây xanh cho đô thị, đó là nó cải thiện rõ rệt môi trường sống của người dân. Với mật độ dân cư đông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… tình trạng chung của các khu đô thị chính là môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cây xanh sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu những khí độc như NO2, CO2, CO…Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là lá phổi của thành phố.
không khí bức bối của đô thị trở nên mát mẻ, trong lành hơn. Đồng thời, khi ánh sáng mặt trời gay gắt, tán cây sẽ che chở cho con người, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, cây xanh còn giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn. Trong các công trình kiến trúc, cây xanh là một thành phần có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi sinh. Cùng với việc giảm thiểu nguồn ô nhiễm thì sử dụng cây xanh đang là giải pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, cây xanh đô thị đã trở thành chủ đề thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm. Trồng cây xanh trong đô thị hay xung quanh khu dân cư, khu công nghiệp để che nắng, giảm lượng bức xạ mặt trời, giảm tiếng ồn và bụi phát tán ra bên ngoài nhà máy.
Việc bố trí cây xanh tại các khu vực mở, xen kẽ nhà ở và đường phố được cho là biện pháp hữu hiệu giúp làm giảm lượng ô nhiễm không khí trong các đô thị được gây ra bởi các phương tiện cơ giới, các nhà máy sản xuất…
Tuy nhiên, hiện chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam khá khiêm tốn, đặc biệt là khi so với nhiều đô thị trên thế giới. Nếu như Singapore có diện tích cây xanh đến 30,3 m2/người, Seoul là 41m2/người, Berlin (Đức) 50m2/người, Moscow (Nga) 44m2/người, Paris (Pháp) 25m2/người…thì Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người) và theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12m2/người [11].
Việc thiết kế các tuyến đường giao thông phục vụ các phương tiện công cộng cũng là một giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Thành phố Copenhagen của Đan Mạch đã nhiều năm liền được bình chọn là một trong những thành phố đáng sống nhất châu Âu. Lý do đầu tiên chính là bầu không khí trong lành. Điều này có được là nhờ sự xuất hiện của những chiếc xe đạp trên khắp mọi nẻo đường của Thủ đô Đan Mạch. Đạp xe đã trở thành hoạt động quen thuộc của người dân Copenhagen, thậm chí, số xe đạp còn nhiều hơn dân số nơi đây. Từ thanh để chân ở mỗi cột đèn giao thông hay thùng rác trên đường phố, tất cả đều được thiết kế để phù hợp với người đi xe đạp.
1.2.4.3. Tạo cảnh quan đô thị
Cảnh quan đô thị là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và sự phát triển của xã hội, đó là mảng xanh đô thị được hình thành trong quá trình phát triển đô thị với vai trò tạo cảnh quan và cải thiện môi trường, khi không gian sống ngày càng bị thu hẹp và sức khỏe con người bị đe dọa bởi sự ô nhiễm. Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, mảng xanh đô thị chủ yếu được hình thành từ các khu vực đường phố có nhiều cây xanh, các công viên, thảo cầm viên, hồ nước, các con sông…
Trong những năm gần đây, việc phát triển nhà cao tầng thiếu kiểm soát trong thời gian qua tại Hà Nội đã gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu đồng bộ và không tạo nên được điểm nhấn cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, nó cũng gây ra những hệ lụy về mặt hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội khi tại nhiều khu vực tập trung quá đông dân cư. Việc quy hoạch thiếu diện tích những khu vực mở tại các tòa nhà cao tầng khiến Hà Nội trở nên chật chội, thiếu mỹ quan theo quan điểm của các nhà quy hoạch đô thị.
Dưới sức ép của mật độ dân số quá cao đã khiến cho Hà Nội mất kiểm soát trong việc quản lý quy hoạch xây dựng các khu nhà cao tầng mà thiếu đi những khu vực mở như hiện nay. Tuy nhiên, nếu xem xét một số đô thị khác trên thế giới thì có thể thấy, mật độ dân số không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn tới diện tích không gian công cộng tại đô thị. New York nổi tiếng thế giới bởi những tòa nhà chọc trời, mật độ người dân ở thành phố này luôn trong tình trạng lớn nhất nước Mỹ. Mật độ dân số của quận Manhattan vào năm 2017 là 25.846 người/km² (66.940 người/1 dặm vuông Anh), cao nhất so với bất cứ quận nào của Hoa Kỳ, cao gấp khoảng 10 lần so với Hà Nội (2.398 người/km²) (Wikipedia - Bách Khoa Toàn thư mở, 2017). Với sự phát triển của phương án quy hoạch theo dạng “mạng lưới”, các khu vực mở, công viên, cây xanh, phố đi bộ…được thiết kế xen kẽ các tòa nhà giúp mang lại cảnh quan tuyệt đẹp cho thành phố được mệnh danh là siêu đô thị của thế giới.
Công viên Trung tâm (Central Park) là một công viên công cộng ở trung tâm Manhattan thuộc Thành phố New York, Hoa Kỳ. Đây được coi là một biểu tượng cho sự phát triển đô thị của nước Mỹ. Với diện tích lên đến 341 ha, công viên Trung tâm thuộc trong số các công viên đô thị lớn nhất thế giới, gần bằng Vườn Anh
(München) (370 ha hay 910 mẫu Anh), so sánh với Bois de Vincennes (995 ha; 2,458 acres) và Bois de Boulogne (846 ha; 2,090 acres) của Paris, Richmond Park (955 ha; 2,360 acres) của Luân Đôn, Casa de Campo (1,723 ha; 4,256 acres) của Madrid, và Griffith Park (1,740 ha; 4,310 acres) của Los Angeles [27]. Mỗi năm, công viên đón tiếp khoảng 36 triệu khách tham quan, là công viên đô thị có số lượng khách tham quan lớn nhất Hoa Kỳ. Toàn bộ cảnh quan của công viên trông có vẻ tự nhiên, nhưng thật ra chúng đã được quy hoạch, nuôi trồng, và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ thiên nhiên bên trong công viên là tác phẩm của bàn tay con người, những con đường đi bộ kéo dài, những mã lộ, hai sân băng (một trong hai sân băng này trở thành hồ bơi trong tháng Bảy và tháng Tám) Vườn thú, Vườn nhà kính, khu nuôi thú hoang dã, một khu rừng thiên nhiên rộng lớn [11] một hồ chứa nước rộng 106 mẫu Anh (43 ha) có đường chạy bao quanh, một nhà hát ngoài trời, Nhà hát Delacorte (địa điểm tổ chức những festival mùa hè "Shakespeare in the Park"). Những điểm thu hút khách tham quan như Belvedere Castle, Swedish Cottage Marionette Theatre, và Carousel. Ngoài ra, còn có bảy bãi cỏ lớn và nhiều bãi cỏ nhỏ; một số được dùng cho các môn thể thao, phần còn lại là những khu vực yên tĩnh; còn có những sân chơi dành riêng cho trẻ em.