Người tiêu thụ (khách hàng)
Nhắm tới số lượng khách hàng là các hộ gia đình chưa dùng truyền hình cáp là một thách thức và cơ hội lớn đối với công ty, có được khách hàng là có thu nhập. Sự phát triển và phồn thịnh của công ty phụ thuộc vào sự phát triển thuê bao. Trong thị trường dịch vụ trên mạng cáp, công ty CEC là nhà cung cấp đến sau, chưa có nhiều thị phần trong khi khách hàng đã quen với những thương hiệu truyền hình cáp trung ương (VCTV) và truyền hình cáp Hà Nội,
việc cạnh tranh thu hút khách hàng sẽ là một thách thức không nhỏ, rất khó để lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ mới của công ty.
Hiện nay công ty đang độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trong những khu đô thị như Định Công, Pháp Vân, Việt Hưng,...lượng khách hàng khu vực này tương đối ổn định và đem lại doanh thu chủ yếu cho công ty. Công ty cũng đã phát triển mạng ra các tuyến phố và các khu vực đông dân cư có sự cạnh tranh của truyền hình cáp Trung ương và truyền hình cáp Hà Nội. Tuy nhiên với tâm lý ngại chuyển đổi cộng với tâm lý thích dùng dịch vụ của công ty nhà nước nên công ty đã không phát triển được thuê bao trong thị trường cạnh tranh này.
Nhà cung cấp
Thiết bị, vật tư sử dụng của công ty chủ yếu được nhập khẩu. Giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng trong những năm qua cộng với tỷ giá ngoại tệ không ổn định cũng gây cho công ty không ít khó khăn trong công tác nhập vật tư đầu vào. Đầu thu kỹ thuật số HD nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng trung bình, tính năng ít nên không thu hút được khách hàng.
Công ty có mối quan hệ mật thiết với nhà cung cấp bản quyền các kênh truyền hình. Các kênh được sản xuất trong nước thường được phát sóng miễn phí, có nhiều kênh nhà sản xuất phải trả tiền để được phát sóng trên hạ tầng cáp của công ty. Còn các kênh nước ngoài sẽ được bán qua nhà phân phối trong nước. Tuy nhiên giá cả bản quyền tăng liên tục qua các năm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của công ty.
Ngành điện lực có thế mạnh về cột điện, hàng năm công ty phải chi trả một khoản rất lớn để thuê cột điện, đường truyền liên tỉnh phục vụ cho dịch vụ của công ty. Nhưng giá thuê cũng liên tục tăng cũng là một tác nhân gây khó khăn cho công ty trong phát triển mạng lưới thuê bao.
Với định hướng kinh doanh là tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là dịch vụ truyền hình cáp, và dịch vụ truyền hình số HD là mục tiêu chính. Công ty đang từng bước tiếp cận với thị trường để phát triển số lượng thuê bao lớn nhất có thể. Tuy nhiên dịch vụ của công ty đã không đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng, gói kênh ít và nghèo về nội dung. Mạng lưới thuê bao của công ty rộng, nhân viên kỹ thuật không đáp ứng nhanh và kịp thời mỗi khi xảy ra lỗi mạng, mất tín hiệu trong thời gian dài gây mất lòng tin ở nơi khách hàng. Vì vậy doanh số bán hàng của công ty ngày càng giảm sút, khách hàng rời bỏ dịch vụ dùng dịch vụ của đối thủ ngày càng cao.
Biết được điều này, để lôi kéo được khách hàng và để khách hàng biết đến công ty nhiều hơn công ty phát triển thêm một số dịch vụ gia tăng khác như:
- Công ty và công ty VTC Telecom đã hợp tác cùng nhau triển khai cung cấp dịch vụ Internet trên cáp khai thác trên toàn bộ tệp khách hàng của công ty và đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ sẽ chính thức cung cấp ngay sau khi dịch vụ đã được thử nghiệm hoàn hảo.
- Công ty đã xây dựng thêm được nhiều mô hình dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc khách hàng, sửa chữa, bảo trì các sản phẩm điện, điện tử dân dụng cho các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình cáp. Đây cũng coi là một dịch vụ mới có thể góp phần tăng sức cạnh tranh cho dịch vụ của công ty.
Tuy nhiên những dịch vụ mới của công ty mới chỉ đi vào thử nghiệm, chưa có doanh thu. Mặt khác nếu đi vào hoạt động chính thức, những dịch vụ trên cần rất nhiều nhân lực và kỹ thuật, công ty cần phải có những cơ chế, chính sách và phương án quản lý hiệu quả.
Tác động của chính sách vĩ mô
Theo chủ trương số hóa ngành phát thanh truyền hình của Chính phủ, thành phố Hà Nội phải hoàn tất chủ trương này trước năm 2015 và cả nước là trước năm 2020. Việc công ty cổ phần điện tử và truyền hình cáp Việt Nam
CEC đã bắt tay thực hiện Dự án Đầu tư hệ thống mạng truyền thông kỹ thuật số đa dịch vụ tại Hà Nội ngay từ các năm trước chứng tỏ công ty đã đi tắt đón đầu được công nghệ. Hiện nay các đơn vị SCTV, VCTV và HaTV cũng đang đầu tư vào truyền hình số đẩy các nhà đầu tư vào một sự cạnh tranh mới đầy khốc liệt.
Vì hoạt động đặc thù trong lĩnh vực truyền hình cáp là lĩnh vực cần có giấy phép hoạt động, nhưng trong các năm trước hành lang pháp lý không rõ ràng cho hoạt động truyền hình cáp, công ty đã phải liên kết với các Đài Truyền hình để có giấy phép hoạt động, theo hình thức hợp đồng hợp tác. Ở Hà Nội, Giấy phép đứng tên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, ở Điện Biên, Bắc Cạn và Yên Bái, đơn vị đứng tên trong Giấy phép là các Đài truyền hình địa phương. Vì vậy công tác quản lý và thực hiện công việc còn nhiều phụ thuộc, doanh thu bị chia xẻ cho các bên liên quan mà trong thực tế họ chỉ đứng tên nhưng không làm gì.
Thực hiện Luật Viễn thông và Quy chế Truyền hình trả tiền theo quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 của thủ tướng chính phủ, các đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền sẽ phải xin giấy phép thiết lập hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhưng khi bắt tay vào xin giấy phép công ty CEC nói riêng và các công ty truyền hình cáp quy mô vừa và nhỏ đã gặp phải vô vàn khó khăn về pháp lý đứng trước nguy cơ không xin được giấy phép. Hiện nay mới có 2 đơn vị xin được các loại giấy phép này đó là SCTV và VCTV, các công ty truyền hình cáp vừa và nhỏ đang dần liên hệ với 2 ông lớn này để thuê giấy phép hoặc cùng hợp tác kinh doanh.
Tóm lại lĩnh vực kinh doanh truyền hình trả tiền nói chung là một lĩnh vực rất mới và phát triển mạnh tại Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây, với sự tăng trưởng nhanh và mạnh về số lượng và chất lượng dẫn đến những hạn chế do hành lang pháp lý chưa theo kịp. Chỉ cần một động thái từ cơ quan
quản lý Nhà nước sẽ gây tác động rất lớn tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của ngành.