Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc
2.3. Cơ sở thực tiễn
2.3.1. Kinh nghiệm quản lý thu BHXH bắt buộ cở một số nước trên thế giới
2.3.1.1. Kinh nghiệm của Liên Bang Mỹ
Năm 1935 Hoa Kỳ thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (có người gọi là Luật phúc lợi xã hội) Luật Bảo hiểm xã hội năm 1935 của Hoa Kỳ chỉ bao gồm bốn chế độ bảo hiểm là chế độ hưu trí, tử tuất, mất khả năng lao động, và thất nghiệp:
Mức đóng BHXH: Được chia ngang bằng cho chủ sử dụng lao động và người lao động; Mỗi bên đóng 7,65% mức tiền lương, tiền công của người lao động (trong đó đóng BHYT là 1,45%). Khu vực nông nghiệp và phi Chính Phủ người lao động phải đóng 15,3% tiền lương tháng.
Khi đóng phí BHXH, người lao động được cấp thẻ BHXH, họ có thể nhận được tối đa 04 thẻ BHXH trong một năm. Khi thực hiện chi trả trợ cấp BHXH cho người lao động thì cơ quan BHXH sẽ thu lại thẻ BHXH để lưu trữ.
Số tiền thu BHXH được dành dưới 1% cho chi phí quản lý hành chính, 70% chi cho trợ cấp hưu trí, 19% chi trợ cấp y tế, 10% chi trợ cấp khuyết tật và thân nhân.
Ngoài hình thức BHXH bắt buộc, Liên bang Mỹ còn thực hiện loại hình BHXH tự nguyện, quỹ hưu trí của ngành. Người lao động có thể vừa tham gia hình thức BHXH bắt buộc vừa tham gia hình thức BHXH tự nguyện. Hiện nay, có khoảng hơn nửa lực lượng lao động nước Mỹ tham gia BHXH tự nguyện.
Việc thu quỹ BHXH thông qua tài khoản cá nhân, do vậy người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hay làm việc cho Chính phủ không thể trốn nộp BHXH vì mọi thu nhập của họ đều thông qua tài khoản cá nhân. Nếu người lao động làm việc trong các cơ sở tư nhân được trả lương, công bằng tiền mặt thì rất khó kiểm soát. Việc thu, nộp tiền BHXH sẽ do người lao động tự kê khai và trích nộp trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trên thực tế số này rất ít, người dân tự ý thức được quyền lợi của họ khi tham gia BHXH nên họ tự nguyện đóng vào quỹ BHXH.
2.3.1.2. Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên Bang Đức
Chương trình BHXH bắt buộc ở cấp quốc gia đầu tiên được thiết lập ở nước Đức dưới thời thủ tướng Otto von Bismarck. Cụ thể chương trình bảo hiểm y tế thiết lập năm 1883, chương trình về tiền bồi thường cho công nhân năm 1884, chương trình trợ cấp hưu trí và trợ cấp tàn tật năm 1889. So với các nước trên thế giới, Cộng hoà Liên bang Đức là nước có lịch sử phát triển được coi như sớm nhất. Điều luật BHXH đầu tiên đã ra đời và thực hiện từ những năm 1850. Cho đến nay, chính sách BHXH ở Đức bao gồm 6 chế độ sau:
+ Bảo hiểm thất nghiệp. + Bảo hiểm y tế.
+ Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho người già và người tàn tật. + Bảo hiểm ốm đau.
+ Bảo hiểm tai nạn lao động. + Bảo hiểm hưu trí.
Hệ thống BHXH bắt buộc được tổ chức theo mô hình tự quản, bảo đảm tài chính theo phương pháp lấy thu bù chi. Quỹ BHXH được hình thành từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và hỗ trợ của Nhà nước. Tổng mức đóng góp vào quỹ BHXH là 41,5% quỹ tiền lương (chế độ hưu trí 19,3%, y tế và thai sản 14%, tai nạn lao động và thất nghiệp,5%, chăm sóc người già 1,7%) trong đó người sử dụng lao động đóng một nửa, người lao động đóng một nửa. Quỹ BHXH thực hiện cơ chế tài khóa hàng năm theo nguyên tắc hoán đổi, tức là thu trong năm để chi cho năm đó, không có tích lũy, trường hợp thu không đủ chi thì Nhà nước cấp bù. Cộng hoà Liên bang Đức không có các tổ chức BHXH thực hiện cùng một lúc nhiều chế độ, mà thông thường mỗi tổ chức chỉ chịu trách nhiệm thu, chi cho một loại chế độ nhất định. Điểm đáng lưu ý ở nước này là
những công chức Nhà nước ( những người được đề cử vào bộ máy quản lí Nhà nước) không phải đóng BHXH, nhưng họ được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Khoản chi này được lấy từ nguồn thu thuế để trả.
