Các nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thành phố tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 31 - 35)

2.2.1.1. Tình hình sử dụng đất nông nghiệp một số nước trên thế giới

Tổng diện tích đất tự nhiên là 14,8× 109 (148 triệu km2), trong đó đất tốt thích hợp cho sản xuất nông nghiệp (đất phù sa, đất rừng nâu, đất đen) chiếm 12,6%, còn lại là đất xấu (như tuyết, băng hà, đất hoang mạc, đất núi, đất đài nguyên) chiếm đến 40,5%.

Toàn bộ đất đai có thể khai khẩn dễ dàng cho nhiều mục đích khác nhau hầu như đã được sử dụng hết và chiếm hơn 50% diện tích đất nổi. Cơ cấu sử dụng đất cụ thể như sau:

Với đất chưa sử dụng (đất dự trữ) thì đất không đòi hỏi các khoản chi phí lớn vào khai khẩn chỉ chiếm 5% diện tích đất tự nhiên; Đất cần những chi phí lớn trong sử dụng: 24% diện tích đất tự nhiên (hoang mạc, đầm lầy, sườn dốc đứng, đài nguyên rừng, đất hoang do con người); Đất không dùng được chiếm 15% diện tích đất tự nhiên (sông băng, núi cao gần đường tuyết, đài nguyên).

Diện tích đất thế giới hiện nay: 20% ở vùng quá lạnh, 20% ở vùng quá khô, 20% ở vùng quá dốc, 10% có tầng đất mỏng, 10% ở vùng trồng trọt được, 20% có thể làm đồng cỏ, đất trồng trọt chiếm tỉ lệ thấp, trong đó, đất có năng suất cao (14%), trung bình (28%) và thấp (58%) (FAO-UNESCO).

Như vậy, đất trên thế giới phân bố không đều, đất xấu nhiều, đất tốt ít. Từ những bài học của lịch sử phát triển nông nghiệp, những thành tựu đạt được của khoa học công nghệ, ở giai đoạn hiện nay muốn đưa nông nghiệp đi lên phải xây dựng và thực hiện một nền nông nghiệp trí tuệ. Bởi vì, tính phong phú đa dạng và đầy biến động của nông nghiệp đòi hỏi những hiểu biết và những xử lý đầy trí tuệ và rất biện chứng. Nông nghiệp trí tuệ thể hiện ở việc phát hiện, nắm bắt và vận dụng các quy luật tự nhiên và xã hội trong mọi mặt hoạt động của hệ thống nông nghiệp phong phú, biểu hiện ở việc áp dụng các giải pháp phù hợp, hợp lý. Nông nghiệp trí tuệ là bước phát triển ở mức cao, là sự kết hợp ở đỉnh cao của các thành tựu sinh học, công nghiệp, kinh tế, quản lý được vận dụng phù hợp với điều kiện của mỗi nước, mỗi vùng (Đường Hồng Dật, 1994).

2.2.1.2. Hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới

Diện tích đất đai có hạn trong khi dân số ngày càng tăng, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Ở Hà Lan, Tài nguyên thiên nhiên về nông nghiệp của Hà Lan thiếu hụt. Đất ít lại trũng, thường xuyên bị uy hiếp của ngập lụt, nhưng Hà Lan đã tìm tòi, tự khẳng định những lợi thế so sánh của chính mình để phát triển nền nông nghiệp theo chiến lược của một nền nông nghiệp hướng ra xuất khẩu.

nguồn quỹ đất hiếm hoi, sử dụng nhà kính để sản xuất cà chua, dưa, ớt quanh năm, tiết kiệm đất, tăng hiệu suất đất. Phương thức sản xuất gà đẻ trứng, lợn thịt cũng được cải tiến để bảo vệ môi trường, đảm bảo yêu cầu sức khoẻ động vật và chất lượng quốc tế, có hiệu quả cao. Nhà nước coi trọng nhiệm vụ cải tạo đất, hàng năm đầu tư 140 triệu Euro, bình quân 4.000 euro/ha năm.

Nhà nước còn tài trợ chỉnh lý đất đai, biến các thửa ruộng nhỏ liên kết thành thửa lớn liền nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch, đảm bảo yêu cầu cơ giới hoá. Bằng cách nhập khẩu các sản phẩm thuộc dạng “dựa vào quỹ đất lớn” như hạt cốc, đậu, hạt có dầu, nhất là thức ăn chăn nuôi... để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng năm, Hà Lan tạo ra được 11,35 vạn việc làm về công nghiệp thực phẩm, đồ uống... chưa kể các ngành dịch vụ phù trợ có liên quan khác.

Quỹ đất ít, “tấc đất, tấc vàng”, Hà Lan đã áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Để tạo ra hiệu suất cao của đất, ở Hà Lan, đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà kính đã tiết kiệm đất (thậm chí có nơi không dùng đất), lại có thể khống chế hoàn toàn điều kiện tự nhiên. Ngoài ra, với quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ “tăng diện tích đất”, tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới.

