6. Bố cục của luận văn
3.5. Chuyển di cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán sang cấu trúc ngữ pháp
của tiếng Việt
Song song với hiện tượng mắc lỗi phát âm, lỗi chính tả hay lỗi dùng từ với các kiểu chuyển di như đã nói, còn một loại lỗi thường xảy ra trong quá trình học ngoại ngữ là mắc lỗi viết cụm từ/câu không đúng qui tắc của L2 do chuyển di từ cấu tạo ngữ pháp L1. Tức là người học áp dụng không thích hợp những phương tiện, cấu trúc, qui tắc ngữ pháp trong L1 vào quá trình học ngoại ngữ, làm cho việc sử dụng ngôn ngữ đó (L2) bị sai lệch.
Theo khảo sát của chúng tôi, lỗi ngữ pháp tiếng Việt mà sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã mắc do ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp tiếng Hán sang tiếng Việt thường có mấy kiểu chuyển di:
(1) Dùng mô hình cấu tạo câu của tiếng Hán sang viết câu tiếng Việt
Nhìn chung, các kiểu câu trong tiếng Hán và tiếng Việt có cấu trúc giống nhau. Chẳng hạn, cấu trúc khái quát của câu đơn bình thường mang ý nghĩa so sánh đồng nhất, kiểu như: A là B trong tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn giống nhau như ví dụ (6) dưới đây.
Ví dụ (6):
Tiếng Hán : 我是工人 。 A là B
Tiếng Việt: Tôi là công nhân. A là B
Những trường hợp cấu trúc đồng nhất này không những không gây lỗi cho người Trung Quốc viết câu tiếng Việt và ngược lại còn tạo thuận lợi cho họ.
Song, trong tiếng Hán có những kiểu câu nhìn khái quát thì không có gì khác cấu trúc câu tiếng Việt như vừa nói nhưng đi vào cấu trúc chi tiết lại không giống. Đó chính là một trong những nguyên nhân gây lỗi viết một số kiểu câu tiếng Việt của người Trung Quốc. Tức là, khi viết một kiểu câu tiếng Việt nào đó, sinh viên Trung Quốc thường vận dụng mô hình cấu trúc của kiểu câu đó trong tiếng Hán sang cấu tạo câu tiếng Việt khiến câu mắc lỗi (xin xem mục 2.2.3.2.b), xin dẫn thêm một số ví dụ về kiểu lỗi này:
+ Dùng cấu trúc so sánh của tiếng Hán sang viết câu so sánh tiếng Việt
Nhìn khái quát, câu so sánh trong tiếng Hán và tiếng Việt có nhiều điểm đồng nhất (cùng được cấu tạo bởi 4 thành tố: cái so sánh, phương diện so sánh, từ so sánh và cái được so sánh, có thể khái quát mô hình chung là: A+ t+ tss+ B), song như đã nói, về chi tiết chúng vẫn có những điểm khác nhau. Sự khác nhau thể hiện rõ nhất là ở vị trí các thành tố cấu tạo của cấu trúc so sánh. Khi viết câu so sánh tiếng Việt, sinh viên Trung Quốc thuộc đối tượng khảo sát của chúng tôi đã chuyển di sự khác biệt này dẫn đến lỗi viết câu so sánh tiếng Việt. Xin dẫn một vài ví dụ về lỗi viết câu so sánh tiếng Việt tiêu biểu mà sinh viên Trung Quốc đã mắc:
Ví dụ (7): a. Anh ấy hơn tôi cao. [Lí Tiểu Hạ, K1]
b. Tôi nhất thích bơi. [Lương Bân, K1]
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 我最 喜欢游泳)。 c. Chuối hơn táo ăn ngon. [Mã Phượng, K3]
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 香蕉和苹果好吃)。 d. Quyển sách này và quyển sách kia như nhau dày. [Lí Kiệt, K2] (Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 这本书和那本书一样厚)。 e. Hà và Linh bằng nhau nặng. [Diêu Lệ, K3]
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 啊河和啊玲一样重)。 g. Thịt bò so với cá đắt.
