Đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần một nguồn vốn lớn, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được, trong thời điểm hiện tại áp lực kìm chế nợ công của Chính phủ quan tâm hơn nữa, nên theo kinh nghiệm thế giới phải thu hút vốn tư nhân vào đầu tư, đó là hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác “Công – Tư” (PPP).
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2030 vào khoảng 480 tỷ USD. Việt Nam đã sử dụng 5,7% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng, đứng đầu các nước trong khu vực và khó có thể tăng thêm. Ở Việt Nam đã có nhiều dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác PPP và đã thu được những kết quả nhất định, như xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ…Tuy nhiên khi nhìn lại kết quả thu hút đó còn quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, trong đó có thủ đô Hà Nội. Vì vậy, Việt Nam cần thu hút khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án PPP nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng so với các nước trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nghiên cứu xác định mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng các công trình công cộng trong thời gian sắp tới là cần thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài, doanh nghiệp kết hợp cùng với nguồn vốn nhà nước.
Để làm được điều đó, Nhà nước cần có trách nhiệm trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Cụ thể, khi doanh nghiệp đầu tư thua lỗ, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp sẽ có tâm lý “có lỗ thì cũng không nhiều”. Tuy nhiên, khi nguồn lợi nhuận gia tăng cao hơn dự kiến thì phần gia tăng đó doanh nghiệp cần chia sẻ lại với Nhà nước, đảm bảo đúng mục tiêu của đầu tư Công Tư.
Qua đó, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, Quốc hội đã thảo luận về luật đầu tư theo hình thức Công tư PPP. Tại dự thảo Luật PPP, Nhà nước cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt
thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Nhà nước không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Về bản chất, dự án PPP là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công) thông qua đầu tư tư (vốn tư) và/hoặc quản lý tư. Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường.