Nghiên cứu này bao gồm 02 bước chính là (1) nghiên cứu sơ bộ (dùng phương pháp định tính) và (2) nghiên cứu chính thức (dùng phương pháp định lượng).
Phương pháp nghiên cứu định tính:được thiết kế có tính thăm dò tự nhiên,
khám phá các ý tưởng, cố gắng giải thích sự tương quan có ý nghĩa từ các thang đo, từ kết quả này xây dựng bảng câu hỏi chính thức được hình thành sao cho phù hợp về mặt ý nghĩa thang đo và đối tượng lấy mẫu: Tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:
+ Phương pháp tiếp cận hệ thống: Tiếp cận thực tế, tìm hiểu về công tác kế toán, quy trình lập, trình bày và công bố TTKT tại các đơn vị cao đẳng, đại học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tiếp cận hệ thống văn bản pháp lý về quản lý tài chính công, chế độ, chuẩn mực kế toán cũng như nội dung, kết quả của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm đưa ra những cơ sở lý thuyết phù hợp với đề tài nghiên cứu.
+ Phương pháp tư duy: Tất cả các nhận định, đánh giá, phán đoán, phân tích, so sánh, kết luận, giải quyết vấn đề … trong nội dung luận văn đều dựa trên sự tư duy sâu sắc, suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc vấn đề trên nhiều góc độ khác nhau của tác giả. Phương pháp tư duy được sử dụng xuyên suốt trong đề tài luận văn.
+ Phương pháp tổng hợp: Tất cả các vấn đề nghiên cứu ban đầu đều rất rời rạc trong tư duy tác giả, tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp để kết nối, liên kết các kiến thức chuyên môn về thông tin kế toán, chất lượng TTKT, kế toán khu vực công áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp; về thống kê mô tả, thống kê phân tích và tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát để tìm ra các nhân tố cũng như mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến chất lượng TTKT tại các đơn vị SNGD công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Phương pháp phân tích:Phân tích các văn bản pháp lý về Luật ngân sách, chế độ kế toán khu vực công, các quan điểm của các Hội đồng khác nhau về chất lượng thông tin kế toán, các công trình nghiên cứu có liên quan trực tiếp hoặc liên quan ít nhiều đến đề tài đang nghiên cứu, phân tích để đánh giá thực trạng công bố thông tin, phân tích số liệu thống kê, phân tích kết quả thống kê trên phần mềm SPSS để đưa ra những nhận xét, kết luận về vấn đề nghiên cứu.
+ Phương pháp so sánh: Nghiên cứu các nội dung lý thuyết có liên quan, các công trình nghiên cứu có liên quan; nghiên cứu quy trình, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT, mức độ công bố thông tin của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Từ cơ sở đó, tác giả tiến hành so sánh và rút ra được những nhân tố phù hợp nhất ảnh hưởng đến chất lượng TTKT tại các trường cao đẳng, đại học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Điều tra khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia:Việc điều tra, khảo sát và lấy ý kiến chuyên gia được thực hiện qua việc làm phiếu khảo sát để tìm hiểu, tổng hợp, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập (bao gồm 03 trường cao đẳng và 03 trường đại học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương).
+ Thống kê mô tả: Thiết kế bảng câu hỏi khảo sát rộng rãi cho tất cả các đối tượng đang làm việc, nghiên cứu liên quan đến kế toán khu vực công, đặc biệt là khu vực công có liên quan đến giáo dục tại Bình Dương. Sau đó tiến hành thống kê kết quả khảo sát để xác định các nhân tố cũng như mức độ ảnh hưởng của các nhân
tố đến chất lượng TTKT tại các trường cao đẳng, đại học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Phương pháp nghiên cứu định lượng:Phương pháp nghiên cứu định lượng
được sử dụng để phân tích, xác định các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến chất lượng thông tin kế toán tại các trường cao đẳng, đại học công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể tác giả đã dùng phương pháp thống kê phân tích để kiểm định, chứng minh hoặc loại bỏ các giả thuyết nghiên cứu nhằm làm cơ sở đi đến những kết luận nhất định về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập (các trường cao đẳng, đại học công lập) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.