Những nghiên cứu về nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thành phố tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 35 - 40)

Việt Nam

2.2.2.1. Tình hình sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam

Đất sản xuất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, hoặc nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp… Việt Nam là nước có diện tích đứng thứ 4 ở vùng Đông Nam Á, nhưng dân số lại đứng ở vị trí thứ 2 nên bình quân diện tích trên đầu người xếp vào hàng thứ 9 trong khu vực. Theo kết quả thống kê diện tích đất đai 2013 (tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2014), cả nước có tổng diện tích tự nhiên 33.096.731 ha bao gồm đất nông nghiệp 26.822.953 ha chiếm 81,04%, đất phi nông nghiệp 3.796.871 ha chiếm 11,47% và đất chưa sử dụng 2.476.1908 ha chiếm 7,49% diện tích tự nhiên.

Đất nông nghiệp ở nước ta phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ trọng đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, chiếm 67,1% diện tích toàn vùng và vùng đất nông nghiệp. Ít nhất là vùng Duyên hải miền Trung. Đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đất tại các vùng nên độ phì và độ màu mỡ của đất nông nghiệp giữa các vùng cũng khác nhau. Đồng bằng Sông Hồng với Đồng bằng Sông Cửu Long đất đai ở hai vùng này được bồi tụ phù sa thường xuyên nên rất màu mỡ, mỗi năm đất phù sa bồi tụ ở Đồng bằng Sông Cửu Long thêm 80m. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phần lớn là đất bazan.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trên thế giới là 0,52ha, trong khu vực là 0,36ha thì ở Việt Nam là 0,25ha. Sau mỗi hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác.

Quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất, Bộ Tài nguyên Môi trường, bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, đặc biệt năm 2007 giảm 120 nghìn hécta, trong khi mỗi năm số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ vào khoảng 400 ngàn người. Hơn nữa, mức gia tăng dân số ở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh.

Hiện quỹ đất chưa sử dụng có thể tiếp tục khai thác ở nước ta còn không đáng kể. Trong khi đó biến đổi khí hậu có khả năng làm cho diện tích đất có thể sử dụng có nguy cơ bị thu hẹp.

Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai đang bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội như diện tích đất ngày càng thu hẹp, quản lý sử dụng kém hiệu quả, mất đất canh tác….

Vùng miền núi có những vấn đề liên quan tới quá trình thoái hóa đất, ở miền núi, nguyên nhân suy thoái hóa đất có nhiều, song chủ yếu do phương thức canh tác nương rẫy còn thô sơ, lạc hậu của các dân tộc thiểu số, tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên khoáng sản không hợp lý, lạm dụng chất hóa học trong sản xuất, việc triển khai các công trình giao thông, nhà ở… Sự suy thoái môi trường đất kéo theo sự suy thoái các quần thể động, thực vật và chiều hướng giảm diện tích đất nông nghiệp trên đầu người đã tới mức báo động (Lê Hải Đường, 2007).

Theo Nguyễn Đình Bồng (2002), đất nông nghiệp của chúng ta chỉ chiếm 28,38% và gần tương đương với diện tích này là diện tích đất chưa sử dụng. Đây là tỷ lệ cho thấy cần có nhiều biện pháp thiết thực hơn để có thể khai thác được diện tích đất nói trên phục cho các mục đích khác nhau. So với một số nước trên thế giới, nước ta có tỷ lệ đất dùng vào nông nghiệp rất thấp. Là một nước có đa phần dân số làm nghề nông thì bình quân diện tích đất canh tác trên đầu người nông dân rất thấp là một trở ngại to lớn. Để vượt qua, phát triển một nền nông

nghiệp đủ sức cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn dân và có một phần xuất khẩu cần biết cách khai thác hợp lý đất đai, cần triệt để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả cao trên cơ sở phát triển một nền nông nghiệp theo hướng sinh thái.

Đây thực sự là những vấn đề đáng lo ngại và là thách thức lớn với một nước nông nghiệp như nước ta hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa thiếu thận trọng vào bất cứ việc gì cũng đều gây lãng phí và con cháu chúng ta sẽ gánh chịu những hậu quả khó lường.

Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm thoả mãn nhu cầu cho xã hội về sản phẩm nông nghiệp đang trở thành vấn đề cáp bách luôn được các nhà quản lý và sử dụng đất quan tâm.

