6. Tổng quan tài liệu
1.1. ĐỊNH NGHĨA NHÂN CÁCH, CÁC LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU VỀ
1.1.5. Mô hình 5 nhân tố FFM
a. Lịch sử hình thành
Cách tiếp cận nhân cách theo mô hình 5 nhân tố FFM là cách tiếp cận thuộc thuyết nét nhân cách. Sự ra đời của mô hình 5 nhân tố FFM được bắt đầu từ ba lĩnh vực. Lĩnh vực thứ nhất là từ việc tìm kiếm trong ngôn ngữ tự nhiên những từ vựng để mô tả nhân cách, các nhà tâm lý học nhân cách đã tiến hành phân tích yếu tố để tìm ra điểm chung nhất giữa một loạt các đặc điểm, hay là những loại đặc điểm có xu hướng đi cùng nhau tập trung dưới một yếu tố. Lĩnh vực thứ hai là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa các test về đặc điểm nhân cách với các test khác. Và lĩnh vực tiếp theo là phân tích những đóng góp của di truyền đối với nhân cách.
Người có công đầu trong việc tìm kiếm và phân loại từ vựng trong ngôn ngữ tự nhiên là Allport và Odbert. Năm 1936, hai ông đã liệt kê được gần 18000 danh mục từ để mô tả nhân cách trong từ điển ngôn ngữ tiếng Anh và chia các từ thành 4 cột. Cột thứ nhất chứa những từ mô tả đặc điểm cá nhân. Cột thứ hai bao gồm những phạm trù mô tả tâm trạng, cảm xúc, hoạt động. Cột thứ ba là những thuật ngữ đánh giá xã hội của những sản phẩm cá nhân hoặc những ảnh hưởng đến người khác và cột cuối cùng là những từ liên quan đến thể lực, tài năng và khả năng, năng lực.
Năm 1943, Cattell sử dụng danh mục từ của Allport và Odbert để làm điểm xuất phát cho mẫu hình cấu trúc nhân cách đa yếu tố của mình. Ông rút gọn danh sách xuống còn 171 cụm (1946) và sau đó còn 35 biến số về đặc điểm với 4500 đặc điểm. Và đây là danh mục cuối cùng để ông phân tích nhân tố. Kết quả xuất hiện 12 nhân tố cơ bản của nhân cách. Năm 1974, ông kết luận rằng, các nhân tố cơ bản này là những chiều đo quan trọng nhất của nhân cách. Việc phân tích thuật ngữ đặc điểm được tiến hành tiếp tục bằng bản hỏi cá nhân về đặc điểm nhân cách. Những người tham gia tự đánh giá mình và
những người khác qua những đặc điểm này. Từ năm 1961, Types và Christal phát hiện 5 nhân tố từ bộ biến số của Cattell. Trong một phân tích khác, khi phân tích nhân tố kết quả thu được với mục đích xem những đặc điểm nào đi cùng nhau trong các bản tự đánh giá cá nhân, Norman (1963) đã tìm thấy 5 nhân tố nổi bật của nhân cách. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu khác nhau, tiến hành khảo sát lại những nguồn dữ liệu khác nhau, cũng phát hiện ra 5 nhân tố lớn của nhân cách (John, 1990). Người ta cũng tìm thấy độ tin cậy và độ giá trị của 5 nhân tố và các nhân tố này khá ổn định ở lứa tuổi trưởng thành (McCrae và Costa, 1994).
b. Nội dung
Tên của các thành phần trong mô hình 5 nhân tố FFM được mỗi tác giả đặt một cách khác nhau, nhưng chúng có cùng điểm mô tả nhân cách chung. Tên của 5 nhân tố được nhiều người tán thành nhất là theo đề nghị của McCrae và Costa (1985) gồm: Cởi mở13 (Openness), Có ý chí phấn đấu14 (Conscientiousness), Hướng ngoại15 (Extraversion), Dễ chấp nhận16 (Agreeableness), Nhiễu tâm17 (Neuroticism). Để cho dễ nhớ người ta ghép tên viết tắt của 5 yếu tố lấy các chữ cái đầu theo tiếng Anh là OCEAN.