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 牛肉比鱼贵)。 h. Viết tốt so với viết nhanh quan trọng.
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 写得好比写得快重要)。
i. Trong nhà và ngoài đường giống nhau nóng
(Câu này được chuyển di từ câu tiếng Hán: 家里也和外面一样热).
Các câu vừa dẫn cho thấy sinh viên Trung Quốc đã viết câu so sánh tiếng Việt mắc lỗi do không đặt đúng vị trí các thành tố trong cấu trúc so sánh của tiếng Việt. Thông thường, thành tố chỉ phương diện so sánh (tss) trong tiếng Việt phải đứng trước từ ngữ so sánh (t) và thành tố cái so sánh (B); còn trong tiếng Hán thì ngược lại, thành tố chỉ phương diện so sánh lại đứng sau từ so sánh và sau thành tố B, có thể khái quát sự khác biệt này bằng mô hình dưới đây. Mô hình này cho ta hiểu rõ hơn về lỗi dùng cấu trúc so sánh như đã dẫn:
- Cấu trúc so sánh tiếng Việt: A + tss + t + B - Cấu trúc so sánh tiếng Hán: A + B + t + tss
+ Dùng cấu trúc câu ghép nhân - quả của tiếng Hán sang viết câu ghép nhân quả tiếng Việt
Tiếng Việt và tiếng Hán đều có kiểu câu ghép nhân - quả. Nhìn chung, kiểu câu ghép này trong hai ngôn ngữ giống nhau về mô hình khái quát: đều dùng cặp kết từ: Nếu... thì (如果。。。就。。。), đều có vế A chỉ nguyên nhân và vế B chỉ kết quả và hai vế này có thể đổi vị trí cho nhau), song sự khác biệt dễ nhận thấy nhất của kiểu câu này trong hai ngôn ngữ là vị trí của kết từ chỉ kết quả (就). Trong tiếng Hán, kết từ ở vế chỉ kết quả bao giờ cũng đứng sau chủ ngữ, còn trong tiếng Việt, kết từ này bao giờ cũng đứng trước chủ ngữ (và cả vế câu). Người Trung Quốc thường mắc lỗi viết kiểu câu này trong tiếng Việt bởi đã đặt sai vị trí của kết từ thì (kết từ thì trong câu ghép nhân - quả của tiếng Việt bao giờ cũng đứng trước vế chỉ kết quả).
Ví dụ (8): a. Nếu anh không đi tôi thì cũng không đi.
(Câu này chuyển di từ câu tiếng Hán: 如果你不去我就也不去)。 b. Nếu trời mưa tôi thì nghỉ học.
(Câu này chuyển di từ câu tiếng Hán:如果下雨我就不上课). c. Nếu bạn ăn phở tôi thì cũng ăn phở.
(Câu này chuyển di từ câu tiếng Hán:如果你吃粉我就也吃粉).
Các câu tiếng Hán vừa dẫn cho thấy, kết từ thì trong câu nhân - quả trong tiếng Hán đều đứng sau chủ ngữ của vế chỉ kết quả do đó sinh viên đã chuyển di cách dùng vị trí của từ này từ tiếng Hán sang câu tiếng Việt tương đương nên bị mắc lỗi như vừa dẫn.
