đắn cho học sinh
Học sinh muốn tự học tốt phải có mục đích, động cơ học tập đúng. Từ đó họ nảy sinh lòng ham học, tính tự giác tích cực, tự lực say mê tìm tòi nghiên cứu, Đây là động lực bên trong của việc tự học. Không có hoặc thiếu mục đích động cơ tự học mạnh mẽ thì học sinh không thể có hoạt động tự học đích thực. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của tự học và thường xuyên thúc đẩy hoạt động tự học của học sinh bằng nhiều biện pháp thích hợp sẽ giúp duy trì hứng thú, tạo ra sự chú ý liên tục ở người học sinh, giúp họ có được ý chí, nghị lực vượt khó khăn, đạt tới mục tiêu học tập đã định.
Để đạt được mục tiêu, ý nghĩa nêu trên, tăng cường giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho học sinh trung học phổ thông thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cần phải tập trung vào những nội dung và cách thức thực hiện sau:
Một là, tăng cường giáo dục, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về quan điểm đường lối của đảng về nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo; vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc học và tự học với xã hội nói chung và đối với người học nói riêng. Ngay từ đầu khoá học, năm học, nội dung nhận thức về tự học của học sinh phải được đề cập đến như là một vấn đề trọng tâm. Ngoài ra trong các buổi sinh hoạt tập thể, các phong trào của đoàn thanh niên cũng cần dành một vị trí nhất định để thảo luận trao đổi kinh nghiệm học tập, nhắc lại hoặc nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động tự học.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng động cơ, ý chí tự học cho học sinh nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh trong vươn lên để chiếm lĩnh tri thức. Động cơ, ý chí tự học của học sinh phải được cụ thể hoá trong
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nhiệm vụ học tập. Trước hết là tập trung giáo dục cho học sinh về truyền thống của nhà trường và truyền thống của dân tộc, trong đó có truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, truyền thống “Hiếu học”.
Ba là, phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, các qui chế về giáo dục - đào tạo cho học sinh ngay từ khi nhập học và cần tiếp tục cụ thể hoá vào từng môn học nhằm chuẩn hóa kế hoạch đào tạo, bảo đảm lôgic hóa quá trình lĩnh hội của học sinh trong quá trình đào tạo. Đây là việc làm cần được tổ chức thật chu đáo, cụ thể, giúp cho từng học sinh nhận thức một cách rõ ràng nhiệm vụ nặng nề của họ trong quá trình học tập, họ hình dung được cái đích cần đạt tới của từng bài học, môn học, cũng như sau năm học, khoá học, từ đó hình thành trong học sinh động lực mạnh mẽ, nỗ lực tích cực, chủ động tự học.
Đội ngũ các chủ thể quản lý các cấp cần thường xuyên nắm chắc động cơ học tập của học sinh, thúc đẩy học sinh tham gia các hoạt động tự học theo một cơ chế quản lý vừa có tính chất hành chính vừa có tính mềm dẻo, linh hoạt để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự học tập, tự rèn luyện. Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của người học sinh để họ thấy rõ mình vừa là đối tượng quản lý, vừa là chủ thể trong tự quản lý hoạt động học tập. Từ đó, khắc phục tư tưởng ỷ lại, chây lười, trung bình chủ nghĩa trong học tập; thúc đẩy học sinh biết tự xây dựng cho mình ý thức sáng tạo, tích cực hoạt động tự học, chủ động tìm kiếm tri thức và tham gia các hoạt động nhận thức, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu giáo dục.
Bốn là, coi trọng phát huy vai trò giáo viên đối với việc xây dựng động cơ, nâng cao ý thức tự học của học sinh. Trong quá trình thực hiện kế hoạch giảng dạy người thầy phải luôn định hướng nhận thức và xây dựng tâm thế cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh ý thức được đầy đủ yêu cầu,
nhiệm vụ học tập, sẵn sàng thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ học tập đó. Giáo viên phải phối hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm kích thích tính tích cực nhận thức và phát triển năng lực trí tuệ cho học sinh; đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả hoạt động tự học của học sinh. Nội dung này nhằm khích lệ động viên kịp thời những học sinh có ý thức tự học và đạt kết quả cao trong học tập và có những biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn những học sinh chưa tự giác hoàn thành nhiệm vụ học tập và tự học. Từ đó hình thành ở người học niềm tin, sự hy vọng, tính tích cực nhận thức, ý chí phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và tự học.
Nhận thức, ý chí cá nhân và động cơ là yếu tố bên trong thúc đẩy hoạt động của con người. Vì vậy, khi học sinh ý thức đúng, đầy đủ về vai trò của hoạt động tự học, họ sẽ tự điều chỉnh động cơ, thái độ học tập theo hướng tích cực. Do đó tăng cường giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho học sinh là rất cần thiết, là biện pháp hàng đầu cần phải quan tâm tiến hành thường xuyên.