Thực trạng hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại việt nam – phương pháp tiếp cận mô hình biên ngẫu nhiên (SFA) (Trang 26 - 29)

2. Cơ sở lý luận

2.4. Thực trạng hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

2.4.1. Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trước năm 1990

Trước những năm 1988, hệ thống ngân hàng Việt Nam được tổ chức là hệ thống ngân hàng một cấp bao gồm NHNN Việt Nam và hệ thống chi nhánh từ trung ương đến địa phương phân bổ theo địa giới hành chính. Hệ thống này vừa đảm nhận chức năng quản lý Nhà nước Việt Nam về các mặt hoạt động tiền tệ, ngân hàng, tín dụng và thanh toán, vừa thực hiện chức năng kinh doanh của một NHTM. Hệ thống ngân hàng theo mô hình này đơn thuần chỉ để thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh, các chỉ tiêu kế hoạch tiền tệ của chính phủ giao cho ngân hàng. Tính chất họat động của ngân hàng giống như “Cơ Quan Tài Chính Thứ Hai” bên cạnh Bộ Tài Chính để cấp phát vốn cho nền kinh tế.

Sau năm 1988 là thời kỳ thực hiện thí điểm hệ thống ngân hàng hai cấp theo Nghị định 53 của Hội đồng Bộ trưởng. Tổ chức hệ thống ngân hàng theo Nghị Định 53 được thực hiện trong thời kỳ 1988-1990 có ưu điểm là tách được chức năng kinh doanh khỏi chức năng quản lý của NHNN và trao chức năng kinh doanh cho các ngân hàng chuyên doanh. Sơ đồ 2.1 mô tả khái quát cơ cấu tổ chức của hệ thống NHTM Việt Nam giai đoạn 1988-1990 theo Nghị Định 53.

Sơ đồ 2.1. Tổ chức hệ thống NHTM ở Việt Nam giai đoạn 1987 -1990

Với mô hình tổ chức mới này, các ngân hàng bước đầu chú ý đến hiệu quả hoạt động, bởi vậy đã thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng đặc biệt là tín dụng ngắn hạn, trong đó cho vay vốn lưu động chiếm từ 90 đến 95% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. tín dụng theo định mức vốn lưu động đã được xóa bỏ, tín dụng thời kỳ này chỉ nhằm bổ sung nhu cầu vượt quá vốn cần thiết của doanh nghiệp. Điều này đã phát huy được đòn bẩy tín dụng, chống bao cấp, thu hẹp dần phạm vi cấp phát vốn của ngân sách Nhà nước thông qua tín dụng. Việc cho vay trong và ngoài hạn mức tín dụng đã bước đầu gắn được hoạt động tín dụng của ngân hàng với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và buộc các doanh nghiệp phải kinh doanh có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hoạt động của các ngân hàng trong giai đoạn này vẫn còn nhiều hạn chế như:

 Các ngân hàng luôn bị động trong hoạt động của mình do không nắm được nhu cầu vốn của các đơn vị theo tỷ lệ trên cơ sở định mức. Điều này làm cho nhu cầu về vốn luôn căng thẳng, áp lực in tiền phục vụ sản xuất và lưu thông luôn cao hơn hạn mức tín dụng của nền kinh tế.

 Tín dụng ngân sách tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn: nếu năm 1986 cho vay ngân sách chỉ chiếm 22% thì đến năm 1990 đã lên đến 74,4%. Điều này gắn cùng với tỷ lệ lạm phát tăng cao trong thời kỳ này.

 Hoạt động tín dụng của ngân hàng không theo cơ chế hạch toán kinh tế thể hiện ở mức lãi như: lãi suất cho vay < lãi suất huy động < tỷ lệ lạm phát và bình quân lãi suất tiền gửi giai đoạn 1987-1990 là 72%/năm, lãi suất cho vay 51,6% và tỷ lệ lạm phát là 183,8%.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém kể trên là do các ngân hàng Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều của cơ chế quản lý cũ vì đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam bắt đầu bước những bước đi đầu tiên sang cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, cơ chế quản lý mới chưa hoàn chỉnh, chưa đủ mạnh để thoát khỏi cơ chế cũ.

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại việt nam – phương pháp tiếp cận mô hình biên ngẫu nhiên (SFA) (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)