6. Bố cục của luận văn
2.2.1. Lỗi về ngữ âm tiếng Việt do chuyển di từ L1 của sinh viên Trung
ở ĐHTN
Hiểu một cách đơn giản, ngữ âm (còn gọi là âm thanh ngôn ngữ) là toàn bộ các âm, các thanh, các kết hợp âm thanh và ngôn điệu mang những ý nghĩa nhất định.
Ngữ âm của một ngôn ngữ nhìn chung được thể hiện ở mặt phát âm (âm thanh) và mặt chữ viết (đối với ngôn ngữ đã có chữ viết). Theo đó, lỗi về ngữ âm tiếng Việt do chuyển di từ L1 của du học sinh Trung Quốc ở ĐH Thái Nguyên đã mắc có thể chia thành hai kiểu lớn: (1) lỗi phát âm, và (2) lỗi chính tả (lỗi về chữ viết).
Trong tổng số 912 lượt lỗi về ngữ âm do chuyển di từ L1 của sinh viên Trung Quốc mà chúng tôi đã thống kê, lỗi phát âm có 507 trường hợp, chiếm xấp xỉ 55,59% (507/912), còn lại 405 trường hợp là lỗi chính tả, chiếm xấp xỉ 44,40% (405/912). Dưới đây là bảng tổng kết khái quát lỗi về ngữ âm sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã mắc mà chúng tôi đã khảo sát được (bảng 2.2):
Bảng 2.2: Bảng tổng kết lỗi về ngữ âm tiếng Việt của sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên
Số lượng/tỉ lệ %
Phân loại lỗi Số lượng Tỉ lệ %
Lỗi phát âm 507 55,59
Lỗi chính tả 405 44,40
Tổng kết 912 99,99
2.2.1.1. Lỗi phát âm
a) Khái niệm lỗi phát âm
Lỗi phát âm ở đây được hiểu là những sai lệch trong cách phát âm âm thanh ngôn ngữ so với cách phát âm chuẩn của một ngôn ngữ nào đó (ở đây là tiếng Việt), làm cho người nghe khó hiểu hoặc hiểu sai đơn vị ngôn ngữ thành những nghĩa khác. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ bà phát âm thành ba là mắc lỗi phát âm thanh điệu. Tương tự, phụ âm tr, phụ âm đầu lưỡi - quặt (con trâu) mà phát âm thành ch, phụ âm mặt lưỡi (con châu) cũng là một kiểu mắc lỗi (mắc lỗi phát âm phụ âm đầu).
b) Phân loại và miêu tả lỗi phát âm tiếng Việt (do chuyển di từ L1 của sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên)
b1. Phân loại
- Tiêu chí phân loại:
Như chúng ta đã biết, đơn vị phát âm tự nhiên, nhỏ nhất của ngôn ngữ là âm tiết. Như nói ở trên, âm tiết tiếng Việt ở dạng đầy đủ được cấu thành bởi
năm thành tố: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Khi phát âm chuỗi lời nói tiếng Việt, lỗi phát âm trước hết thể hiện ở lỗi phát âm các thành tố trong âm tiết (tiếng Việt) như vừa nói. Ngoài ra, một số vần của âm tiết tiếng Việt cũng bị sinh viên Trung Quốc phát âm mắc lỗi.
Như vậy, chúng tôi căn cứ vào hai tiêu chí để phân loại lỗi phát âm tiếng Việt của du học sinh Trung Quốc ở ĐH Thái nguyên thành các kiểu nhỏ, đó là: (i)
Căn cứ vào các thành tố cấu tạo âm tiết và (ii) Căn cứ vào vần hay tổ hợp con chữ của âm tiết tiếng Việt. Chúng tôi phải căn cứ vào hai tiêu chí này là bởi vì, có trường hợp sinh viên Trung Quốc phát âm mắc lỗi một hay một số thành tố nào đó của âm tiết và ta có thể tách chúng ra để miêu tả, nhưng cũng có trường hợp lỗi thể hiện ở cả một tổ hợp âm tạo nên phần vần của âm tiết chứ không tách ra được. Đặc biệt, có một số trường hợp lỗi phát âm thể hiện không phải là ở Vần của âm tiết mà là ở một tổ hợp con chữ đứng gần nhau (có con chữ thuộc âm đầu, có con chữ thuộc phần vần, ví dụ: tổ hợp con chữ “iao” (trong âm tiết giáo).
