6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
3.1.1. Phân tích kết quả mô hình nghiên cứu
Sau khi xây dựng và kiểm định sự phù hợp của mô hình ở chương 2, trong phần này tác giả sẽ phân tích sự ảnh hưởng của các biến kinh tế vĩ mô với chỉ số giá chứng khoán Vn-Index dựa trên kết quả của mô hình:
VNI= -206,23 – 7,24 CPI + 1,87 IIP – 0,95 SIR – 28,39 EX + 7,75 ROIL – 5,48 GP + 𝜺𝒕
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1% làm cho chỉ số VNI giảm 7,24%. Kết quả này là hợp lý tại Việt Nam, vì trong thời kỳ lạm phát thì kỳ vọng về sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai sẽ xấu đi, lạm phát làm giảm lượng tiền thực lưu thông trong nền kinh tế khiến cầu về hàng hóa nói chung và cầu về chứng khoán nói riêng giảm xuống, kéo theo sự giảm sút của chỉ số VNI. Mặt khác, trong thời kỳ lạm phát thì dù các doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi, chia cổ tức cao nhưng mức tỷ suất này vẫn khó bù đắp nỗi sự mất giá do lạm phát, do đó kênh chứng khoán càng trở nên kém hấp dẫn trong tâm lý của các nhà đầu tư, điều đó là chỉ số giá chứng khoán cũng giảm.
Mối tương quan ngược chiều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết kinh tế và tương đồng với kết quả nghiên cứu của của Fama (1981), Khil & Lee (2000) tại Mỹ và mười quốc gia châu Á Thái Bình Dương ở giai đoạn 1990- 1997, Francis và Tewari (2011) nghiên cứu trên thị trường Ghana trong giai đoạn 1998-2007 hay nghiên cứu của Yến & Sơn (2013).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1% dẫn đến chỉ số VNI tăng thêm 1,87%. Khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lên tạo nên một sự kỳ vọng
tăng đầu tư vào chứng khoán và kéo chỉ số giá chứng khoán VNI cũng tăng lên. Tuy nhiên, sự tương quan này không có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 5% nên không phản ánh được chính xác tác động thực sự của nhân tố chỉ số sản xuất công nghiệp đến VNI. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là do giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam chiếm tỷ trọng không đến 50% tổng sản phẩm trong nước (GDP) nên chỉ số này không mang tính đại diện cao cho GDP. Bên cạnh đó, tỷ trọng sản xuất công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội cũng thay đổi theo từng năm và có xu tăng dần từ năm 2005 đến nay. Do đó, việc sử dụng chỉ số này thay cho GDP còn tồn tại nhiều bất cập.
Kết quả này trùng hợp với một vài nghiên cứu trước đây, chỉ số sản xuất công nghiệp có tác động dương lên chỉ số VN-Index như: Fama (1981, 1990); Schwert (1990); Chen, Roll & Ross (1986); Levine & Zervos (1996); Khan & Senhadji (2000); Adjasi & Biekpe (2006); Bilson &cộng sự (2001), Humpe & Macmillan (2009), Nguyệt & Thảo (2013).
Lãi suất (SIR) tăng 1% tác động làm giảm chỉ số VNI 0,95%. Trong nền kinh tế Việt Nam, lãi suất tăng cũng là một tín hiệu dễ nhận biết về sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Khi đó chi phí cơ hội sẽ tăng lên nên nhà đầu tư sẽ yêu cầu một mức tỷ suất sinh lợi cao hơn khi đầu tư vào chứng khoán, nếu không dòng vốn của họ sẽ chuyển sang tiền gởi ngân hàng để đảm bảo an toàn, tâm lý này càng khiến cho chỉ số VNI sụt giảm. Tuy nhiên sự tác động này không mạnh mẽ khi 1% tăng lên của lãi suất chỉ làm giảm 0,95% chỉ số VNI, tác động này là yếu nhất so với mức ảnh hưởng của các biến khác đến chỉ số VNI ở độ trễ 12 tháng. Sự tác động ngược chiều này là hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết kinh tế cũng như kết quả nghiên cứu thực nghiệm trước đây như Menike (2006) ở thị trường Sri Lanka, Sohail & Hussain (2011) tại thị trường Pakistan, Mashayekh & cộng sự (2011) trên thị trường chứng khoán Iran, Nguyệt & Thảo (2013) và Yến & Sơn (2013) trên thị trường Việt Nam.
