Bình Phước là tỉnh miền núi nằm về phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 6.874,62 km2; ranh giới hành chính được xác định: phía Đông giáp với tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây và Tây Bắc giáp với tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài khoảng 240km; tổng dân số tính đến ngày 31/12/2010 là 902.646 người, với mật độ dân số 131 người/km2. Ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Phước được tái lập gồm 05 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé cũ: Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bình Long và Phước Long. Ngày 01/9/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Đồng Xoài. Ngày 20/02/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP thành lập huyện Chơn Thành và Bù Đốp, được tách ra từ hai huyện Bình Long và Lộc Ninh. Ngày 01/5/2003, hai huyện Chơn Thành và Bù Đốp chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh Bình Phước có 08 huyện, thị 94 xã, phường và thị trấn. Ngày 11/8/2009, Chính phủ có Nghị quyết số 35/NĐ-CP về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Chơn Thành, huyện Bình Long, Huyện Phước Long; Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Long, huyện Phước Long để thành lập thị xã Bình Long, thị xã Phước Long; Thành lập các phường trực thuộc thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước”. Sau khi thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ, tỉnh Bình Phước có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, đó là: thị xã Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long và các huyện: Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng với tổng số 111 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Trục giao thông chính của tỉnh Bình
Phước là quốc lộ 13 và 14, là điểm nối quan trọng giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đông Bắc Campuchia; đồng thời Bình Phước được xác định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với những đặc điểm trên Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giao lưu phát triển về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong 5 năm (2011 - 2015) triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã, hội tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã phát triển theo quy hoạch, duy trì tốc độ phát triển cao, đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Địa thế của tỉnh Bình Phước có đường bộ, đường giao thông thuận lợi, đất đai trù phú, có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia tạo cho Bình Phước tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những điều kiện tự nhiên trên đây, chúng ta nhận thấy: Bình Phước là tỉnh nằm ở phía Tây của vùng Đông Nam bộ, một vùng văn hóa đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Bình Phước nằm trên trục giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa Đông Nam bộ với các vùng miền khác. Đây là những cơ sở để phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa ở tỉnh trong thời gian qua.
2.1.2. Điều kiện văn hóa - xã hội
Bình Phước với 41 dân tộc anh em, có nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng văn hóa phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan đẹp là tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa gắn liền với các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa như: du lịch sinh thái; du lịch thắng cảnh, du lịch lịch sử; lễ hội truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau làm nên bức tranh văn hóa tỉnh Bình Phước ngày càng phong phú, đa dạng. Trước hết, là văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, tiêu biểu là người S’tiêng, M’nông, Tà Mun... với các giá trị như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa cư trú, các lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, các bài thuốc dân gian, nghệ thuật dệt vải, rèn sắt.
Phát triển sự nghiệp VH,TT&DL luôn có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp là nhân tố quan trọng để phát triển, đồng thời luôn tập
trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các cấp, để ngày càng đáp ứng hơn cho yêu cầu phát triển sự nghiệp VH,TT&DL của tỉnh.
Bên cạnh những địa điểm mang dấu ấn lịch sử - văn hóa, tỉnh Bình Phước còn có nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo. Tiêu biểu có ẩm thực; lễ hội; các trò chơi dân gian; phong tục tập quán, cách ứng xử; giao tiếp; tôn giáo; văn học - nghệ thuật. Tiêu biểu nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như “lễ hội ăn trâu” của người S’tiêng, lễ mừng lúa mới của người Khmer, lễ hội Miếu Bà (ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long). Bình Phước còn là một trong 21 tỉnh phía Nam có nghệ thuật đờn ca tài tử gồm 11 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên với hàng nghìn thành viên thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh. Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã trở thành một niềm tự hào to lớn đối với người người dân Nam Bộ nói chung, người dân tỉnh Bình Phước nói riêng.
Khách du lịch đến du lịch ở Bình Phước thường rất thích tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật gắn với các hoạt động văn hóa lễ hội, tiếp xúc, trải nghiệm qua hình thức du lịch homestay với cộng đồng người dân tộc để tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống, văn hóa nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Những nét văn hóa đó lại được hòa quyện với du lịch sinh thái có sức cuốn hút du khách tham quan. Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo - một công trình văn hóa quan trọng trong phát triển sản phẩm dịch vụ văn hóa cộng đồng của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước (thuộc huyện Bù Đăng) mới được khánh thành ngày 15/10/2015. Sau hơn 02 năm đưa vào khai thác, khu Bảo tồn văn hóa dân tộc này đã đón hàng nghìn khách khách tham quan.