- Kết quả phân loại
+ Căn cứ vào các thành tố cấu tạo âm tiết:
Theo tiêu chí này, tư liệu điều tra của chúng tôi cho thấy, sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái nguyên mắc lỗi phát âm 4/5 thành tố âm tiết nói trên (trừ âm đệm). Theo đó, có thể phân loại lỗi phát âm tiếng Việt mà du học sinh Trung Quốc đã mắc thành 4 kiểu nhỏ: (1) Lỗi phát âm phụ âm đầu; (2) Lỗi phát âm âm chính, (3) Lỗi phát âm âm cuối và (4) Lỗi phát âm thanh điệu.
Trong số 507 trường hợp mắc lỗi phát âm tiếng Việt của du học sinh TQ mà chúng tôi đã khảo sát, có 427 trường hợp sinh viên Trung Quốc phát âm mắc lỗi các thành tố âm tiết, chiếm xấp xỉ 84,22% số lỗi phát âm (427/507). Cụ thể, lỗi phát âm phụ âm đầu chiếm số lượng cao nhất (154 lượt), tiếp đến là lỗi phát âm âm chính (112 lượt), rồi đến lỗi phát âm thanh điệu (97 lượt) và cuối cùng là lỗi phát âm âm cuối (64 lượt).
Có thể hình dung số lượng và tỉ lệ % của các kiểu lỗi phát âm các thành tố cấu tạo âm tiết tiếng việt của du học sinh Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên bằng bảng tổng hợp 2.3 dưới đây (chúng tôi liệt kê theo số lượng lỗi từ cao xuống thấp, tỉ lệ % tính theo số lượt lỗi phát âm (507)):
Bảng 2.3. Bảng tổng kết lỗi phát âm các thành tố âm tiết tiếng Việt của du học sinh TQ ở ĐHTN
Số lượng/ tỉ lệ % Các kiểu lỗi phát âm
Số lượng
Tỉ lệ %
(/427) (/507)
Lỗi phát âm âm đầu 154 36,06 30.37
Lỗi phát âm chính 112 26,22 22,09
Lỗi phát âm thanh điệu 97 22,71 19,13
Lỗi phát âm âm cuối 64 14,78 12,62
Tổng số 427 99,97 84,21
+ Căn cứ vào vần/tổ hợp chữ cái của âm tiết tiếng Việt:
Theo tư liệu điều tra của chúng tôi, trong tổng số 507 lượt lỗi phát âm tiếng Việt do chuyển di từ L1 mà sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã mắc, có 80 lượt lỗi phát âm một số vần của âm âm tiết, chiếm xấp xỉ 15,77% số lỗi phát âm (80/507).
Một số vần / tổ hợp chữ tiếng Việt mà sinh viên Trung Quốc thường mắc lỗi phát âm là: ui, iu, ue, iao, ian. Dưới đây là số lượt lỗi mà sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên phát âm mắc lỗi khi phát âm một số vần hay tổ hợp con chữ trong âm tiết (xin xem bảng tổng kết 2.4)
Bảng 2.4: Bảng tổng kết lỗi phát âm các tổ hợp chữ trong tiếng Việt của sinh viên TQ ở ĐH Thái Nguyên
Số lượng/tỉ lệ % Vần/tổ hợp chữ Số lượng Tỉ lệ % (/80) (/507) ui 24 30,00 4,73 iu 19 23,75 3,74 ue 16 20,00 3,15 iao 15 18,75 2,95 ian 6 7,50 1,18 Tổng số 80 100 15,75
b2. Miêu tả một số kiểu lỗi phát âm tiếng Việt của du học sinh Trung Quốc ở ĐH Thái nguyên (miêu tả theo thứ tự số lượt mắc lỗi)
Như đã nói ở trên, căn cứ vào cấu tạo âm tiết tiếng Việt, có thể chia lỗi phát âm tiếng Việt mà sinh viên Trung Quốc thuộc đối tượng khảo sát của chúng tôi thành hai nhóm: lỗi phát âm các thành tố âm tiết và lỗi phát âm phần vần.