Hiện nay, hàng năm ngân sách nhà nước Đức phải hỗ trợ quỹ BHXH là rất lớn. Từ năm 2001, ngân sách nhà nước trợ cấp cho quỹ BHXH ngày càng gia tăng, do đó Chính phủ Đức đang đệ trình lên Quốc hội một số điều chỉnh Luật nhằm cân đối quỹ, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, bao gồm: Nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi lên 67 tuổi và điều chỉnh mức đóng, mức hưởng theo một trong hai giải pháp sau:
- Nâng dần mức đóng, dự kiến đến 2030 mức đóng cho chế độ hưu trí tăng từ 19,3% lên 26%, ý kiến này giới chủ và Liên đoàn lao động không đồng ý.
- Giảm dần tỷ lệ hưởng, dự kiến đến năm 2030 lương hưu chỉ bằng 50% của năm 2000, ý kiến này Liên đoàn lao động không đồng ý.
Để dung hòa, Chính phủ đưa ra phương án ổn định chế độ hưu và mức đóng góp hiện nay nhưng hình thành thêm một loại bảo hiểm bổ sung.
Do mức đóng góp cho quỹ BHXH cao nên mức thụ hưởng từ các chính sách an sinh xã hội của Đức cũng rất cao. Thu nhập của người lao động và mọi thanh toán đều thông qua hệ thống ngân hàng nên việc khai thuế và trích nộp BHXH rất chặt chẽ, hầu như không thể nói đến chuyện trốn nộp BHXH. Thực tế nếu người lao động có khai sai, sau khi kiểm tra từ hệ thống ngân hàng thì Chính phủ cũng buộc phải nộp và có thể bị phạt, thậm chí phạt mức rất cao. Chính vì vậy, cả chủ sử dụng lao động và người lao động không dám nghĩ tới việc trốn tránh trích nộp BHXH.
2.3.1.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Các gia đình Trung Quốc tiết kiệm tới 30% thu nhập của họ, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ, Nhật Bản chưa tới 10%. Một trong những lý do chính là họ lo cuộc sống lúc về già. "Ô" bảo hiểm tuổi già (lương hưu), phần quan trọng nhất của hệ thống BHXH Trung Quốc, mới "che" được khoảng 1/3 số người về hưu và 1/4 lực lượng lao động. Đó là do Quỹ chịu "gánh nặng lịch sử để lại" là lương hưu trả cho người lao động thời bao cấp không phải đóng BHXH và hàng triệu người lao động "về hưu non" (có người mới 40 tuổi). Thu BHXH bằng 28% quỹ lương, trong đó chủ sử dụng lao động 20%, người lao động 8%; mức đóng cao, nhưng vẫn không đủ chi trả lương hưu. Hiện mới có gần 50% lao động thành phố tham
gia BHXH bắt buộc; nhiều chủ lao động "trốn" vì họ cho rằng mức đóng quá cao và không có trách nhiệm đỡ "gánh nặng lịch sử". Một hạn chế khác là quỹ đầu tư sinh lời thấp và chậm. Tiền quỹ chủ yếu gửi Ngân hàng nhà nước và mua Công trái lấy lãi suất tiết kiệm 2-3%/ năm trong khi lương thực tế đang tăng khoảng 10%/ năm. Công thức đóng hưởng chưa hợp lý, theo quy định đóng đủ 15 năm được về hưu, Quỹ do từng địa phương quản lý, thiếu thống nhất, thiếu tập trung, thiếu chặt chẽ, hạn chế sự di chuyển lao động, kìm hãm năng lực đầu tư của Quỹ, tạo nhiều sơ hở dẫn tới thất thoát, tham nhũng. Vì vậy, chưa làm hấp dẫn và chưa làm cho người lao động an tâm tham gia BHXH. Trung Quốc thực hiện cải cách mạng lưới phúc lợi xã hội từ đầu năm 2007: Nhà nuớc trả lương hưu cho người về hưu trước năm 1997, thực hiện giảm mức đóng xuống còn 20% nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuê lao động và tăng số người tham gia BHXH; cho phép quỹ BHXH đầu tư vào thị trường chứng khoán và thị trường tài chính nước ngoài; tăng tuổi nghỉ hưu (năm 2000, tuổi hưu trung bình là 51,2 (quy định nam 60, nữ 55; nữ công nhân 50 tuổi), thấp hơn các nước khác 10 năm, chính sách này tạm thời giảm căng thẳng về chỗ làm, nhưng về lâu dài lại tăng sức ép với hệ thống BHXH và nền kinh tế. Tuy nhiên nếu tăng tuổi về hưu quá nhanh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp. Tuổi thọ trung bình của nữ là 74, nam là 71 tuổi (tuổi về hưu của nữ đang theo hướng tăng lên 60 bằng nam); Trung Quốc đang chuyển quản lý BHXH từ phân tán từng địa phương sang các tổ chức độc lập [48, tr.4].