Từ 1887 đến 1910

Một phần của tài liệu Sự tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm tiểu thuyết trong sáng tác hồ biểu chánh (Trang 25 - 26)

5. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Từ 1887 đến 1910

Đây là giai đoạn văn xuôi tự sự viết bằng chữ quốc ngữ không có nhiều thành tựu. Hai mươi năm văn học này vẫn được coi là một bước lùi của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ, “quốc văn miền Nam sau đó lâm vào tình trạng ngưng trệ và nghèo nàn hết sức”[17, 84]. Các truyện thơ Nôm tiếp tục là lựa chọn của nhà văn và công chúng như Cậu Hai Miêng, Thầy thông chánh, Sáu Trọng…Sự kiện có ý nghĩa đầu tiên ở chặng này chính là cuộc thi tiểu thuyết do Nông cổ mín đàn phát động. Trong thể lệ cuộc thi, những vấn đề khá cơ bản của tiểu thuyết hiện đại được đề cập đến. Đó là các vấn đề về đề tài: “Trong cuộc đời phải đem hết các việc quan hôn tang tế, thày thuốc, thày chùa, thày phép…Phải có can thường, luân lý, nhơn duyên, thiện ác”, về bút pháp “lấy trí riêng mà đặt ra một truyện tuỳ theo nhân vật phong tục trong xứ, dường như truyện có thật vậy”. Về ngôn ngữ, về dung lượng tác phẩm…Mặc dù vậy, duy nhất chỉ có một tác phẩm dự thi. Điều đó chứng tỏ cuộc thi không thu hút được sự chú ý của độc giả. Điều mà cuộc thi đem lại chính là đã góp phần hình thành ý niệm về thể loại trong nhiều người cầm bút cũng như công chúng văn học lúc bấy giờ. Đến năm 1909, Hồ Biểu Chánh có sáng tác một truyện thơ Nôm là U tình lục. Đây là một trong những thể nghiệm của Hồ Biểu Chánh bằng hình thức văn vần. Truyện thơ này được ông viết dưới dạng thơ lục bát, độ dài tác phẩm lên tới 1790 câu. Từ nhân vật đến cốt truyện tác phẩm thể hiện rõ nét dấu ấn truyện Nôm thời trung đại, nhất là ảnh hưởng của Đoạn trường tân thanh. Tuy nhiên, sáng tạo của Hồ Biểu Chánh ở tác phẩm chính là quan niệm khác trước về tình yêu và hôn nhân “Điểm mới mẻ độc nhất trong tác phẩm này là, tuy nhằm chủ đích luân lý, tác giả vẫn để cho hai nhân vật chính, sống vào cuối thế kỷ XIX, được tự do luyến ái và có hành động táo bạo, vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo.” [17,178].

Một phần của tài liệu Sự tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm tiểu thuyết trong sáng tác hồ biểu chánh (Trang 25 - 26)