- Lỗi phát âm các thành tố cấu tạo âm tiết
+ Lỗi phát âm âm đầu
Lỗi phát âm âm đầu tiếng Việt là phát âm không đúng chuẩn với đặc điểm ngữ âm của các âm vị ở vị trí âm đầu trong âm tiết. Tất cả các âm vị đứng ở vị trí âm đầu trong âm tiết tiếng Việt đều là phụ âm.
Như đã trình bày trong bảng tổng kết 2.3..., du học sinh Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên phát âm âm đầu tiếng Việt mắc lỗi là 184 trường hợp, chiếm xấp xỉ 36,29% tổng số lỗi phát âm tiếng Việt mà chúng tôi đã thống kê được (184/507).
Tiếng Việt có 23 phụ âm đầu nhưng kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy, chỉ có 8 phụ âm dưới đây là du học sinh Trung Quốc đã mắc lỗi phát âm do chuyển di từ ngôn ngữ thứ nhất:
(1) Phụ âm /d/, chữ viết là “đ”. Đây là phụ âm tắc, hữu thanh, đầu lưỡi- bẹt. Sinh viên Trung Quốc thuộc đối tượng khảo sát đã phát âm phụ âm này thành phụ âm tắc, vô thanh, đầu lưỡi-bẹt, giống như phụ âm /t/ (chữ viết là t).
Ví dụ (1): a- Chiếc khăn này em mua giá 125 ngàn tồng. [Lí Đơn Phượng, K3]
b - Quả tu tủ này giá bán thế nào hả chị? [Thân Kim Lan, K2] Các từ: đồng, đu đủ trong ví dụ (1a,b) dẫn trên đã bị du học sinh Trung Quốc phát âm sai phụ âm đầu của các âm tiết như đã phân tích.
Xin nói thêm, ở đây chưa bàn đến lỗi chính tả. Đối với người nước ngoài học tiếng Việt, lỗi phát âm thường kéo theo lỗi chính tả.
(2) Phụ âm /b/, chữ viết là “b”. Đây là phụ âm tắc, hữu thanh, môi - môi. Sinh viên Trung Quốc phát âm phụ âm này thành phụ âm tắc, vô thanh, môi - môi, giống như phụ âm /p/ (chữ viết là p) trong tiếng Việt.
Ví dụ (2): Chị pán cho em quyển sách này [Tô Hạo, K3].
Trong ví dụ trên, sinh viên Trung Quốc đã phát âm âm tiết bán thành âm tiết pán, tức phụ âm “b” phát âm thành phụ âm “p”.
(3) Phụ âm /t/, chữ viết là “t”. Phụ âm /t/ là phụ âm tắc, vô thanh, đầu lưỡi-bẹt. Sinh viên Trung Quốc thường phát âm phụ âm này thành phụ âm tắc, vô thanh, bật hơi như phụ âm /t”/ “th” trong tiếng Việt. Chẳng hạn, tiếp bước, có em đã phát âm thành thiếp pước (phụ âm “b” cũng mắc lỗi) [Lưu Vân Yến, K1].
(4) Phụ âm /ɣ/, chữ viết là “g”, “gh”. Đây là phụ âm xát, hữu thanh, gốc lưỡi. Có sinh viên Trung Quốc đã phát âm phụ âm này thành phụ âm tắc, vô thanh, gốc lưỡi “c” hoặc thành phụ âm tắc, vang mũi, gốc lưỡi “ng”. Đặc biệt, có trường hợp lại bỏ âm để âm tiết bị khuyết âm đầu. Chẳng hạn: Con gà một số sinh viên Trung Quốc đã phát âm thành con ngà, con cà, thậm chí mất phụ âm đầu thành con à ; gửi phát âm thành cửi.
Ví dụ (3): a. Nội trợ thường nấu nhiều quá, ví dụ: thịt bò, thịt lợn, thịt cà
(thịt gà), tôm, cá, lạc, rau cải, bánh chẻo,... [Đường Mẫn, K2]. b. Đây là cái ngế của tôi. [Mã Điềm, K3]
(5) Phụ âm /k/, chữ viết là “c”, “k”, “q”. Phụ âm này cũng bị sinh viên Trung Quốc phát âm thành các phụ âm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức chữ viết của nó, cụ thể:
- Nếu /k/ được viết là “k” thì có sinh viên Trung Quốc phát âm thành phụ âm xát, vô thanh, gốc lưỡi (gần giống như “kh” trong tiếng Việt), chẳng hạn, âm tiết kia phát âm thành âm tiết khia.
