Các nguyên tắc chung trong giao kết hợp đồng dân sự
Viện Quản lý BHNT Hoa Kỳ (LOMA) cũng đưa ra bốn nguyên tắc chung cho hợp đồng: các bên tham gia hợp đồng phải có (i) sự thống nhất ý chí (mutual assent), (ii) năng lực giao kết (contractual capacity), (iii) hợp đồng phải thỏa thuận trên cơ sở tương xứng và hợp pháp (exchange legally adequate consideration) và (iv) hợp đồng phải có mục đích hợp pháp (lawful purpose) [36].
Cùng thống nhất với quan điểm của các nhà làm luật trên thế giới cũng như quan điểm về hợp đồng của Viện Quản lý BHNT Hoa Kỳ (LOMA), pháp luật Việt Nam cũng đã quy định tương đối cụ thể về các nguyên tắc thiết lập và thực hiện các giao dịch dân sự trong đó có hợp đồng dân sự.
Theo Điều 122/ Bộ luật dân sự năm 2005, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là (a) người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, (b) mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, (c) người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện và (d) hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Theo Điều 389/ Bộ luật dân sự năm 2005, việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc (1) tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; (2) tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Hợp đồng BHNT cũng là một loại giao dịch dân sự vì thế để có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam, hợp đồng BHNT cũng phải thỏa mãn các điều kiện nói trên.
- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: là bổn phận khai báo đầy đủ và chính xác tất cả các yếu tố quan trọng, dù được yêu cầu hay không yêu cầu khai báo. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối là một yêu cầu cơ bản của nghiệp vụ bảo hiểm nói chung, trong đó có BHNT. Đối với các DNBH, nguyên tắc này sẽ giúp DNBH giảm chi phí điều tra rủi ro và tăng trách nhiệm của NĐBH. Đối với NĐBH, họ sẽ đỡ mất thời gian, công sức tìm hiểu về DNBH. Theo nguyên tắc này, bên biết thông tin quan trọng liên quan đến giao dịch mua bán mà mình tham gia sẽ phải thông báo cho bên đối tác biết thông tin đó. Yếu tố quan trọng là bất kỳ yếu tố nào có ảnh hưởng đến việc chấp nhận bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Ví dụ, NĐBH có thói quen uống rượu là một yếu tố quan trọng đối với DNBH nhận bảo hiểm thân thể, sinh mạng, bệnh tật cho người đó. Đối với bảo hiểm con người, tiền sử bệnh, tuổi, nghề nghiệp của NĐBH, hồ sơ sức khỏe của người trong gia đình là các yếu tố quan trọng.
Thông thường, BMBH và NĐBH (nếu đã thành niên) phải khai báo các yếu tố quan trọng khi có yêu cầu bảo hiểm. Việc khai báo phải hoàn thành trước khi hợp đồng bảo hiểm ký kết. Ngược lại, các DNBH phải công khai những thông tin liên quan đến phạm vi hoạt động, điều khoản sản phẩm và khả năng tài chính của mình.
- Nguyên tắc “Quyền lợi có thể được bảo hiểm”: Theo Viện Quản lý BHNT Hoa Kỳ (LOMA), đây là nguyên tắc đặc biệt của hợp đồng BHNT, thể hiện đầy đủ nguyên tắc “hợp đồng phải có mục đích hợp pháp (lawful purpose)” (một nguyên tắc đối với hợp đồng dân sự nói chung) đồng thời thể hiện nguyên tắc riêng của hợp đồng BHNT. Luật pháp của Mỹ và nhiều nước trên thế giới quy định rằng, BMBH phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với rủi ro được bảo hiểm tức là BMBH sẽ phải gánh chịu thiệt hại thực tế nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra. Quy định này được thể hiện trong BHNT thông qua việc áp dụng nguyên tắc sau: Quyền lợi có thể được bảo hiểm tồn tại khi (i) chủ hợp đồng có lợi ích nếu NĐBH tiếp tục sống và (ii) chịu thiệt hại khi NĐBH tử vong.
Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm của các quốc gia trên thế giới. Để được cấp hợp đồng bảo hiểm, BMBH và NĐBH phải
đáp ứng quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm đã được quy định trong luật. Nếu DNBH xác định thấy giữa BMBH và NĐBH không có quyền lợi bảo hiểm theo quy định của pháp luật nước đó thì DNBH sẽ không phát hành hợp đồng.