+ Dùng vị trí của bổ ngữ chỉ địa điểm trong câu tiếng Hán sang viết bổ ngữ chỉ địa điểm trong câu tiếng Việt
Bổ ngữ chỉ địa điểm trong câu tiếng Việt thường đứng sau động từ, còn trong tiếng Hán thì lại thường đứng trước động từ. Nếu dùng ĐT để biểu thị động từ, BN là bổ ngữ chỉ địa điểm thì có thể mô hình cấu trúc chỉ quan hệ giữa ĐT và BN trong hai ngôn ngữ như sau:
Tiếng Hán: BN + ĐT Tiếng Việt: ĐT + BN
Dưới đây là một ví dụ so sánh cách diễn đạt của hai ngôn ngữ cùng biểu thị một nội dung để hiểu thêm điều vừa nói:
Ví dụ (9):
Tiếng Hán Tiếng Việt
我在文山学院 工作。 Tôi công tác ở /tại Học viện Văn Sơn
(Tôi ở Học viện Văn Sơn công tác)
Cụm từ chỉ địa điểm tiếng Hán đứng trước động từ công tác, còn trong tiếng Việt thì ngược lại, đứng sau động từ công tác. Sự khác biệt vừa nói đã dẫn đến lỗi viết kiểu câu này của sinh viên Trung Quốc. Nguyên nhân là do chuyển di từ cách diễn đạt của tiếng Hán. Chẳng hạn, các em thường viết/nói như ví dụ (10) dưới đây:
Ví dụ (10): a. Mẹ tôi ở nhà máy làm việc. [Bạch Hải Kiều, K1] Câu này chuyển di từ câu tiếng Hán:我妈妈在工厂工作。
b. Em trai tôi ở Cao đẳng Sư phạm Vân Nam học. [Lí Phương, K3] Câu này chuyển di từ câu tiếng Hán: 我弟弟在云南师范高等学习。 Như vậy, chuyển di mô hình cấu trúc câu hay thành phần câu từ tiếng Hán sang tiếng Việt là một dạng lỗi chuyển di mà sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã mắc.
(2) Dùng mô hình cấu trúc cụm danh từ của tiếng Hán sang viết cụm danh từ tiếng Việt và dẫn đến lỗi
Cấu trúc của cụm danh từ tiếng Hán và cấu trúc cụm danh từ tiếng Việt có điểm khác biệt dễ nhận biết nhất là thành tố chính của cụm danh từ tiếng Hán thường đứng sau thành tố phụ mang ý nghĩa hạn định; còn trong tiếng Việt
thì ngược lại. Đây chính là nguyên nhân gây lỗi viết cấu trúc danh ngữ tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc.
Chẳng hạn, khi nói/ viết một cấu trúc danh ngữ trong tiếng Việt, người Trung Quốc hay áp cấu trúc danh ngữ của tiếng Hán vào việc tạo một cấu trúc danh ngữ của tiếng Việt có nghĩa tương ứng. Ví dụ, muốn viết “Quyển sách này
(là của tôi)”, một sinh viên Trung Quốc đã viết: Này quyển sách (là của tôi) [Lí Phương, K2]. Nguyên do của sự viết sai qui tắc tiếng Việt này là sinh viên đã chuyển di cấu trúc của cụm danh từ tiếng Hán (cụm từ zhe ben shu- 这本书 (trong tiếng Hán, từ này đứng trước quyển sách)) sang cấu tạo cụm từ tiếng Việt có nghĩa tương đương. Do đó thay vì phải viết là quyển sách này thì lại viết là này quyển sách khiến cấu trúc cụm danh từ này không đúng với cách nói của người Việt.
Cũng cần nói thêm về kiểu lỗi này, nếu đứng từ góc độ phương thức ngữ pháp thì đây là lỗi phương thức trật tự từ. Đối với tiếng Việt, phương thức trật tự từ là một phương thức ngữ pháp quan trọng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp.
3.6. Tiểu kết
Có thể tóm tắt những kết quả cơ bản, dễ nhận thấy ở chương này như sau: - Chương này đã phân tích được một số kiểu chuyển di tiêu cực tiêu biểu từ tiếng Hán sang tiếng Việt khiến sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã mắc lỗi khi nói, viết tiếng Việt.
Như đã nói ở phần nhận xét chung, có 4 kiểu lỗi chuyển di từ L1 mà sinh viên Trung Quốc thường mắc khi sử dụng tiếng Việt, là:
(1) Chuyển di từ cách phát âm các con chữ, âm tiết hay từ của tiếng Hán sang cách phát âm các con chữ, âm tiết hay từ của tiếng Việt;
(2) Chuyển di từ cách viết các âm vị, âm tiết của tiếng Hán sang cách viết các âm vị, âm tiết của tiếng Việt;
(3) Chuyển di từ nghĩa và cách dùng của từ ngữ tiếng Hán sang nghĩa và cách dùng của từ ngữ tiếng Việt;
(4) Chuyển di từ cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán sang cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt.