- Nếu /k/ được viết là “c” thì sinh viên Trung Quốc thường phát âm thành phụ âm xát, vô thanh, đầu lưỡi-bẹt (gần giống như phụ âm “x” trong tiếng Việt), ví dụ, cua đồng phát âm thành xua tồng. [Lưu Vân Yến, K3].
- Nếu /k/ được viết là con chữ “q” thì sinh viên Trung Quốc phát âm thành phụ âm xát, vô thanh, gốc lưỡi, bật hơi (gần giống phụ âm “x” trong tiếng Việt nhưng bật hơi). Ví dụ, âm tiết quý có sinh viên phát âm thành xuý
[Khương Tôn Lệ, K2].
(6) Phụ âm /c/, chữ viết là “ch”. Đây là phụ âm tắc, vô thanh, mặt lưỡi. Sinh viên Trung Quốc thường phát âm phụ âm này thành một phụ âm xát, vô thanh, đầu lưỡi - bẹt, bật hơi. Ví dụ, âm tiết che (mưa) phát âm thành x”e (mưa).
(7) Phụ âm /p/, chữ viết là “p”. Đây là phụ âm tắc, vô thanh, môi-môi, không bật hơi. Sinh viên Trung Quốc phát âm phụ âm này thành phụ âm tắc, vô thanh, môi-môi, bật hơi [p”] (gần giống phụ âm “p” trong từ “pen” (bút) tiếng Anh). Ví dụ, âm tiết Pắc (Bó) sinh viên Trung Quốc đã phát âm thành P”ắc (Bó). Ví dụ (4): Chúng tôi vừa đi thăm P”ắc Bó ở tận Cao Bằng. [Đoàn Mộng, K2].
(8) Phụ âm /h/, chữ viết là “h”. Đây là phụ âm xát, vô thanh, họng. Có một số âm tiết có âm đầu này đã được sinh viên Trung Quốc phát âm thành phụ âm xát, vô thanh, gốc lưỡi (gần như phụ âm /x/ (kh) trong tiếng Việt. Ví dụ hứa
phát âm thành khứa [Trương Hinh Dư, K3].
Số lượng và tỉ lệ % của các phụ âm đầu trong tiếng Việt đã bị sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên phát âm mắc lỗi, xin xem bảng tổng kết 2.5 dưới đây (số lượng và tỉ lệ % tính theo số phụ âm đầu mắc lỗi: 154):
Nhìn vào bảng tổng kết có thể thấy, các phụ âm tiếng Việt mà sinh viên Trung Quốc phát âm mắc lỗi có tần số xuất hiện không giống nhau, tức là có phụ âm sinh viên TQ mắc lỗi khá nhiều lần và có phụ âm sinh viên TQ mắc lỗi phát âm chỉ vài lượt.
Bảng 2.5: Bảng tổng kết các phụ âm đầu mà sinh viên Trung Quốc phát âm mắc lỗi
STT Số lượng/ tỉ lệ %
Phụ âm đầu Số lượng Tỉ lệ %
1 Phụ âm /d/ 49 31,81 2 Phụ âm /b/ 31 20,12 3 Phụ âm /t/ 26 16,88 4 Phụ âm /ɣ/ 16 10,38 5 Phụ âm /k/ 14 9,09 6 Phụ âm /c/ 9 5,84 7 Phụ âm /p/ 5 3,24 8 Phụ âm /h/ 4 2,59 Tổng kết 154 99,95
Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài các phụ âm mà sinh viên TQ mắc lỗi phát âm đã miêu tả ở trên, còn có những phụ âm đầu khác sinh viên TQ cũng phạm lỗi phát âm nhưng chúng tôi không liệt kê và miêu tả ở đây. Lí do là những phụ âm đầu đó mắc lỗi không do chuyển di từ L1. Chẳng hạn, phụ âm /n/ cũng có sinh viên phát âm thành /l/, nhưng đó không phải do ảnh hưởng của L1 mà do thói quen hoặc không có ý thức (điều này giống như người Việt cũng từng mắc lỗi, ví dụ có người Việt phát âm lo lắng thành no nắng, nhưng ít ai phát âm /d/ thành /t/ như người Trung Quốc).