Các nhân tố trong mô hình 5 nhân tố FFM được mô tả như sau:
Cởi mở - Openness: Mặt tính cách thể hiện xu hướng tìm kiếm và tận hưởng những trải nghiệm và ý tưởng mới. Những người có điểm “O” thấp thường sống thực tế, đơn giản, có khá ít sở thích. Trong khi đó, những người có điểm “O” cao thường là kiểu người sáng tạo, hóm hỉnh, muốn tìm hiểu những điều mới mẻ, và có sở thích đa dạng.
Có ý chí phấn đấu - Conscientiousness: Mặt tính cách thể hiện tính kỉ luật và sự quyết tâm đạt được kết quả. Những người có điểm “C” thấp thường sống bất quy tắc, hành động theo quán tính; và khó để người khác trông cậy vào họ. Trong khi đó, những người có điểm “C” cao thường là những người sống quy tắc cẩn thận và có trách nhiệm.
Hướng ngoại - Extraversion: Tính cách thể hiện xu hướng tìm kiếm sự kích thích và nhiều mối quan hệ xã hội. Những người có điểm “E” thấp thường là những người nhút nhát, khá kín đáo và cẩn trọng; trong khi những người có điểm “E” cao thường là nói nhiều, thân thiện, và năng động.
Dễ chấp nhận - Agreeableness: Tính cách thể hiện xu hướng động lòng trắc ẩn trước người khác. Những người có điểm “A” thấp thường là những người khá hoài nghi, khó chịu, và không sẵn sàng hợp tác; trong khi những người có điểm “A” cao thường là những người tốt bụng, dễ tin tưởng và giúp đỡ người khác.
Nhiễu tâm - Neuroticism: Mặt tính cách thể hiện xu hướng trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Những người có điểm “N” thấp là những người điềm đạm, bình tĩnh; trong khi những người có điểm “N” cao là những người hay nhạy cảm, lo lắng, và đôi khi trở nên hoang tưởng sinh lý.
c. Thang đo
Cho đến nay có rất nhiều thang đo khác nhau được sử dụng để đo lường Big-five. Tuy nhiên, có 3 thang đo mà nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu nhất là: Thang đo 100-item TDA (viết tắt 100 unipolar Trait Desciptive Adjectives) gồm 100 tính từ mô tả đặc điểm nhân cách, được rút ra từ thang phân loại đồ sộ ban đầu của Goldberg (1992); Thang đo NEO FFI (viết tắt của NEO Five Factor Inventory) gồm 60-item được Costa và McCrae phát triển vào năm 1992. Cũng cần nói thêm rằng, năm 1992 Costa và McCrae cũng đã xây dựng thang đo NEO Personality Inventory Revised gồm 240-item. Tuy
nhiên, do yêu cầu của việc ứng dụng trong nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau, các tác giả này đã phát triển thành thang đo NEO FFI 60-item; Thang đo BFI (viết tắt của Big Five Inventory) được xây dựng John, Donahue & Kentle (1991) cũng xuất phát từ nhu cầu cần một thang đo ngắn gọn để đo lường Big- five. Thang đo này gồm 44-item.
Năm 1999, John và Srivastava đã tiến hành so sánh 3 loại thang đo trên mẫu gồm 462 sinh viên của đại học California, Berkeley, Mỹ và kết quả cho thấy các thang đo này là rất giá trị. Qua kết quả nghiên cứu của mình, John và Srivastava đề xuất rằng: việc sử dụng 3 loại thang đo trên cũng thể hiện được sự hiệu quả và dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu thời gian nghiên cứu không bị giới hạn, những người tham gia có sự hiểu biết tốt và các câu hỏi nghiên cứu cần thiết cho việc đánh giá nhiều tiểu thang đo của Big-five thì thang đo 240-item NEO PI-R sẽ hữu ích nhất.