Mặt trận dân tộc thống nhất phải hoạt động trên cơ sở bảo đảm lợ

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đại đoàn kết dân tộc vào xây dựng khôi thống nhất trong mặt trận tổ quốc ở thị xã hồng lĩnh, tỉnh hà tĩnh hiện nay (Trang 49 - 56)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.3.3. Mặt trận dân tộc thống nhất phải hoạt động trên cơ sở bảo đảm lợ

lợi ích tối cao của dân tộc, quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân

Chức năng của Mặt trận dân tộc thống nhất là để thực hiện đại đoàn kết toàn dân, song khối đại đoàn kết đó chỉ có thể thực hiện bền chặt và lâu dài khi có sự thống nhất cao độ về mục tiêu và lợi ích. Ngay từ bài xã luận trên báo Thanh niên số 1, năm 1925, khi nói về chiến lược đại đoàn kết, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, chỉ có thể thực hiện đoàn kết khi có chung một mục đích, một số phận. Nếu không suy nghĩ như nhau, nếu không có chung một mục đích, chung một số phận thì dù có kêu gọi đoàn kết thế nào đi nữa, đoàn kết vẫn không thể có được.

Chính vì vậy, suy đến cùng có đại đoàn kết hay không và đoàn kết đến mức nào, tuỳ thuộc vào việc nhận thức và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích phức tap, chằng chéo giữa:

Cá nhân - tập thể Gia đình - xã hội Bộ phận - toàn thể Giai cấp - dân tộc Quốc gia - quốc tế.

Giữa những cặp quan hệ nói trên luôn chứa đựng những yếu tố thống nhất và mâu thuẫn; các yếu tố đó lại luôn biến đổi theo sự vận động của đời sống thực tiễn. Nguyên tắc đại đoàn kết Hồ Chí Minh là tìm kiếm, trân trọng, phát huy những yếu tố tương đồng, thống nhất để khắc chế, giải quyết các yếu tố khác biệt, mâu thuẫn theo phương châm chỉ đạo: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết và tất cả do con người. Có thể nói "Tư tưởng Hồ Chí Minh cố tìm mẫu số chung của toàn dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt, đặt tiến trình xoáy trôn ốc đi lên của lịch sử trên căn bản quy tụ thay vì loại trừ" [9, tr. 59].

Mục đích chung của Mặt trận dân tộc thống nhất được Hồ Chí Minh xác định cụ thể phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhằm tập hợp tới mức cao nhất lực lượng dân tộc vào khối đại đoàn kết.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc thì “dân tộc là trên hết, Tổ quốc là trên hết”. Khi thời cơ giải phóng dân tộc đang đến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa nóng”. Trên tinh thần đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) họp dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã nhấn mạnh: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp cần đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Do đó, Đảng ta đã tạm gác khẩu hiệu cải cách ruộng đất, chỉ chia ruộng đất của đế quốc, Việt gian, thực hiện giảm tô, giảm tức; vì lúc này “không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh hoàn thành độc lập và thống nhất Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phải tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa củng cố miền Bắc và giải phóng miền Nam, giữa cải thiện đời sống của nhân dân lao động với việc xóa bỏ giai cấp địa chủ và từng bước cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với giai cấp tư sản dân tộc.

Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đó, nhất là sau phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, khối đại đoàn kết toàn dân càng phải được tăng cường, Mặt trận dân tộc thống nhất càng phải được củng cố và mở rộng, thu hút nhân dân vùng mới giải phóng vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo nguyên tắc tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, chủ tịch Hồ Chí

Minh đã nói: “Bất kì ai dù qua khứ của họ thế nào, miễn là ngày nay họ thật lòng ủng hộ công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, thì chùng ta đoàn kết với họ”.

Nhưng trong khi bảo đảm lợi ích tối cao của Tổ quốc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm thích đáng đến lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp trí thức và các nhân sĩ tiến bộ khác. “Đối với các nhà tư bản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu tư liệu sản xuất và của cải khác của họ, mà ra sức hưỡng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh”. Về chính trị, “họ vẫn giữ địa vị một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc”. Trên thực tế, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã tiếp thu chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng và Bác Hồ, góp phần nhất định vào xây dựng kinh tế trong thời kỳ quá độ.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là bình đẳng, dân chủ, tự do. Lợi ích tối cao này là ngọn cờ đoàn kết, là sức mạnh dân tộc, là mẫu số chung để quy tụ các tầng lớp, giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo vào trong Mặt trận và là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Vấn đề còn lại là ở chỗ, phải làm thế nào để tất cả mọi người thuộc bất cứ giai cấp giai tầng nào, lực lượng nào trong Mặt trận cũng phải đặt lợi ích tối cao đó lên trên hết, trước hết. Bởi lẽ, lợi ích tối cao của dân tộc được bảo đảm thì lợi ích cơ bản của mỗi bộ phận, mỗi người mới được thực hiện.