+ Lỗi phát âm âm chính
Âm chính là âm hạt nhân của âm tiết. Trong tiếng Việt, đứng ở vị trí này có 16 nguyên âm nhưng chỉ có 4 nguyên âm dưới đây sinh viên Trung Quốc thường phát âm mắc lỗi do chuyển di:
(1) Nguyên âm /i/: Chữ viết “i” hoặc “y”. Đây là nguyên âm hàng trước, không tròn môi, có độ mở của miệng hẹp. Sinh viên Trung Quốc đã phát âm nguyên âm này thành nguyên âm hàng giữa, không tròn môi, có độ mở hẹp /w/
(chữ viết là ư). Ví dụ, có sinh viên đã phát âm chí thành chứ [Lương Trương Hội, K1]; lại có sinh viên phát âm quả chín thành quả chứn [Đặng Đình, k2].
Trong âm tiết có âm cuối là bán âm /u/, nguyên âm /i/ là âm chính thường bị người Trung Quốc phát âm thành nguyên âm đôi /ie/. Ví dụ, một số sinh viên Trung Quốc ở Đại học Thái Nguyên đã phát âm âm tiết níu (kéo) thành âm tiết niếu (kéo) (về lỗi kiểu này, chúng tôi sẽ nói rõ thêm ở mục miêu tả phát âm phần vần mắc lỗi).
(2) Nguyên âm /ɔ/ (chữ viết là “o” hoặc “oo”) và nguyên âm /ɔ/ (nguyên âm “o” ngắn, chữ viết là “o”): Đây là hai nguyên âm hàng sau, tròn môi, có độ mở của miệng rộng (một nguyên âm có trường độ ngắn, một nguyên âm có trường độ dài). Nhiều sinh viên Trung Quốc đã phát âm hai nguyên âm này mắc lỗi thành một trong hai nguyên âm: (1) nguyên âm /ɔ/ (“o” dài) phát âm thành nguyên âm hàng giữa, có độ mở hơi rộng, không tròn môi giống như nguyên âm /ɤ/ ngắn, chữ viết là â, (2) nguyên âm /ᴐ/ (“o” ngắn) phát âm thành nguyên âm hàng sau, có độ mở của miệng hẹp, tròn môi, giống như nguyên âm /u/ (chữ viết là u).
Ví dụ, có sinh viên đã phát âm tròn thành trần, mong thành mung. [Trương Tiểu Song, K3]. Sinh viên Dương Khang [k1] đã phát âm âm tiết đóng
(cửa) thành âm tiết túng (cửa). Ngoài lỗi âm chính “o” phát âm thành “u”, sinh viên này còn mắc lỗi phát âm đâm đầu “đ” thành “t”.
Trong âm tiết có âm cuối là /ŋ/ (chữ viết là ng), nguyên âm /ɔ/ (“o” ngắn) thường bị sinh viên Trung Quốc thuộc đối tượng khảo sát của chúng tôi phát âm thành nguyên âm /u/. Ví dụ, các âm tiết trong (nhà), hóng (mát), xong (việc) một số em phát âm thành trung (nhà), húng (mát), xung (việc).
Trong một số âm tiết vắng âm cuối, nguyên âm /ɔ/ thường bị phát âm thành nguyên âm đôi /uo/. Chẳng hạn, âm tiết to, một số sinh viên Trung Quốc phát âm thành tua [Đan Đan, Tiểu Hạ, K1], hay âm tiết cho có em đã phát âm thành chua, âm tiết bo thành pua [Mã Phượng, K2]. Âm tiết bo, ngoài phát âm âm chính mắc lỗi, sinh viên này còn phát âm mắc lỗi cả phụ âm đầu.
(3) Nguyên âm /ɛ/: Đây là nguyên âm hàng trước, có độ mở của miệng rộng, không tròn môi, trên chữ viết được ghi là “e”. Sinh viên Trung Quốc thuộc đối tượng khảo sát của chúng tôi thường phát âm nguyên âm này thành một trong hai nguyên âm sau:
- Phát âm thành nguyên âm đôi /wɤ/ nếu âm tiết vắng âm cuối, ví dụ: âm tiết che phát âm thành chưa hay âm tiết sẽ (học) phát âm thành sữa (học). [Trương Cẩn, K1].
- Phát âm thành nguyên âm /ɤ/ (ơ ngắn) nếu âm tiết có âm cuối, ví dụ: