Sự nghiệp văn học của Hồ Biểu Chánh

Một phần của tài liệu Sự tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm tiểu thuyết trong sáng tác hồ biểu chánh (Trang 28 - 31)

5. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Sự nghiệp văn học của Hồ Biểu Chánh

Với 50 năm sáng tác, bên cạnh sự nghiệp chính trị, Hồ Biểu Chánh đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học gồm nhiều thể loại như tiểu thuyết, hồi ký, biên khảo, dịch thuật, phê bình văn học, thơ, truyện thơ, tùy bút, truyện ngắn… Trong đó, tiểu thuyết là lĩnh vực mà nhà văn thành công hơn cả. Các tiểu thuyết của ông được bạn đọc yêu mến, trong đó có mười tiểu thuyết được dựng thành phim bao gồm: Ngọn cỏ gió đùa, Cay đắng mùi đời, Nợ đời, Con nhà nghèo, Chúa tàu Kim Quy, Đại nghĩa diệt thân, Tân phong nữ sĩ, Tại tôi, Khóc thầm.

Hồ Biểu Chánh có tới 64 tiểu thuyết kể từ tiểu thuyết đầu tay Ai làm được

(viết năm 1912) cho tới tiểu thuyết cuối cùng còn dang dở là Hy sinh (viết năm 1958). Ngoài ra còn có 8 đoản thiên, 4 truyện ngắn, 2 truyện dịch, 12 tuồng hát, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu và phê bình.

Với 18 tiểu thuyết đặc biệt viết vào thời kỳ 1912- 1932, Hồ Biểu Chánh được đánh giá là “có đóng góp quan trọng trong tiến trình hình thành văn học Việt Nam hiện đại”. Trong giai đoạn này, có năm tiểu thuyết tiêu biểu, thể hiện rõ nhất sự kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm tiểu thuyết truyền thống và phương Tây (mà luận văn sẽ khảo sát) là: Ai làm được, Thầy thông ngôn, Ngọn cỏ gió đùa, Khóc thầm, Cha con nghĩa nặng.

Ai làm được: (viết ở Cà mau, năm 1912, đến năm 1922 được chỉnh lý) là tiểu thuyết đầu tay của Hồ Biểu Chánh, mô phỏng cuốn André Cornrlis của Paul Bourget. Tiểu thuyết thuật chuyện một cô gái con một vị quan phủ, cô Bạch Tuyết nuôi chí báo thù cho mẹ - bị vợ bé của cha đầu độc. Nhờ một người lão bộc thân tín, Bạch Tuyết mới 12 tuổi mới biết chính người dì ghẻ giết mẹ nàng. Từ đấy, nàng âm thầm tìm mưu cơ để trả thù trong khi người dì ghẻ lại hết sức chiều chuộng nàng nhằm chiếm đoạt gia tài kếch xù mà Bạch Tuyết sẽ được thừa kế của ông ngoại nàng. Nhờ sự đa mưu và sự giúp sức của ông ngoại, người chồng mà Bạch Tuyết đã thoát chết và đem nội vụ ra làm sáng tỏ, trả thù được cho mẹ.

Thầy thông ngôn: tác phẩm là chuyện đời thầy thông ngôn Trần Văn Phong,

từ khi thầy đỗ hạng nhì vào ngạch Soái phủ Nam kỳ đến lúc thầy được bổ nhiệm làm thông ngôn qua các tỉnh Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc… Ở mỗi nơi, thầy lo làm thông ngôn thì ít mà lo tìm kiếm người con gái chưa chồng giàu sang để cưới về làm vợ thì nhiều. Vì thầy và bố mẹ thầy mong muốn thầy lấy được cô vợ giàu để mở mày mở mặt. Khi còn ở quê, thầy có hứa hẹn với cô Hai Liền nhưng khi đỗ làm thầy thông rồi thì thầy bỏ rơi vì chê cô ta nghèo. Tại Cà Mau, thầy yêu cô Sáu Lý nhưng cha mẹ thầy không cho cưới vì gia đình cô ta chưa phải loại cự phú. Đến Long Xuyên, thầy định kết thân với cô Diệu Anh – là gái góa mà giàu có nhưng bị Lê Trường Sanh đánh ghen, phải chịu nhục nhã mà chuyển đi nơi khác. Tại Châu Đốc, thầy gặp và cưới Như Hoa, tuy không xinh đẹp nhưng giàu có. Khi về ra mắt bố mẹ chồng, nàng tỏ ý khinh nhà chồng vì nghèo. Sau khi sinh con, Như hoa lại trai gái với người khác, nên hai người bỏ nhau. Thầy Phong đưa con về quê, muốn cưới cô Hai Liền nhưng cô không chịu, vì thầy là người vong ân bạc nghĩa. Thầy bị cảm mưa, ốm chết vì hối hận. Ngoài phần truyện chính còn có “truyện sau” kể về đứa con của thầy Thông, học hành đỗ đạt, lấy vợ nghèo nhưng sống hạnh phúc.

Ngọn cỏ gió đùa: (xuất bản năm 1926, in 7 lần, đây là một tiểu thuyết phóng

tác nhưng sử dụng bối cảnh lịch sử cận đại Việt Nam ở Nam kỳ) mô phỏng Les

Misérsbles của Victo Hugo, thuật chuyện một người dân quê cùng khổ oán ghét nhà giầu, bất mãn với xã hội, nhưng nhờ sự cảm hoá phi thường của hòa thượng Chánh

Tâm mà giác ngộ từ bi, nghĩa hiệp chướng, nên về sau đem cả cuộc đời ra làm hạnh phúc cho người khác.