2.2.2.2. Một số kết quả nghiên cứu liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam

Ngay từ xa xưa trong quá trình sử dụng đất vào mục đích sản xuất, người nông dân đã biết lựa chọn, phân loại đất và đánh giá đất bằng những kinh nghiệm thực tiễn đơn giản. Vào thời kỳ Gia Long (1802), nhà Nguyễn đã phân chia ruộng đất thành “tứ hạng điền, lục hạng thổ” nhằm phục vụ chính sách quản điền và tô thuế). Tuy nhiên công tác nghiên cứu đánh giá đất đai thực sự mới được bắt đầu từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Từ năm 1992, đánh giá đất đai theo phương pháp của FAO đã được nhiều cơ quan đề xuất như: Viện Thổ nhưỡng - Nông hoá, Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Tổng cục quản lý ruộng đất, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội tiến hành nghiên cứu. Kết quả đạt được là đã xây dựng được quy trình phân hạng đất vùng sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường công tác quản lý độ màu mỡ đất và xếp hạng thuế nông nghiệp (Nguyễn Khang và Nguyễn Công Pho 1999). Dựa vào các chỉ tiêu chính là các điều kiện sinh thái và tính chất đất của từng vùng sản xuất nông nghiệp mà đất đai được phân thành 5 đến 7 hạng theo phương pháp xếp điểm.

Bắt đầu từ năm 1990 viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình đánh giá đất đai trên phạm vi toàn quốc, với 9 vùng sinh thái và nhiều vùng chuyên canh theo các dự án đầu tư. Trên bản đồ đánh giá đất toàn quốc đã xác định được 90 loại hình sử dụng đất chính, trong đó có 28 loại hình sử dụng đất được lựa chọn. Vùng Tây Nguyên có các công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Khang và Phạm Dương Ung với công trình nghiên cứu “Kết quả bước đầu đánh giá tài nguyên đất đai ở Việt Nam”; Nguyễn Công Pho

(Nguyễn Công Pho, 1999) với công trình nghiên cứu “Đánh giá đất vùng đồng bằng Sông Hồng”; Nguyễn Khang và Nguyễn Văn Tân với công trình nghiên cứu “Đánh giá đất vùng dự án đa mục tiêu IASOUP”; Nguyễn Chiến Thắng và Cấn Triển với công trình nghiên cứu “Đánh giá đất tỉnh Bình Định”.

Các đề tài nghiên cứu trong chương trình khuyến nông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã tiến hành nghiên cứu hệ thống cây trồng trên các vùng sinh thái khác nhau như vùng núi và trung du phía Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng... nhằm đánh giá hiệu quả của các hệ thống cây trồng trên từng vùng đất đó. Trong đó phải kể đến các công trình như: Đánh giá các loại hình sử dụng đất chủ yếu trong nông lâm nghiệp góp phần định hướng sử dụng đất vùng trung tâm miền núi bắc bộ Việt Nam của tác giả Nguyễn Huy Phồn (1996); Đánh giá hiệu quả một số mô hình đa dạng hoá cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng của tác giả Vũ Năng Dũng (1997); Đánh giá đất và hướng sử dụng đất đai bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Sơn - Bắc Ninh của tác giả Đỗ Nguyên Hải (2001).

Tác giả Ðoàn Công Quỳ (2006) đã sử dụng hệ thống chỉ tiêu như: giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, chi phí trung gian, giá trị sản xuất/lao động, giá trị gia tăng/lao động để đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất canh tác ở các xã vùng đồng bằng huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

Theo kết quả nghiên cứu (Phạm Vặn Dự, 2009) đồng bằng Sông Hồng có diện tích xấp xỉ 15.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 855 ngàn hecta, bằng 57% tổng diện tích. Tổng dân số là 17,6 triệu nguời, trong đó 13,4 triệu là dân số nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, trong những năm qua, do các thửa ruộng manh mún, cách làm ăn cá thể, nhỏ lẻ đã đẩy chi phí sản xuất lên rất cao, thậm chí bằng với giá bán. Trung bình mỗi hộ chỉ có 0,2 hecta đất nông nghiệp với từ 3-7 mảnh. Theo kết quả điều tra năm 2006, bình quân thu nhập của nông dân chỉ là 506 nghìn đồng/tháng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quy mô đất đai của các nông hộ hiện nay quá nhỏ và manh mún đã ảnh huởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, không áp dụng được cơ giới hoá đồng bộ, không áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí. Theo (Bộ NN&PTNT, 2009) để khắc phục tình trạng này, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như dồn điển đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất. Mỗi giải pháp đều gặp nhiều khó khan và có mặt trái của nó, như năng suất, điều kiện tự nhiên giữa các đồng đất không đều, đầu ra sản

phẩm không ổn định, hậu quả xã hội khi nông dân mất ruộng,… Nghiên cứu này đề nghị giải pháp xây dựng Tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tự nguyện của các hộ, bỏ bờ thửa, cùng canh tác, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất đã giảm được đến 50% chi phí, được bà con nông dân đồng tình huởng ứng.

