Bảo vệ quyền lợi của Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm và Người thụ hưởng

Một phần của tài liệu LVTS-2012 - Giao Kết Hợp Đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ Và Vấn Đề Vô Hiệu Hóa Của Hợp Đồng (Trang 80 - 83)

thụ hưởng

Nhà nước thông qua pháp luật để điều chỉnh các giao dịch dân sự nói chung trong đó có giao dịch BHNT. Mục đích trực tiếp của việc kiểm soát các giao dịch BHNT là (i) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BMBH, NĐBH và Người thụ hưởng, (ii) đấu tranh chống hành vi trục lợi bảo hiểm. Riêng nội dung bảo vệ quyền lợi của Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm và Người thụ hưởng cần được pháp luật tập trung quy định vì các lý do sau:

Thứ nhất, giao dịch BHNT có sự xuất hiện của nhiều chủ thể trong đó có sự tham gia của đại lý bảo hiểm – với vai trò cầu nối giữa DNBH và BMBH. Đại lý BHNT là tổ chức và/ hoặc cá nhân được DNBH ủy quyền thực hiện các hoạt động liên quan đến việc khai thác BHNT, thu phí bảo hiểm và các công việc khác trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sự khác biệt cơ bản giữa đại lý BHNT với đại lý thương mại (mua bán hàng hóa) ở chỗ đại lý BHNT nhân danh bên giao đại lý

(DNBH) còn đại lý thương mại hoạt động nhân danh chính mình trong các hoạt động được bên giao đại lý ủy quyền thực hiện. Chính vì vậy, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm phải đưa ra những quy định riêng về đại lý bảo hiểm ngay cả khi Luật thương mại đã được ban hành. Chính sự tham gia của nhiều chủ thể trong một giao dịch dân sự, quá trình giao kết hợp đồng qua trung gian là đại lý BHNT nên đã đặt ra vấn đề kiểm soát giao dịch BHNT nói chung để bảo về quyền lợi chính đáng của BMBH đồng thời hạn chế rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo trật tự xã hội trong giao dịch bảo hiểm.

Thứ hai, hợp đồng BHNT là hợp đồng gia nhập, DNBH soạn thảo điều khoản mẫu (điều khoản mẫu này ở Việt Nam do Bộ Tài chính phê chuẩn); BMBH xem xét điều khoản mẫu trong một thời gian nhất định, nếu BMBH đồng ý tham gia hợp đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ nội dung của điều khoản mẫu này. Có thể nhận thấy, BMBH không thể đàm phán, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung điều khoản mẫu và vì thế trở thành bên yếu thế hơn trong quan hệ hợp đồng BHNT. Việc kiểm soát giao dịch BHNT nói chung sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của BMBH.

Thứ ba, các DNBH ra quyết định đánh giá rủi ro, chấp nhận bảo hiểm dựa trên các thông tin do khách hàng cung cấp tại thời điểm giao kết hợp đồng. Mặc dù nguyên tắc trung thực tuyệt đối đã được đưa ra là nguyên tắc hàng đầu của bảo hiểm, được nhấn mạnh ở cả hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhưng làm cách nào để DNBH đánh giá được mức độ chính xác của các thông tin do BMBH cung cấp và hạn chế rủi ro trục lợi bảo hiểm từ phía khách hàng? Để trả lời câu hỏi này, các DNBH và các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát giao dịch BHNT.

Thứ tư, hợp đồng BHNT là dạng hợp đồng phức tạp, khó hiểu ( do tính kỹ thuật cao và điều khoản hợp đồng với ngôn ngữ chuyên ngành, nhiều tình huống được đưa ra để bao quát…) nên để tránh tình trạng các DNBH sử dụng điều khoản

mẫu để “chèn ép” khách hàng, vấn đề kiểm soát giao dịch BHNT có một lý do nữa để đặt ra cho các DNBH và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

LKDBH 2000 có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của BMBH, NĐBH và người thụ hưởng như sau:

- Đồng thời cùng với việc quy định trách nhiệm kê khai trung thực của BMBH, LKDBH còn quy định về trách nhiệm của DNBH trong việc cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho BMBH đồng thời quy định DNBH có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp;

- Quy định về nguyên tắc giải thích hợp đồng: trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho BMBH. Quy định này thể hiện rõ quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam ưu tiên cho BMBH – bên yếu thế hơn trong quan hệ hợp đồng BHNT; sở dĩ có quy định này là do DNBH đã có quyền soạn thảo điều khoản BHNT mẫu, DNBH hơn ai hết là người am hiểu nhất về sản phẩm bảo hiểm đã ban hành, quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi người dân Việt Nam chỉ mới tiếp xúc với BHNT không lâu, trình độ dân trí chưa cao và hiểu biết về BHNT còn nhiều hạn chế.

- Quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn thì DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường. Đây là một trong những quy định thể hiện sự đảm bảo quyền được bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm của BMBH, NĐBH, người thụ hưởng.

- Quy định về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết: Khi BMBH giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng. Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự

đồng ý bằng văn bản của bên mua bảo hiểm. Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của những người sau đây: a) Người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản; b) Người đang mắc bệnh tâm thần. Quy định này bảo vệ NĐBH thành niên và chưa thành niên, nghiêm cấm việc giao kết hợp đồng BHNT cho NĐBH chưa thành niên mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, người đang mắc bệnh tâm thần, không có năng lực hành vi dân sự.

- Ngoài ra còn một số quy định khác tại LKDBH 2000 quy định về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐBH, BMBH và người thụ hưởng.

Như vậy, pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm BHNT nhưng còn thiếu những quy định cơ bản mà pháp luật các nước khác đã ghi nhận như quy định về thời gian xem xét lại việc giao kết hợp đồng bảo hiểm của BMBH.

Một phần của tài liệu LVTS-2012 - Giao Kết Hợp Đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ Và Vấn Đề Vô Hiệu Hóa Của Hợp Đồng (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w