Một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đầu tư công tại tp HCM (Trang 108 - 111)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

đƣợc ƣu tiên đầu tƣ trong thời gian tới

Trong bối cảnh ngân sách chi cho đầu tư phát triển của TP.HCM là rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố này, nhưng số tiền đầu tư ít ỏi đó lại đang bị dàn trải cho quá nhiều dự án khiến cho hiệu quả đầu tư công đã thấp lại càng thấp hơn, thì việc xác định những dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn đề ưu tiên tập trung đầu tư là điều rất cần thiết cho TP.HCM. Dưới đây chúng tôi đề xuất một số dự án mà TP.HCM cần tập trung nguồn lực để đầu tư:

Thứ nhất, ưu tiên cho các dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM

Theo các nhà khoa học, một đô thị được tổ chức tốt sẽ bao gồm ba hình thái cấu trúc sau đây: (i) Khu trung tâm cho các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại; (ii) Những hành lang phát triển dọc theo các tuyến vận tải công cộng như: tàu điện ngầm, xe buýt nhanh và xe điện trên cao; (iii) Những khu nhà phố liền kề hoặc nhà biệt thự với mật độ thấp. Như vậy, yếu tố về hệ thống vận tải công cộng là tiền đề không thể thiếu để tổ chức tốt một đô thị theo hướng phát triển hài hòa và bền vững. Nhìn vào thực tế TP.HCM có thể thấy rõ điều này, hầu hết các dự án mở rộng đường, xây dựng đường mới hoặc xây cầu vượt để giải quyết tình trạng kẹt xe chỉ là các giải pháp tạm thời, chúng chỉ phát huy tác dụng trong thời gian ngắn sau khi hoàn thành, và sau đó tất cả vẫn như cũ, kẹt xe lại tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Tại sao lại như vậy, trong bối cảnh thu nhập của người dân tại TP.HCM gia tăng, nhu cầu thay đổi, sắm mới và sắm thêm phương tiện giao thông cá nhân là điều tất yếu khi không còn hoặc rất khó khăn để lựa chọn phương tiện giao thông khác. Kết quả là khi đường được mở rộng thì lượng xe cá nhân mới được đưa vào lưu thông cũng tăng theo, đặc biệt là xe ô tô. Theo số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM thì trong năm 2016 TP.HCM có khoảng 08 triệu xe gắn máy (chưa kể khoảng 02 triệu xe máy ngoại tỉnh) và hơn 600.000 xe ô tô các loại[39], cũng theo tính toán của Sở này, trung bình hàng năm tỷ lệ tăng lượng xe cá nhân gấp 05 lần so với số diện tích đường tăng thêm[40]. Rõ ràng, nếu TP.HCM chỉ lo chạy theo việc mở rộng đường, xây đường mới, xây cầu vượt thì trong tương lại tình trạng kẹt xe cũng không thể giải quyết được. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết một cách căn bản khi phần

lớn người dân TP.HCM chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Phương tiện giao thông công cộng phổ biến và quan trọng nhất tại TP.HCM là xe buýt, thế nhưng như chúng tôi đã phân tích trong mục 2.3.2 của luận văn, phương tiện này lại đang trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân thành phố, thay vì là phương tiện được ưu tiên lựa chọn của họ.

Một loại phương tiện vận tải công cộng khác hiện nay đang nhận được nhiều kỳ vọng có thể giải quyết kẹt xe cho TP.HCM và có thể cho TP.HCM một diện mạo mới là hệ thống tàu điện ngầm đô thị. Hiện tại, TP.HCM đang triển thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Theo kế hoạch tổng chiều dài của toàn bộ tuyến đường sắt đô thị vào khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD để xây dựng 08 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố và 03 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Hiện có 03 dự án đang được triển khai (gồm Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên; Tuyến số 2 - Giai đoạn 1: Bến Thành - Tham Lương; Tuyến số 5 - Giai đoạn 1: Bảy Hiền - cầu Sài Gòn với tổng mức đầu tư 6,261 tỷ USD); có 12 dự án đang chuẩn bị đầu tư và xúc tiến đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19 tỷ USD. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 03 dự án đang triển khai đã tạm thời có nguồn vốn đầu tư từ các khoản cho vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số ngân hàng nước ngoài, thì tất cả các dự án còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Chúng tôi cho rằng, TP.HCM cần quyết liệt trong việc tìm các giải pháp nhằm huy động vốn cho các dự án này nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, điều này có thể bao gồm cả việc không hoặc hạn chế đầu tư các dự án mới, tạm ngưng các dự án không cần thiết, tập trung nguồn ngân sách hạn chế hiện nay cho các dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.

Thứ hai, phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Thực tế cho thấy, khu trung tâm TP.HCM hiện nay đang trở nên quá tải một cách nghiêm trọng, cho dù xây dựng thêm nhiều tòa nhà cao tầng thì cũng khó có khả năng giải quyết được những vấn đề đang đặt ra, điều này làm cản trở sự phát triển của TP.HCM trong mục tiêu hướng tới tầm khu vực. Do đó, việc phát triển khu đô thị mới

Thủ Thiêm được kỳ vọng của thể giúp TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu khi cung cấp 05 nhóm dịch vụ sau: (i) Nơi đặt trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu; (ii) Trung tâm dịch vụ tài chính; (iii) Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm; (iv) Trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm; (v) Trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp các dịch vụ cho các công ty toàn cầu như tài chính, hỗ trợ khách hàng, nguồn nhân lực...

Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện Quận 1, với tổng diện tích 657 ha. Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP.HCM, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Thủ Thiêm được quy hoạch là một khu đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên của vùng đất Thủ Thiêm; đồng thời, tạo ra nhiều không gian mở, các tiện ích, công trình công cộng phục vụ cho cuộc sống cư dân và người lao động[41]. Để có thể đạt được các mục tiêu nêu trên đòi hỏi TP.HCM phải nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn lực nhằm phục vụ cho các dự án đầu tư đang triển khai và chuẩn bị triển khai trên địa bàn Thủ Thiêm. Chúng tôi cho rằng nhiều dự án có thể triển khai theo mô hình PPP nhằm tiết kiệm ngân sách cho thành phố, đồng thời huy động được sự đóng góp của khu vực tư nhân.

Theo quy hoạch của TP.HCM, khu đô thị mới Nam TP.HCM được quy hoạch trên diện tích 2.965 ha, gồm một tuyến đường xương sống dài 17,8km, lộ giới 120m và 10 làn xe, bắt đầu từ cửa ngỏ của Khu chế xuất Tân Thuận, xuyên qua quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, dừng lại tại quốc lộ 1 hướng về vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và 21 phân khu chức năng được xây dựng dọc hai bên đường cấu thành một đô thị hiện đại, hỗn hợp đa chức năng gồm: trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp sạch, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí với quy mô dân số khoảng 500.000 người[42]. Do đó, cùng với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM cần tập trung huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư công trên khu đô thị mới này nhằm tạo nên một cực phát triển mạnh mới, kéo dãn dân cư khu trung tâm cho TP.HCM.

Tóm lại, theo quan điểm của chúng tôi trong thời gian tới, TP.HCM cần ưu tiên tập trung đầu tư cho các dự án đầu tư công có ý nghĩa lớn trên địa bàn, thay vì phân tán nguồn vốn đầu tư ít ỏi của mình cho quá nhiều dự án, khiến cho hiệu quả đầu tư công trên địa bàn TP.HCM rất hạn chế như thời gian qua.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về đầu tư công tại tp HCM (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)