a) Nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân từ Nhà nước và các cơ quan chức năng.
- Mặc dù Chính phủ và các ban ngành hữu quan đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm hướng dẫn các TCTD thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay nhưng vẫn chưa tạo ra được hành lang pháp lý hoàn thiện. Các văn bản chưa thật sự phát huy được tác dụng, việc thẩm định và xử lý tài sản còn nhiều quy trình rắc rối liên quan đến nhiều Bộ, ban ngành, trong khi đó thì các quy định còn nhiều sự chồng chéo, không thống nhất và đồng bộ gây cho QTD rất nhiều khó khăn khi thực hiện.
- Trên thực tế thì nhiều loại tài sản vẫn chưa được cấp giấy tờ sở hữu đầy đủ, nhiều loại máy móc thiết bị lại không có giấy tờ sở hữu,… gây khó khăn cho quá trình thiết lập và quản lý hồ sơ của tài sản đảm bảo vì theo quy định khi cho vay đảm bảo bằng tài sản phải lưu bản gốc giấy tờ sở hữu tại bên cấp tín dụng hoặc tại bên thứ ba. Điều này cần có sự quan tâm, giải quyết của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
- Bên cạnh đó thì quyền ưu tiên trong xử lý tài sản của các TCTD theo quy định của pháp luật vẫn chưa được đề cao đúng mức. Khi khách hàng cố tình không trả nợ cũng như bàn giao tài sản cho QTD thì QTD vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Theo đó muốn phát mại tài sản
thì QTD phải làm đơn ra Tòa án kinh tế và khi có quyết định mới có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá rao bán tài sản.
Nguyên nhân từ nền kinh tế.
- Mặc dù nước ta đã chuyển hướng phát triển nền kinh tế thị trường nhưng vẫn chưa tạo được một thị trường hàng hóa phát triển hoàn thiện và vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý hoạt động định giá tài sản. Đây chính là khó khăn cho cán bộ tín dụng khi thu thập thông tin và xác định giá trị thực của tài sản mà không gây ra thiệt hại cho cả khách hàng và QTD. - Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu sự quản lý vĩ mô
đem lại nhiều khó khăn cho việc mua bán chuyển nhượng. Không chỉ thế hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, thủ tục còn rắc rối và phiền hà gây khó khăn cho việc quản lý cũng như việc đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của các cá nhân và tổ chức.
Nguyên nhân từ khách hàng.
- Nhiều khi để có thể vay được vốn, khách hàng đã không ngần ngại thực hiện các hành vi lừa đảo như: sử dụng một tài sản đảm bảo để vay vốn tại nhiều nơi, cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình tài chính, làm giả giấy tờ hồ sơ vay vốn,… Chính vì lẽ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thẩm định. Không chỉ thế nhiều trường hợp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhưng khi QTD phát mại tài sản đảm bảo thì họ tìm cách trì hoãn, cản trở gây khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản đảm bảo và khả năng thu hồi vốn của các Tổ chức tín dụng.
- Do tình trạng thiếu tài sản đảm bảo: Khách hàng không đáp ứng được tài sản đảm bảo là do họ thiếu năng lực tài chính mà còn do đặc trưng của từng thành phần kinh tế và điều kiện của tài sản đảm bảo. Đối với doanh nghiệp Nhà nước tuy nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ như đất đai, nhà xưởng nhưng ở các cơ sở này hạ tầng cơ sở xuống cấp, giá trị tài sản không đáp ứng được yêu cầu của tài sản đảm bảo. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn thì vốn hoạt động chủ yếu là vốn vay khách hàng và vốn chiếm dụng của khách hàng, tài sản thuộc sở hữu có giá trị thấp không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế có thể nói rằng trở ngại của hoạt động
đảm bảo tiền vay bằng tài sản là do khách hàng không có hoặc tài sản không đủ để làm tài sản đảm bảo.
- Tính cạnh tranh trong hoạt động của các TCTD ngày càng gay gắt, nhiều TCTD để mở rộng tín dụng và tăng thị phần đã có xu hướng giảm bớt các điều kiện cấp tín dụng. Trong bối cảnh đó thì QTD Bình Chánh cũng không thể đi ngược lại xu hướng mà phải làm sao để nâng cao hiệu quả của các biện pháp đảm bảo tiền vay và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
b) Nguyên nhân chủ quan.
- Xuất phát từ những cán bộ tín dụng có những hạn chế nhất định về năng lực và số lượng. Hiện nay các nhân viên tín dụng đều được tuyển chọn và đào tạo về nghiệp vụ từ trung ương. Tuy nhiên chính sách đào tạo này còn nhiều bất cập, việc đào tạo vẫn chưa sát với tình hình thực tế của QTD. Ngoài ra, trình độ giữa các cán bộ tín dụng còn chưa đồng đều, khả năng thẩm định và quyết định cho vay còn nhiều hạn chế. Nhất là với các cán bộ mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm thực tế.
- Với mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các TCTD như hiện nay thì việc cho vay thế chấp, cầm cố chiếm tỷ trọng cao là không tốt, thận trọng quá mức sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là các TCTD sẽ mất một lượng lớn các khách hàng tiềm năng. Các TCTD nước ngoài ngày càng thu hút được sự chú ý và tin tưởng của người dân không chỉ bởi kinh nghiệm hoạt động tại nhiều quốc gia cũng như có quy mô lớn mà còn xuất phát từ nguyên nhân họ làm những điều mà các Tổ chức tín dụng trong nước không làm được như: phần lớn tập trung cho vay tín chấp, luôn đặt khách hàng lên hàng đầu chứ không phải là lợi nhuận.
- QTD còn thiếu thông tin chính xác về khách hàng. Việc thu thập cũng như xử lý thông tin còn thiếu tính hệ thống và toàn diện gây khó khăn cho hoạt động thẩm định cũng như ra quyết định cho vay ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng và áp dụng các hình thức đảm bảo tiền vay.
- Chưa chú trọng đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát và giám sát khoản vay.
Kết luận chương 2
Qua phân tích thực trạng chất lượng hoạt động cho vay tại QTD Bình Chánh, chúng ta có thể nhận thấy chất lượng hoạt động cho vay tại đây tương đối tốt, Quỹ
đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và cần được khắc phục. Do đó, QTD Bình Chánh cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời cần tìm ra những giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động cho vay.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY TẠI QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN BÌNH CHÁNH