Khóc thầm: cô Đoàn Thu Hà học sinh trường Nữ học đường vừa đỗ đip-lôm

và brơ-vê về nhà nghỉ hè, được cha (ông Hôi đồng chánh) gã cho Vĩnh Thái là một thanh niên du học ở Pháp về, đậu tú tài Tây học. Vĩnh Thái gian hiểm và đê tiện, miệng nói khai hóa quốc dân, thương xót đồng bào, song từ khi được ông Hội đồng đi vắng, giao cho quản lý gia tài thì áp dụng chính sách bóc lột tận xương tủy tá điền tá thổ. Sau y lại quyến rũ vợ một tá điền, nên bị đánh chết. Cô Thu Hà từ khi biết rõ tư cách chồng thì ngày ngày chỉ biết “khóc thầm”. Cái chết của Vĩnh Thái đã giải thoát cho cô. Cô chán bọn đàn ông chỉ biết khua môi múa mép, xin với cha sang Pháp học để mở rộng kiến thức.

Cha con nghĩa nặng (1929): Trần Văn Sửu là một nông dân cần cù chất phác

có vợ là Thị Lựu, gian xảo dâm đãng, với hai con là thằng Tý con Quyên, vợ Sửu thông dâm với Hương hào Hội. Sửu bắt được đánh vợ không dè, quá tay vợ chết. Sửu bỏ trốn đi biệt. Hai đứa con sống dựa vào ông ngoại song nhà nghèo quá, nên thằng Tý phải đi ở đợ cho một nhà giàu có lòng tốt là bà Hương quản Tồn; con Quyên cũng được bà nuôi, chúng lớn lên đều có tư cách. Dân làng hầu như quên câu chuyện ngày xưa, bà Hương quản định cưới con Quyên cho con trai bà là cậu ba Giai. Hương giáo Cân cũng sắp gả con cho thằng Tý. Trần Văn Sửu bỗng nhiên trở về sau 19 năm lẩn trốn, vì nhớ con muốn gặp chúng nhưng người ông ngoại lại đuổi Sửu đi vì sợ làm hỏng hạnh phúc của hai cháu. Sửu cũng đành hy sinh định bỏ đi, nhưng thằng Tý biết được, chạy níu cha lại. Con trai, con gái đều thương cha, được dâu, rể nhìn nhận và Sửu lại được tòa tha, sống cuộc sống xum họp, vui vẻ.

Nhìn chung tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có nhiều thể loại khác nhau từ tình ái đến phiêu lưu, từ lịch sử đến xã hội nhưng đều hướng tới hai chủ đề chính là: mô tả đời sống xã hội và quảng bá đạo lý. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, truyền thống và cách tân. Tính cổ điển thể hiện ở quan niệm đạo đức, quan niệm thẩm mỹ mang tính dân chủ và nhân văn của văn học trung đại. Tính hiện đại thể hiện qua việc tiếp thu những thành tựu của kỹ thuật tiểu

thuyết phương Tây như ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng nhân vật và kết cấu (các yếu tố này sẽ được tìm hiểu trong chương II và chương III của luận văn).

Giá trị tư tưởng trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh: Điều mà Hồ Biểu

Chánh quan tâm sâu xa và thể hiện đậm nét trong tác phẩm của mình là “làm thế nào cho xã hội có được phong hóa lành mạnh” (Giáo sư Nguyễn Lộc). Tuy nhiên, cái mới, cái giá trị tư tưởng trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh không đơn thuần chỉ là nói chuyện đạo lý, mô tả phong tục của đất nước Việt Nam mà cái hay của ông chính là “ông nói đạo lý kèm với chuyện đời, kể lại những cảnh đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế của xã hội nhưng lại gắn chặt với đời người, lại là nội dung của đời sống hàng ngày” (Tiến sĩ Lê Ngọc Trà).

Giá trị hiện thực của tác phẩm Hồ Biểu Chánh nằm ở chính những cảnh đời

của người nông dân với cuộc sống vất vả, cực nhọc đói cơm, rách áo, bị đàn áp, nhục mạ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Bên cạnh đó, Hồ Biểu Chánh còn khắc họa được nhiều khuôn mặt tình nghĩa, với những chuẩn mực đạo lý làm người, với cách sống, phong tục của gia đình, của dân tộc Việt Nam.

Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh được thể hiện ở hầu hết

các bình diện của nghệ thuật tiểu thuyết. Đó là cách sử dụng ngôn ngữ nhuần nhị từ các khẩu ngữ của người dân Nam bộ thành ngôn ngữ văn chương. Đó là lối kết cấu chuyện theo kỹ thuật tiểu thuyết Phương Tây nhưng lại mang bối cảnh Việt Nam. Đó còn là những trăn trở, giằng co trong nội tâm nhân vật hay những suy nghĩ sâu kín, chân thật, tự nhiên của người dân Nam Bộ… tất cả cùng góp phần truyền tải các giá trị hiện thực, nội dung tư tưởng của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.

Có thể nói, với sự nghiệp văn học đồ sộ, nhất là những tiểu thuyết đặc sắc vào giai đoạn 1912 -1932, Hồ Biểu Chánh đã xây nên chiếc cầu nối giữa Văn học Trung đại và văn học hiện đại, giữa tiểu thuyết Việt Nam và tiểu thuyết Phương Tây, mở ra con đường mới cho tiểu thuyết hiện đại.

Một phần của tài liệu Sự tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm tiểu thuyết trong sáng tác hồ biểu chánh (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w