Phân lập VIRUS

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định một số đặc tính sinh học của parvovirus gây tiêu chảy ở chó nuôi tại thủ đô viêng chăn CHDCND lào (Trang 31 - 33)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.5.Phân lập VIRUS

2.5.1. Khái quát về phân lập virus

Virus là một thực thể đặc biệt, có khả năng biểu hiện những tính chất cơ bản của sự sống, trong điều kiện phải dựa hoàn toàn vào hệ thống enzyme và nguồn năng lượng của tế bào chủ (tế bào cảm thụ). Virus chỉ có thể nhân lên trong các môi trường tổ chức sống, do đó cần phải tạo hệ thống tế bào phù hợp để virus nhân lên. Có 3 hệ thống chính dùng để nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm là sử dụng động vật cảm thụ, phôi gà đang phát triển và môi trường tổ chức tế bào nuôi cấy (gồm tế bào dòng, tế bào sơ cấp và tế bào hữu hạn). Tuy nhiên, trong nghiên cứu virus với mục đích phân lập, giám định, chuẩn độ, xác định tính chất, hình thái virus, đặc biệt để chế tạo vaccine, phương pháp nuôi cấy trên môi trường tổ chức tế bào dòng đang được sử dụng rộng rãi, cho thấy vai trò quan trọng trong y học và thú y học. Nhờ phát triển kỹ thuật nuôi cấy tế bào mà virus học đã bước vào thời đại vàng (Golden Age). Từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 60 của thế kỷ 20 đã có trên 400 virus được phân lập và giám định đặc tính sinh học.

Phân lập virus trên tế bào dòng cho bệnh tích tế bào đặc trưng tùy chủng virus và tùy dòng tế bào. Sau khi virus xâm nhập và nhân lên trong tế bào, hầu hết các tế bào bị phá hủy. Người ta có thể đánh giá sự phá hủy tế bào bằng hiệu quả hủy hoại tế bào CPE (Cyto Pathogenic Effect) hoặc các ổ tế bào bị hoại tử. Mỗi ổ tế bào bị hoại tử đó được gọi là một đơn vị plaque (Plaque forming unit – PFU). Căn cứ vào CPE khi quan sát trên kính hiển vi quang học có thể đánh giá được kết quả nuôi cấy virus.

Quá trình hình thành bệnh tích tế bào có quan hệ với liều virus gây nhiễm. Hàm lượng virus cao dẫn đến hủy hoại tế bào sớm khi virus chưa nhân lên, ảnh hưởng đến quá trình nhân lên của virus. Tuy nhiên, với liều lượng virus ở mức trung bình và thấp, tác động gây hủy hoại tế bào chậm, sự thay đổi hình dạng tế bào chậm và rõ ràng hơn. Do vậy, cần xác định liều gây nhiễm virus thích hợp để có được nồng độ nuôi cho hiệu giá virus tối ưu.

2.5.2. Phân lập Parvovirus phục vụ nghiên cứu sản xuất vaccine vô hoạt

Vaccine là yếu tố quyết định trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh do Parvovirus nói riêng. Sự biến chủng của virus cao nên virus luôn luôn có sự biến đổi, vì vậy vaccine sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nếu chủng virus dùng làm giống gốc để sản xuất vaccine được phân lập từ thực địa.

Mục đích của phân lập virus là thiết lập virus giống gốc (Master Seed Viruses – MSVs) có đầy đủ yêu cầu cần thiết cho sản xuất vaccine. Chủng virus giống gốc lý tưởng được lựa chọn là có thể phát triển dễ dàng trong điều kiện nuôi cấy trên tế bào, có tính kháng nguyên rộng và ổn định. Chủng virus vaccine có thể được phân lập từ các chủng virus thực địa và xác định đặc tính sinh học cũng như sự ổn định qua các đời cấy chuyền trên tế bào dòng, sau đó được bảo quản ở nhiệt độ -80ºC.

Kháng nguyên virus dùng cho sản xuất vaccine phải có đầy đủ những tiêu chuẩn cần thiết, đặc biệt là:

 Được nhận dạng chính xác bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự gen

 Tính thuần khiết: Không bị tạp nhiễm vi khuẩn, nấm mốc,...

Chính vì vậy, cần phải có những xét nghiệm cần thiết đối với giống gốc đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng cho sản xuất vaccine.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định một số đặc tính sinh học của parvovirus gây tiêu chảy ở chó nuôi tại thủ đô viêng chăn CHDCND lào (Trang 31 - 33)