6. Tổng quan tài liệu
1.2. MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK
Facebook là mạng xã hội cho phép người sử dụng dễ dàng kết nối và chia sẻ với gia đình cũng như bạn bè của họ trên mạng internet. Ban đầu, nó được tạo ra nhằm giúp các sinh viên Harvard thiết lập cũng như duy trì các mối quan hệ với nhau nhưng sau đó mạng xã hội này đã lan truyền ra phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, trên thế giới Facebook đang là mạng xã hội phổ biến nhất với khoảng 1.55 tỷ người sử dụng (Facebook, 2015). Khi tham gia vào mạng xã hội này, người dùng có thể sử dụng nhiều tính năng khác nhau như: kết bạn, trò chuyện, đăng ảnh, tham gia vào các nhóm, nút Like ...
Các nghiên cứu có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook đều tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tần suất sử dụng (Ross và cộng sự, 2009; Moore và cộng sự, 2012), thái độ sử dụng (Ross và cộng sự, 2009; Jenkins-Guarnieri và cộng sự, 2013), thời gian sử dụng (Ross và cộng
sự, 2009; Ryan và Xenos, 2011; Kuo và Tang, 2014), số nhóm tham gia (Ross và cộng sự, 2009; Amichai và Vinitzky, 2010), số lượng tính năng sử dụng (Ross và cộng sự, 2009; Amichai và Vinitzky, 2010), việc đăng tải thông tin cá nhân (Ross và cộng sự, 2009; Amichai và Vinitzky, 2010), sự ưa thích sử dụng tính năng Tường (Ross và cộng sự, 2009; Johson, 2016), sở thích đăng ảnh (Ross và cộng sự, 2009; Amichai và Vinitzky, 2010), số lượng bạn bè (Amichai và Vinitzky, 2010; Moore và cộng sự, 2012; Jenkins-Guarnieri và cộng sự, 2013; Kuo và Tang, 2014; Lonnqvist và GroBe Deters, 2016), tần suất chơi game (Amichai và Vinitzky, 2010), tần suất đăng tin nhắn công khai (Muscanell và Guadagno, 2012; Eunsun và cộng sự, 2014), tần suất đăng ảnh (Muscanell và Guadagno, 2012; Eunsun và cộng sự, 2014), tần suất gửi tin nhắn riêng tư (Muscanell và Guadagno, 2012), tần suất gửi yêu cầu kết bạn (Muscanell và Guadagno, 2012), mục đích cập nhật thông tin, mục đích giao tiếp xã hội (Hughes và cộng sự (2012), chủ động giao tiếp xã hội, ràng buộc bị động, thông tin và tin tức, thời gian tương tác xã hội (Ryan và Xenos, 2011), số lượng ảnh đăng (Moore và cộng sự, 2012; Kuo và Tang, 2014), số lượng bài đăng có nội dung về chính người đăng, số lượng bài đăng có nội dung về người khác (Moore và cộng sự, 2012), sở thích bấm nút Like, tần suất bình luận, tần suất bấm nút Share (Eunsun và cộng sự, 2014).
Tuy nhiên, do hạn chế về mặt thời gian, nghiên cứu này chỉ nghiên cứu 5 vấn đề của việc sử dụng Facebook, bao gồm: số lượng bạn bè, số lượng nhóm tham gia, tần suất sử dụng, thời gian sử dụng, mục đích sử dụng để cập nhật thông tin.