- Các kiểu chuyển di nói trên đã được phân loại và miêu tả khá kĩ càng với những ví dụ minh họa sau mỗi luận điểm. Đặc biệt, các cơ chế chuyển di đã được khái quát hóa bằng những mô hình cụ thể hoặc diễn giải ngắn gọn (nếu có thể).
- Như đã nói ở chương 2, các kiểu chuyển di nói trên tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng chúng đều giống nhau về bản chất, đó là: người Trung Quốc (người học tiếng Việt) đã lấy cách phát âm một đơn vị ngôn ngữ nào đó (chẳng hạn như:âm vị, âm tiết, từ), lấy cách viết chữ hay mô hình cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán để phát âm, viết chữ và đặt câu tiếng Việt.
Tóm lại, các kiểu chuyển di từ L1 (tiếng Hán) để dẫn đến lỗi sử dụng L2 (tiếng Việt) của sinh viên Trung Quốc nói trên là kiểu chuyển di tiêu cực, thường xảy ra đối với tất cả mọi người học ngoại ngữ, nếu người học chưa nắm chắc được đặc điểm, tính chất của L2 về mọi phương diện.
KẾT LUẬN
Như đã nói trong mục lí do chọn đề tài, nghiên cứu lỗi sử dụng tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc do chuyển di từ L1, người viết hi vọng sẽ góp phần làm rõ thêm một số kiểu lỗi sử dụng tiếng Việt do chuyển di từ L1 của người Trung Quốc nói riêng, của người nước ngoài nói chung trên bình diện lí luận, đồng thời luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh Trung Quốc khi dạy và học tiếng Việt.
Luận văn đã trình bày được bốn vấn đề lớn:
1. Luận văn đã tổng quan được tình hình nghiên cứu lỗi sử dụng ngôn ngữ thứ hai của người học ngoại ngữ.
Về vấn đề này, luận văn đã sơ lược trình một số công trình nghiên cứu lỗi sử dụng L2 tiêu biểu của các tác giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, luận văn cũng tổng quan được một số công trình nghiên cứu về lỗi sử dụng L2 do chuyển di từ L1 nói chung và công trình nghiên cứu về lỗi sử dụng tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ do chuyển di từ L1 nói riêng.
2. Luận văn đã trình bày được hai vấn đề lí thuyết cơ bản sử dụng để sử lí đề tài, đó là: (1) Lí thuyết về lỗi trong học ngoại ngữ, và (2) Lí thuyết về lỗi chuyển di ngôn ngữ.
- Về lí thuyết lỗi trong học ngoại ngữ, luận văn đã trình bày được 6 quan điểm về lỗi trong học ngoại ngữ: (1) Lỗi theo quan điểm hành vi luận, (2) Lỗi theo quan điểm phân tích, đối chiếu, (3) Lỗi theo quan điểm giao thoa văn hóa, (4) Lỗi theo quan điểm phương pháp giao tiếp, (5) Lỗi theo quan điểm phân tích lỗi và hệ ngữ trung gian, (6) lỗi trên quan điểm chiến lược học tiếng.
- Về lí thuyết lỗi chuyển di ngôn ngữ, luận văn đã trình bày được khái niệm lỗi chuyển di ngôn ngữ, các kiểu chuyển di ngôn ngữ, lỗi sử dụng ngoại ngữ do chuyển di ngôn ngữ thứ nhất.
Điều cần nói ở đây là, luận văn đã chỉ ra được ba điểm thống nhất của các nhà nghiên cứu khi bàn về lỗi sử dụng L2, đó là: Trong học ngoại ngữ, việc người học mắc lỗi sử dụng L2 là điều tất yếu; nguyên nhân dẫn đến lỗi sử dụng L2 khá đa dạng nhưng có một nguyên nhân không thể phủ nhận là do chuyển di từ L1; các dạng lỗi sử dụng L2 mà người học thường mắc khá đa dạng.