Bên cạnh đó, vấn đề luân canh tăng vụ, trồng gối, trồng xen nhằm sử dụng nguồn lực đất đai, khí hậu, để bố trí cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng được nhiều tác giả đề cập.

Nhưng nhìn chung, các công trình nghiên cứu cũng như thực tiễn sản xuất mới chỉ giải quyết được phần nào những vấn đề được đặt ra trong việc sử dụng đất đai hiện nay. Có những mô hình cho năng suất cây trồng cao, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả kinh tế thấp, có mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao trước mắt, song chưa có gì đảm bảo cho việc khai thác lâu dài, ổn định, đặc biệt có nơi còn làm huỷ hoại môi trường, phá huỷ đất.Vì vậy cần có sự nghiên cứu các giải pháp thích hợp hướng tới một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

* Nghiên cứu quản lý sử dụng đất vùng đồi núi

Đất đồi núi việt nam là hợp phần quan trọng của quĩ đất, chiếm 3/4 lãnh thổ toàn quốc, tập trung ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong số 12,087 triệu ha đất chưa sử dụng thì đất đồi núi là 8,548 triệu ha, chiếm 70,72%. Như vậy tiềm năng đất dốc còn khá phong phú (Nguyễn Tử Siêm, 1999).

Diện tích đất dốc nước ta khá lớn trong khi diện tích rừng của nước ta ngày càng thu hẹp do đó độ che phủ đất giảm dần. Lượng mưa cao, cường độ mưa lớn và tập trung, cộng với lối canh tác không có biện pháp bảo vệ đất của người dân làm cho đất dốc của nước ta ngày càng suy thoái mạnh mẽ. Vì vậy vấn đề sử dụng hợp lý hiệu quả đất dốc được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

Vào những năm 60 các nghiên cứu về đất dốc có xu hướng hướng tập trung vào các vấn đề xói mòn. Năm 1962 Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Quý Khải, Cao Văn Minh xây dựng các thí nghiệm chống xói mòn ở Cầu Hai Phú Thọ. Năm 1965 Bùi Quang Toản xây dựng mô hình chống xói mòn tại Tây Bắc. Năm 1971 Hà Học Ngô nghiên cứu về ảnh hưởng của biện pháp cắt dòng chảy và cây trồng phủ đất. Năm1978 Vũ Ngọc Tuyên đã nghiên cứu biện pháp xây dựng đồi nương và canh tác trên đất dốc. Năm 1980 Vũ Thành đã thử nghiệm đối với biện pháp tủ cỏ vào đất trồng dứa ở Hoà Vang trên đất dốc 100 - 150, kết quả cho thấy độ ẩm tăng 1 - 3 %, độ xốp tăng từ 2- 3 % và giảm xói mòn 45 - 50 % so với

không tủ. Từ đó đến nay các nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc sử dụng hợp lý đất dốc ngày một nhiều và mang lại những hiệu quả đáng kể.

Nguyễn Văn Toàn (2010) khi nghiên cứu đánh giá đất gò đồi vùng Đông Bắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, đề tài cấp nhà nước cho rằng “tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp của vùng gò đồi thuộc 6 tỉnh vùng Đông Bắc tối đa có 984.805 ha, trong đó đất lúa có 70.676 ha; lúa màu có 55.723 ha; chuyên màu có 85.607 ha; đồng cỏ phục vụ chăn nuôi có 28.093 ha; cây lâu năm có 113.006 ha, trong đó đất trồng chè 22.643 ha; vải thiều có 38.591 ha; nhãn 317 ha; na 4.062 ha”.

Từ những nghiên cứu nói trên cho thấy tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp là chỉ tiêu rất quan trọng quyết định đến việc hoạch định kế hoạch phát triển nông nghiệp của các cấp lãnh thổ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thành phố tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 35 - 40)