Ở Thái Lan, 30 năm trước, có thời gian diện tích đất nông nghiệp của Thái Lan tăng “đột biến”. Người Thái cần cù lao động, bám chặt đồng ruộng để mong thay đổi cuộc sống. Còn các nhà hoạch định chính sách Thái Lan coi nông nghiệp là nội lực sống còn để phát triển kinh tế quốc dân. Với lợi thế về nhân lực nông nghiệp (có đến 80% dân số Thái sinh sống vùng nông thôn), diện tích đất canh tác sẵn có, Thái Lan đã nhanh chóng hiện thực hóa được ước mơ trở thành “nồi cơm” của thế giới. Chỉ tính trong năm 2007, nước này xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, đạt 3,5 tỷ USD, giữ vững thế độc tôn.

Thế nhưng Thái Lan, sau đó, rơi vào nguy cơ “đất không đủ cày” vì tốc độ công nghiệp hóa, sự mở rộng các khu công nghiệp, giải trí; “trương nở” của những đô thị lớn; kèm theo đó là hiện tượng lơ là trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới theo phương châm phát triển bền vững khiến đất canh tác bị rửa trôi màu mỡ, xói mòn hoặc nhiễm mặn... Sớm “bắt bệnh” để tìm thuốc chữa, việc đầu tiên là phải đổi mới chính sách. Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan lấy nông nghiệp là bệ phóng cho nền kinh tế quốc dân và không chỉ có thế, mục tiêu cốt lõi là tạo ưu đãi “tam nông” để ổn định chính trị xã hội.

Bên cạnh những chính sách khuyến khích và hỗ trợ người nông dân nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường thế giới thì vấn đề liên quan đến “tính mềm” như đào tạo kỹ thuật, nâng cao nhận thức người nông dân được coi trọng hướng đến. Vì vậy, mặc dù bình quân diện tích đất canh tác nông nghiệp Thái Lan gấp 4 lần Việt Nam nhưng nhờ những hướng đi đúng đắn trong đào tạo nguồn nhân lực nên những vùng đất hoang, địa hình đồi núi dốc và cả những vùng khô cằn không chỉ dành cho cây ngô, lúa nương mà nhiều loại lúa cao sản đã được triển khai và cho năng suất cao.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng quá trình phát triển của hệ thống nông nghiệp nói chung và hệ thống cây trồng nói riêng là sự phát triển đồng ruộng đi từ đất cao đến đất thấp. Điều đó có nghĩa là hệ thống cây trồng đã phát triển trên đất cao trước, sau đó mới đến đất thấp. Đó là quá trình hình thành của sinh thái đồng ruộng (Phan Sỹ Mẫn và Nguyễn Việt Anh, 2001). Nhà khoa học Otak Tanakad đã nêu lên những vấn đề cơ bản về sự hình thành của sinh thái đồng ruộng và từ đó cho rằng yếu tố quyết định của hệ thống nông nghiệp là sự thay đổi về kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Các nhà khoa học Nhật Bản đã hệ thống tiêu chuẩn hiệu quả sử dụng đất đai thông qua hệ thống cây trồng trên đất canh tác: là sự phối hợp giữa các cây trồng và gia súc, các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi. Cường độ lao động, vốn đầu tư, tổ chức sản xuất, sản phẩm làm ra, tính chất hàng hóa của sản phẩm (Vũ Khắc Hòa, 1996).

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc khai thác và sử dụng đất đai là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế xã hội nông thôn toàn diện. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách quản lý và sử dụng đất đai, ổn định chế độ sở hữu, giao đất cho nông dân sử dụng, thiết lập hệ thống trách nhiệm và tính chủ động sáng tạo của nông dân trong sản xuất. Thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn phát triển toàn diện và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp (Vũ Khắc Hòa, 1996).

Vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các nước trên thế giới đã được nghiên cứu từ rất lâu trên cơ sở đánh giá đất. Tuy có sự khác nhau về phương pháp, sắp xếp hệ thống đánh giá và quan điểm đánh giá, song chúng cũng có những quan điểm đồng nhất. Đó là, luôn gắn liền với các mục đích sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nâng cao chất lượng sản phẩm và đề ra các phương pháp bảo vệ đất đai, cũng như bảo vệ môi trường nhằm sử dụng đất đai bền vững.

Một số chính sách tập trung vào hỗ trợ phát triển nông nghiệp quan trọng nhất là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Theo Vũ Thị Phương Thụy (2000), ở Mỹ tổng số tiền trợ cấp là 66,2 tỉ USD, chiếm 28,3% trong thu nhập của nông nghiệp, Canada tương ứng là 5,7 tỉ và 39,1%, Ôxtrâylia 1,7 tỉ và 14,5%, Nhật Bản 42,3 tỉ và 69,8%, cộng đồng châu Âu 67,2 tỉ và 40,1%, Áo là 1,6 tỉ và 69,8%.

Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các nước đã gắn phương thức sử dụng đất truyền thống với phương thức hiện đại và chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Các nước châu Á đã rất chú trọng trong việc đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các công thức luân canh để ngày càng nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác. Một mặt, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, gắn sự phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thành phố tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 31 - 35)