Tỷ giá VNĐ/USD (EX) tăng 1% làm chỉ số VNI giảm 28,39%: khi tỷ giá VNĐ/USD tăng (đồng Việt Nam giảm giá so với USD) sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu ở nước ngoài. Việt Nam là một nước nhập siêu, do đó việc tỷ giá tăng càng gây ra một phản ứng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Những hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài đều tăng giá làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm và vì thế giá của chứng khoán trên thị trường cũng giảm. Hơn nữa, USD là một loại ngoại tệ cơ sở dùng để định giá nhiều sản phẩm hoặc loại tiền tệ khác, nó còn là một cách giữ tiền của dân cư vì họ cho rằng đây là một loại ngoại tệ mạnh. Chính vì những lý do đó, biến động của tỷ giá luôn dẫn đến những phản ứng rất nhạy trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, khi tỷ giá tăng lên (đồng VND mất giá) sẽ gây những tác động tâm lý không tốt cho nhà đầu tư, họ xem đó là những tin hiệu của sự bất ổn kinh tế và vì thế sẽ giảm thiểu việc đầu tư vào chứng khoán làm cho chỉ số giá chứng khoán VNI giảm xuống. Hơn nữa, với đặc điểm thị trường chứng khoán còn non yếu ở Việt Nam với rất nhiều hạn chế và rào cản nên vẫn chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài dù đã có nhiều nỗ lực của Chính Phủ trong việc thực hiện các chính sách ổn định tỷ giá tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Vì thế tác động của tỷ giá đến chỉ số VNI vẫn là sự tác động ngược chiều. Trong giai đoạn đang xét, có thể nói tỷ giá là một nhân tố tác động mạnh mẽ nhất đến chỉ số giá chứng khoán.
Và kết quả này cũng được tìm thấy ở nghiên cứu của Bilson, Braisford & Hooper (2001) tại các thị trường mới nổi.
Giá dầu bán lẻ (ROIL) tăng 1% làm chỉ số VNI tăng 7,75%: theo lý thuyết, mối tương quan giữa giá dầu với chỉ số VN-Index có thể dương hoặc âm. Mối tương quan đó là dương nếu quốc gia đó là quốc gia xuất khẩu dầu, ngược lại ở một quốc gia nhập khẩu dầu thì mối tương quan này là âm. Việt Nam không phải là một quốc gia xuất khẩu dầu nhưng lại thể hiện tương quan
dương giữa giá dầu với chỉ số VN-Index. Điều này có thể được lý giải là do giá xăng dầu trên thị trường Việt Nam đã chịu nhiều sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước, nên các tín hiệu phát ra từ nhân tố này đã bị bóp méo.
Kết quả này trái ngược với kết quả của Chen, Roll và Ross (1986) ở thị trường Mỹ nhưng lại tương đồng với kết quả của Gan, Lee, Yong và Zhang (2006) trên thị trường New Zeland.
Chỉ số giá vàng (GP) tăng 1% tác động làm chỉ số VNI giảm 5,48%. Trong những năm gần đây, vàng đã trở thành một kênh đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là đối với các tầng lớp dân cư trong xã hội có nguồn vốn nhàn rỗi. Trong giai đoạn 2011-2013, vàng liên tục lập các mốc kỷ lục về giá đã tạo ra không ít cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư. Sự tăng lên của giá vàng đã hút dòng tiền đầu tư vào nó một cách mạnh mẽ, do đó giảm lượng đầu tư vào chứng khoán, kéo giá chứng khoán tụt xuống.
Mối tương quan này giống với kết quả nghiên cứu của Pooja Singh (2014), Bhunia & Mukhuti (2013), Yahyazadehfar & Babaie (2012) và Bhunia (2013) trên thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Kết luận rút ra từ mô hình
Mô hình trên thể hiện sự ảnh hưởng của các biến kinh tế vĩ mô đến chỉ số VNI trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thường không có sự cân bằng. Với kĩ thuật điều chỉnh sai số từ mô hình VECM, một phần sự không cân bằng của một thời kỳ trong ngắn hạn sẽ được điều chỉnh trong thời kỳ tiếp theo. Như vậy, quá trình điều chỉnh sai số là một cách thức hòa hợp giữa hành vi trong dài hạn và ngắn hạn.
Mô hình VECM thu được có hệ số điều chỉnh sai số là -0,58. Giá trị nhận được mang dấu âm, nhỏ hơn 1 và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1%. Giá trị âm của hệ số này đảm bảo mối quan hệ đồng liên kết đã tìm ra ở phần trước và các mất cân bằng trong ngắn hạn của kỳ trước sẽ được điều chỉnh ở kỳ hiện
tại. Hệ số điều chỉnh nhận được từ mô hình nhỏ hơn 1 và có giá trị tuyệt đối là 0,58; điều này nghĩa là nếu có sự mất cân bằng trong kỳ này thì trong kỳ tiếp theo trung bình 58% sự mất cân bằng đó sẽ được điều chỉnh.
Để phân tích sâu hơn mối tương quan giữa các biến nghiên cứu, từ mô hình thu được ta tiến hành phân tích hàm phản ứng đẩy (Impulse Response Function, IRF) và ước lượng phân rã phương sai (Forecast Erorr Variance Decomposition, FEVD).