Ngoài quy định của pháp luật, mỗi DNBH lại có hệ thống các tiêu chuẩn riêng trong đó có nội dung về quyền lợi có thể được bảo hiểm và thường được quy định dưới dạng các các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro (underwriting guidelines). Như vậy, nếu một yêu cầu bảo hiểm thỏa mãn quy định của pháp luật nhưng không thỏa mãn quy định riêng, khắt khe hơn của DNBH về quyền lợi có thể được bảo hiểm thì cũng có thể bị từ chối chấp nhận bảo hiểm.
Đối với trường hợp cá nhân mua bảo hiểm cho chính cuộc sống của mình, luật pháp các nước trên thế giới cho phép BMBH đồng thời là NĐBH (BMBH/ NĐBH) được chỉ định bất kỳ người nào là người thụ hưởng. Tuy nhiên, các DNBH trên thế giới thường yêu cầu người thụ hưởng (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm) phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với cuộc sống của BMBH/ NĐBH.
Đối với trường hợp cá nhân mua bảo hiểm cho cuộc sống của người khác, luật pháp của hầu hết các nước trên thế giới và các bang của Hoa Kỳ thường chỉ quy định BMBH phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH khi phát hành hợp đồng. Tuy nhiên, quy định đánh giá rủi ro của các DNBH và luật pháp của một số bang quy định BMBH và Người thụ hưởng đều phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH.
Luật pháp kinh doanh bảo hiểm của các nước trên thế giới cho rằng mối quan hệ gia đình có thể tạo nên quyền lợi có thể được bảo hiểm giữa NĐBH và BMBH hoặc Người thụ hưởng. Nhận định nói trên là hợp lý và có cơ sở vì mối ràng buộc tự nhiên về tình cảm và sự phụ thuộc về tài chính tồn tại thường xuyên giữa các thành viên trong gia đình. Trong những trường hợp này, ngay cả khi BMBH hoặc Người thụ hưởng không có quyền lợi tài chính đối với cuộc sống của NĐBH thì sự ràng buộc về tinh thần cũng đủ để tạo nên quyền lợi có thể được bảo hiểm. Theo các hệ
thống pháp luật trên thế giới, vợ/ chồng, bố, mẹ, con, ông, bà, anh, chị, em của NĐBH được coi là có quyền lợi có thể được bảo hiểm với NĐBH.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm không được lạm dụng khi BMBH hoặc Người thụ hưởng có quan hệ họ hàng xa hơn phạm vi đã đề cập trên hoặc khi các bên không có mối quan hệ ruột thịt hoặc hôn nhân. Đối với những mối quan hệ này, quyền lợi tài chính của BMBH hoặc Người thụ hưởng đối với cuộc sống của NĐBH phải được chứng minh để thỏa mãn yêu cầu về quyền lợi có thể được bảo hiểm. Giả sử, bà Vũ Thị B có một khoản nợ cá nhân với một ngân hàng. Nếu bà B tử vong trước khi thanh toán nợ cho ngân hàng thì ngân hàng đó có khả năng sẽ bị mất một phần hoặc toàn bộ số tiền đã cho bà B vay. Do đó, ngân hàng nói trên có quyền lợi tài chính –quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với cuộc sống của bà B. Những ví dụ tương tự về quyền lợi tài chính có thể tìm thấy trong các mối quan hệ kinh doanh khác.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm cần được thỏa mãn trước khi hợp đồng BHNT được phát hành. Sau khi hợp đồng BHNT có hiệu lực thì sự tồn tại hoặc không tồn tại của quyền lợi có thể được bảo hiểm không còn liên quan đến hợp đồng nữa. Như vậy, Người thụ hưởng không cần cung cấp bằng chứng chứng minh quyền lợi có thể được bảo hiểm khi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Tại Việt Nam, LKDBH năm 2000 không định nghĩa về quyền lợi có thể được bảo hiểm nhưng có liệt kê các yếu tố cấu thành tại Khoản 9, Điều 3 “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Như vậy, đối với BHNT, quyền lợi có thể được bảo hiểm bao gồm quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa BMBH và NĐBH.
Quy định nói trên được chi tiết hơn tại Điều 31 LKDBH năm 2000 (1) Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người (2) BMBH chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây: a) Bản thân BMBH; b) Vợ, chồng, con, cha, mẹ của BMBH; c) Anh, chị, em ruột; người có
quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng; d) Người khác, nếu BMBH có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Việc xác định những người được quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều 31 LKDBH năm 2000 (bản thân BMBH, vợ, chồng, con, cha, mẹ) và anh, chị, em ruột của BMBH thì đã rõ ràng. Tuy nhiên cần hiểu thế nào là “người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng”.