3. Luận văn đã khảo sát thực trạng sử dụng tiếng Việt mắc lỗi do chuyển di từ tiếng Hán của sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên và đã tổng kết được 3 kiểu mắc lỗi sử dụng tiếng Việt mà các em thường mắc, đó là: (1) Lỗi về ngữ âm, (2) Lỗi về từ và (3) Lỗi về ngữ pháp.
Kết quả nghiên cứu mỗi kiểu lỗi sử dụng tiếng Việt do chuyển di từ tiếng Hán của sinh viên Trung Quốc được trình bày bằng những số liệu cụ thể trên các bảng tổng kết và có phân tích miêu tả chúng bằng những ví dụ tiêu biểu. Tư liệu điều tra của chúng tôi cho thấy, tần số xuất hiện của các kiểu lỗi chênh nhau không nhiều: Lỗi ngữ âm có 912 lượt, lỗi ngữ pháp có 861 lượt và cuối cùng là lỗi về từ có 684 lượt.
4. Luận văn cũng đã trình bày được 4 kiểu chuyển di ngôn ngữ dẫn đến lỗi sử dụng tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên, đó là: (1) Chuyển di cách phát âm các âm vị hay âm tiết / từ tiếng Hán sang cách phát âm các âm vị /âm tiết/ từ tiếng Việt; (2) Chuyển di cách viết các thành tố âm tiết của tiếng Hán sang cách viết các thành tố âm tiết của tiếng Việt; (3) Chuyển di nghĩa và cách dùng từ ngữ của tiếng Hán sang nghĩa và cách dùng từ ngữ của tiếng Việt; (4) Chuyển di cấu trúc ngữ pháp của tiếng Hán sang cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt.
Luận văn cũng đã chỉ ra được mức độ mạnh hay yếu của sự chuyển di vừa nói tùy thuộc khả năng hiểu biết và trình độ sử dụng tiếng Việt của người Trung Quốc. Vì vậy, có những lỗi sử dụng tiếng Việt người Trung Quốc này
Tóm lại, đúng như tên đề tài: “Một số kiểu lỗi sử dụng tiếng Việt do chuyển di từ ngôn ngữ thứ nhất của sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên”, luận văn này mới chỉ dừng lại ở sự khảo sát và miêu tả các kiểu lỗi sử dụng tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc do chuyển di từ tiếng Hán, miêu tả các kiểu chuyển di từ L1 sang L2 mà sinh viên Trung Quốc nói riêng, người học ngoại ngữ nói riêng thường sử dụng khi học ngoại ngữ. Vấn đề sửa lỗi sử dụng L2 do chuyển di còn là vấn đề bỏ ngỏ ở công trình nghiên cứu này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tiếng Việt
1. Diệp Quang Ban (chủ biên), Hồng Dân (2000), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
2. Diệp Quang Ban (1976), "Tìm cách giúp thêm cho học sinh viết đúng câu tiếng Việt", Ngôn ngữ, số 3-1976.
3. Lê Xảo Bình (2004), Lỗi của người Trung Quốc học tiếng Việt nhìn từ góc độ xuyên văn hóa (xét về khía cạnh từ vựng), Luận văn thạc sĩ Ngữ văn. 4. Phạm Đăng Bình (2001), "Một số quan niệm khác nhau về lỗi trong quá
trình dạy và học tiếng nước ngoài", Ngôn ngữ số 4, 59-66.
5. Phạm Đăng Bình (2002), "Thử đề xuất một cách phân loại lỗi của người học ngoại ngữ nhìn từ góc độ dụng học giao thoa ngôn ngữ - văn hóa", Ngôn ngữ số 9, 58-72.
6. Phạm Đăng Bình (2003), Khảo sát lỗi giao thoa ngôn ngữ - văn hóa trong diễn ngôn của người Việt học tiếng Anh, Luận án tiến sĩ Ngữ văn.
7. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb KHXH. 8. Đỗ Hữu Châu (1986), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb KHXH 9. Đỗ Hữu Châu (1987), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục.