Ngành Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện nay đã có ít nhất 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản... Tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn còn đó nhiều khó khăn cần được tháo gỡ và phát triển có định hướng tốt hơn.
Chiều ngày 18/12/2016 tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì được đông đảo đại biểu tham dự đánh giá là một hội nghị “đặc biệt”. Nó “đặc biệt” ở chỗ, thứ nhất hội nghị không chỉ tập hợp doanh nghiệp làm nông nghiệp giỏi như ông Huy với biệt danh lão nông triệu đô, ông sở hữu nhãn hiệu chuối Fohla - “ Food of Huy Long An” đã xuất 4.000 tấn trong năm 2016 trong đó 40% xuất cho thị trường “khó tính” Nhật Bản, mà tập hợp nhiều thành phần doanh nghiệp khác nhau trong đó “nổi bật” có các doanh nghiệp như tập đoàn FPT do ông Trương Gia Bình làm chủ tịch được biết đến là doanh nghiệp làm công nghệ hay tập đoàn ô tô Trường Hải do ông Trần Bá Dương làm chủ tịch được biết đến là doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Thứ hai, đây là hội nghị không mang tính “hình thức” mà có sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng, chính quyền các đầu tàu kinh tế như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Hội và Bí thư của 20 tỉnh thành. Thứ ba, cuộc tọa đàm được điều phối bởi ông Trương Gia Bình diễn ra rất dân chủ, cởi mở, sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, sát thực tiễn.
Một số vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị: thứ nhất là hàng rào kĩ thuật bảo vệ nông sản trong nước còn kém nhiều nước trong khu
vực, dẫn đến tình trạng nhập khẩu ồ ạt nhiều mặt hàng, gây rối loại thị trường và thiệt thòi cho doanh nghiệp. Thứ hai là chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp kỹ thuật cao còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, hiện tại “độc quyền” Agribank thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp. Thứ ba là quá trình tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp còn vướng mắc và sự áp đặt máy móc của Sở xây dựng khi thực hiện quy hoạch 1/500 cho dự án nông nghiệp.
Sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận đưa ra những giải pháp tháo gỡ: Thứ nhất là giao cho các bộ ngành liên quan nhanh chóng nghiên cứu xây dựng chính sách hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Thứ hai là cam kết sẽ tạo cơ chế vay vốn thuận lợi, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp với lãi suất từ 0,5 đến 1% đã thực hiện từ 1/11/2016 nhưng giao cho 5 hệ thống ngân hàng thương mại lớn cùng thực hiện để có sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, thủ tướng nhấn mạnh: “Trước đây, công bố quy hoạch chỉ có 10 đơn vị với 31 dự án được hưởng những ưu đãi này nhưng kể từ hôm nay, Thủ tướng đưa ra thông điệp: bất cứ nhà đầu tư, doanh nghiệp
hay nông dân nào có khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ gói tín dụng này”. Thứ ba là yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản theo mô hình thực hiện thành công của tỉnh Lâm Đồng, hoạt động đảm bảo tính bền vững hiệu quả lâu dài không theo phong trào, Chính phủ đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 trong đó phải có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nhiệp. Đồng thời, thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) về việc thành lập các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong năm 2017 nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp hiệu quả, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh thảo luận sôi nổi, hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước giới thiệu các sản phẩm Nông nghiệp kỹ thuật cao. Trong đó, sản phẩm Scafe’ và hạt điều Donafood của Tổng Công ty Tín Nghĩa cũng tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm cho quan khách tham gia hội nghị và nhận được đánh giá cao.
Minh Chuyên Cty CP Scafe’