Theo Điều 34, 35, 47 và 48/ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trách nhiệm nuôi dưỡng phát sinh giữa những người sống trong cùng một gia đình và trong những trường hợp cụ thể như sau:
(i) nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc con thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
(ii) nghĩa vụ nuôi dưỡng của con đối với cha mẹ khi cha mẹ ốm đau, già yếu, bệnh tật;
(iii) nghĩa vụ nuôi dưỡng của anh, chị, em trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con
(iv) nghĩa vụ nuôi dưỡng của ông bà nội, ông bà ngoại đối với cháu trong trường hợp cháu không còn những người nuôi dưỡng nói trên
Theo Khoản 11 Điều 8/ Luật hôn nhân và gia đình, “cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”. Theo Điều 50/ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, “nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại
Luật này”. Chi tiết tại Chương VI/ Luật Hôn nhân và gia đình cho thấy nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh giữa những người nói trên khi người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng (i) không sống chung với nhau và người được cấp dưỡng là (ii) người chưa thành niên hoặc (iii) là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.
Vì thế, việc LKDBH 2000 quy định về điều kiện để có quyền lợi có thể được bảo hiểm “nuôi dưỡng và cấp dưỡng” là không chính xác vì đây là hai loại quan hệ có điều kiện khác nhau và loại trừ nhau (nếu một người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với một người khác thì không còn trách nhiệm nuôi dưỡng đối với người đó nữa). Do vậy, nội dung nói trên cần được sửa đổi theo hướng quan hệ giữa BMBH và NĐBH phải thỏa mãn một trong hai điều kiện hoặc (i) nuôi dưỡng hoặc (ii) cấp dưỡng là có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Do LKDBH năm 2000 quy định thêm BMBH có thể mua bảo hiểm cho “người có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng” và bổ sung thêm quy định mở về việc BMBH có thể mua bảo hiểm cho “người khác, nếu BMBH có quyền lợi có thể được bảo hiểm” nên các DNBH ở Việt Nam thường có hướng dẫn nội bộ về phạm vi đối tượng BMBH là cá nhân. Hiện nay, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ có quy định về việc: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác ruột không đương nhiên được mua bảo hiểm cho cháu và ngược lại (trừ trường hợp họ có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng). Căn cứ vào quy định nói trên của Luật kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt Nhân thọ đồng ý bán bảo hiểm cho các đối tượng mở rộng nêu trên với điều kiện: BMBH và NĐBH hoặc BMBH và Cha, Mẹ hay Người giám hộ hợp pháp của NĐBH trong trường hợp NĐBH dưới 18 tuổi (nếu Cha và mẹ của NĐBH đã
mất hoặc không đủ điều kiện đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự) có cam kết
bằng văn bản với Công ty về mối quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa BMBH và NĐBH. Mẫu cam kết được lập theo một trong các hình thức do Tổng Công ty này quy định.
Theo Điều 570/ Bộ luật dân sự năm 2005, “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của BMBH là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm”. Như vậy, trong trường hợp BMBH mua hợp đồng BHNT cho chính cuộc sống của mình thì chữ ký của BMBH trên giấy yêu cầu bảo hiểm thể hiện sự đồng ý của BMBH đồng thời là NĐBH về việc tham gia bảo hiểm.
Đối với trường hợp BMBH mua BHNT cho cuộc sống của người khác thì theo Điều 38/ LKDBH năm 2000, “1. Khi BMBH giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng. 2. Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của những người sau đây: a) Người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản; b) Người đang mắc bệnh tâm thần”. Do đối tượng bảo hiểm của các hợp đồng BHNT chính là tính mạng NĐBH nên NĐBH có quyền quyết định cho phép hay không cho phép BMBH và DNBH “kinh doanh” đối tượng đặc biệt này và tham gia chỉ định người được nhận quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra với bản thân. Cũng để đảm bảo sự tự nguyên và thống nhất ý chí nói trên, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người dưới 18 tuổi nếu cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản. LKDBH năm 2000 không cho phép giao kết hợp đồng cho trường hợp chết của người mắc bệnh tâm thần (mà không có ngoại lệ nào khác về sự đồng ý của người giám hộ như đối với trường hợp người dưới 18 tuổi). Thiết nghĩ, quy định này không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất ý chí mà còn là kết quả của công tác đánh giá rủi ro đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng tránh các trường hợp trục lợi bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm trên sinh mạng của những người không hoặc chưa có khả năng nhận thức đầy đủ cũng như tự bảo vệ mình.