Bản chất của hợp đồng vô hiệu được thể hiện ở chỗ nội dung của hợp đồng chứa đựng những điểm khiếm khuyết làm cho hợp đồng không có giá trị về mặt pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng không phát sinh, các bên không có nghĩa vụ và không được phép thực hiện những thỏa thuận trong hợp đồng vô hiệu. Sự vô hiệu được xác định ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng, kể cả trường hợp hợp đồng đã và đang thực hiện. Đây chính là tiêu chí để phân biệt hợp đồng vô hiệu với các trường hợp hợp đồng bị mất hiệu lực, bị chấm dứt hiệu lực hay hợp đồng không thể thực hiện được.
Một hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu thực chất là hợp đồng không được pháp luật thừa nhận do đã có sự vi phạm pháp luật trong việc giao kết hợp đồng. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu cũng giống như hậu quả pháp lý của hợp đồng bị hủy bỏ. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 BLDS 2005, cụ thể như sau:
(i) Hợp đồng không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao kết;
(ii) Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường
Như vậy, theo quy định trên, khi hợp đồng BHNT bị tuyên vô hiệu DNBH sẽ phải hoàn lại số phí bảo hiểm đã thu cho BMBH đồng thời không phải chịu trách nhiệm trước những rủi ro xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do lỗi của DNBH thì ngoài việc hoàn lại số phí bảo hiểm đã thu, DNBH phải trả thêm tiền lãi cho số phí bảo hiểm đó. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do lỗi của BMBH, DNBH có quyền khấu trừ các chi phí hợp lý đã bỏ ra cho việc giao kết hợp đồng (chi phí hoa hồng trả cho đại lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp…). Tuy nhiên, hiện tại không có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc xử lý hợp đồng vô hiệu đặc biệt là những hợp đồng đặc thù như
HĐBH. Do vậy, khi tranh chấp xảy ra không có một đường lối thống nhất chung cho việc xử lý HĐBH vô hiệu dẫn đến tình trạng nhiều vụ tranh chấp có cùng bản chất, hiện tượng và thời điểm phát sinh nhưng lại có những bản án khác nhau bởi việc xác định mức độ thiệt hại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các thẩm phán.
BLDS 2005 không có điều luật nào quy định riêng về thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (bao gồm cả hợp đồng BHNT) mà thẩm quyền này được quy định thuộc về Tòa án thông qua điều 136 BLDS 2005. Do BLDS 2005 không quy định rõ ràng về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu nên đặt ra cho chúng ta những thắc mắc: Toà án có phải là chủ thể duy nhất có thẩm quyền tuyên bố HĐBH vô hiệu hay không? Các bên giao kết HĐBH có quyền chủ động xử lý hợp đồng vô hiệu không? Nếu trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua thỏa thuận tranh chấp về nội dung hợp đồng và/hoặc tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ được giải quyết chung thẩm tại Trọng tài thì việc một trong các bên yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu có được không hay chỉ được giải quyết bằng Trọng tài?