Trên cơ sở xác định lợi ích tối cao của dân tộc, những quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân cũng được Hồ Chí Minh kết tinh vào tiêu chí của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là độc lập, tự do, hạnh phúc. Các tiêu chí này được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong từng lĩnh vực

chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… phù hợp với mọi tầng lớp, từng đối tượng trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Mẫu số chung của khối đại đoàn kết trong Mặt trận, theo Hồ Chí Minh chính là độc lập, tự do. Hạt nhân sáng chói và trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên hành tinh của chúng ta là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Độc lập, tự do là nội dung cơ bản về quyền của các quốc gia dân tộc, của từng thành viên, từng con người trong dân tộc. Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền thiêng liêng của con người không ai có thể xâm phạm được. Song, con người không thể sống riêng lẽ mà phải sống với xã hội, sống trong lòng quốc gia dân tộc. Vì vậy, quyền của con người phải dựa trên cơ sở quyền của cách mạng, quyền của dân tộc. Từ thực tiễn khách quan của các quốc gia dân tộc bị nô dịch trên thế giới, từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống của cha ông ta và tiếp thu sáng tạo tư tưởng nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, đặc biệt là tư tưởng giải phóng dân tộc và giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã phát triển thành quyền của dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyêt đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [16, tr. 9-12]. Đây là một nét sáng tạo độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và triết học nổi tiếng trên thế giới đều thừa nhận cống hiến sáng tạo này của Hồ Chí Minh. Nhà triết học Singo Sibata nước Nhật Bản trong tác phẩm nhan đề “Việt Nam và những vấn đề tư tưởng” xuất bản ở Tokyo năm 1968 đã viết: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát hiện quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và

tất cả mọi dân tộc đều có thể và cần phải thực hiện nền độc lập tự chủ. Sự khẳng định này gắn liền với những cống hiến lý luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa, và có được điều đó là do Cụ Hồ Chí Minh đã nhận thức đầy đủ những đặc thù dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc”.

Không có gì quý hơn độc lập tự do là lẽ sống và là một nội dung cơ bản của tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh... đó là sức mạnh lôi kéo mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc vào chung một Mặt trận. Nó là nguồn gốc ý chí chiến đấu tuyệt vời của Người, của dân tộc, là mục tiêu cấp bách và nóng bỏng nhất của cả dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh nước nhà bị đế quốc thực dân thống trị. Song, đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn luôn gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập không có nghĩa gì” [16, tr. 64]. Chính vì vậy, ngay trong những ngày kháng chiến chiến gian khổ của nhân dân ta, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng, thực hiện khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, chăm lo xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới, từng bước nâng cao quyền tự do dân chủ cho đông đảo nhân dân, cho dân tộc. Người luôn luôn phấn đấu làm cho toàn dân thấy được giá trị của quyền tự do dân chủ và từng bước được hưởng quyền tự do dân chủ trong tiến trình phấn đấu vì độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh suốt đời “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [16, tr. 267].

Không có gì quý hơn độc lập, tự do - tư tưởng cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh vừa có bệ đỡ của quá khứ, phản ánh được khát vọng của hiện tại và soi sáng tương lai của cả dân tộc trên thế giới. Đó chính là chìa khóa vạn năng, điểm hội tụ thắng lợi của chiến lược “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

Độc lập, tự do là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Tư tưởng độc lập tự do hàm chứa một nội dung tổng hòa biện chứng, độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc về ba cuộc cách mạng của thời đại: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Các cuộc cách mạng đó được thể hiện bằng các chiến lược cách mạng cụ thể phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, thích ứng với hoàn cảnh lịch sử, đất nước, xã hội và con người Việt Nam. Không chịu nỗi hoàn cảnh nước mất nhà tan, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Qua một quá trình tìm tòi, khảo sát, Hồ Chí Minh đã xác định trong thời đại mới, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Vì thế năm 1930, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương chiến lược cách mạng của Đảng là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng và đi tới xã hội cộng sản. Song cách mạng Việt Nam trước hết phải làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Vì nếu không giải phóng được dân tộc thì quyền lợi của các giai cấp và vấn đề ruộng đất cho nông dân đến vạn năm cũng không thể giải quyết được.

Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên thành chủ nghĩa dân tộc hiện đại và cách mạng; tiếp nối và phát triển đến đỉnh cao lợi ích chân chính của quốc gia, mục tiêu đại nghĩa của dân tộc, hạnh phúc của toàn dân trong xu thế phát triển khách quan về dân tộc, xã hội và con người của thời đại thành tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh - “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Đó chính là mục tiêu và động lực của Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam trong tiến trình cách mạng, kháng chiến và xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, làm cho Việt Nam thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng và tiến bộ.

Đó cũng chính là động lực và mục tiêu quy tụ dân tộc, thực hiện chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người Việt Nam.

Muốn giải quyết khoa học về mối quan hệ lợi ích trong Mặt trận, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải nhận thức và giải quyết đúng quan hệ cốt lõi: dân tộc - giai cấp.

Trong tư duy của Hồ chí Minh, giai cấp - dân tộc là một thể thống nhất biện chứng. Nói dân tộc là nói cái tổng thể. Không có cái tổng thể chung chung, trừu tượng, chỉ có cái tổng thể tổng hòa các mối quan hệ, liên kết giữa các bộ phận cấu thành dân tộc. Không có bộ phận nào nằm ngoài cái tổng thể, không có giai cấp nào nằm ngoài dân tộc. Như vậy, nhấn mạnh đề cao một mặt dân tộc hay giai cấp đều là siêu hình; nói cái này là chiến lược, cái kia là sách lược là không đúng. Trong tư duy chiến lược Hồ Chí Minh, giai cấp - dân tộc là một cấu trúc hữu cơ, thống nhất, không thể cắt rời.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đại đoàn kết dân tộc vào xây dựng khôi thống nhất trong mặt trận tổ quốc ở thị xã hồng lĩnh, tỉnh hà tĩnh hiện nay (Trang 49 - 56)