Với tiềm năng phát triển các loại hình văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước gắn liền với vai trò đưa sản phẩm văn hóa đến với người dân đã giúp sự phát triển của các loại hình dịch vụ văn hóa được nâng lên ngày càng nhiều nhằm thỏa mãn con người cả về vật chất, văn hóa, tinh thần góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để từng bước thu hẹp khoảng
cách cuộc sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và nông thôn, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội. Trong quá trình mở của hội nhập quốc tế bên cạnh, những cơ hội phát triển cũng có những khó khăn, thách thức lớn về nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa. Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, lai căng của văn hóa, lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kkinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa nói chung và dịch vụ văn hóa nói riêng nhằm phát huy tối đa vai trò của dịch vụ văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nhằm hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người được sống trong ấm no, hạnh phúc.
2.2. Nội dung quản lý nhà nước về văn hóa gắn với dịch vụ văn hóa:
Quản lý nhà nước về văn hóa là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn, phong phú trong đó, có gắn với lĩnh vực hoạt động dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, ở trên địa bàn tỉnh Bình Phước tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
2.2.1. Lập kế hoạch
Xây dựng, ban hành Quyết định, Chỉ thị; Kế hoạch dài hạn, 05 (năm) năm và hàng năm; Đề án, Chương trình phát triển văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước, xã hội hoá trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Việc lập kế hoạch xây dựng và phát triển văn hoá trong từng giai đoạn để thực hiện đường lối và định hướng phát triển của Đảng đối với văn hóa, đây là một việc to lớn, giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, góp phần thành công trong việc quản lý văn hóa đạt mục tiêu đề ra.
2.2.2. Thực hiện thể chế, chính sách văn hóa
Tổ chức thực hiện và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Chương trình đã được phê duyệt; hướng dẫn, thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo; chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao; phòng, chống bạo lực trong gia đình. Căn cứ vào
các đạo luật, và các văn bản pháp quy đã ban hành, có 12 lĩnh vực hoạt động văn hóa cần được quản lý như sau: Lĩnh vực báo chí – xuất bản, internet, quảng cáo; Lĩnh vực điện ảnh; Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Lĩnh vực mỹ thuật; Lĩnh vực thư viện, bảo tồn, bảo tàng; Lĩnh vực văn hóa thông tin cơ sở; Lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số; Lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; Lĩnh vực xuất nhập khẩu văn hóa phẩm; Lĩnh vực tổ chức bộ máy quản lý văn hóa; Lĩnh vực đào tạo; Lĩnh vực thanh tra.
2.2.3. Hướng dẫn việc triển khai kế hoạch và các hoạt động văn hóa; tổ chức kiểm tra, giám sát các dịch vụ văn hóa
Hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các phường, xã và nhân dân trên địa bàn thị xã thực hiện phong trào văn hoá, văn nghệ; phong trào luyện tập thể dục, thể thao; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng gia đình văn hoá, làng khu phố, ấp văn hoá, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh; bảo vệ, tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch, môi trường du lịch, khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, các hoạt động dịch vụ văn hoá, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo, điểm vui chơi công cộng trên địa bàn. Quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động các hội và tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục thể thao, du lịch và quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo đối với các chức danh chuyên môn thuộc UBND các phường, xã.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan (Thành lập Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội của tỉnh, trước đây gọi tắt là Đội Kiểm tra liên ngành 814) kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động văn hoá, gia
đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo trên địa bàn; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo theo quy định của pháp luật.
2.2.4. Tham mưu cấp các loại giấy phép kinh doanh về hoạt động văn hóa
Thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép thuộc các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo theo quy định của pháp luật và theo sự phân công, phân cấp của UBND tỉnh như: giấy phép kinh doanh karaoke (doanh nghiệp), thư viện tư nhân, thể dục thể thao. Ngoài ra, còn hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao …các loại hình kinh doanh khác theo Bộ thủ tục hành chính ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch do UBND tỉnh phê duyệt ban hành.
2.2.5. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, và hoạt động của UBND tỉnh. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch, quảng cáo; phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại và hạ tầng thông tin trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.
2.3. Thực trạng phát triển các dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh
2.3.1. Mạng lưới dịch vụ văn hóa
* Dịch vụ karaoke, vũ trường:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai vũ trường hiện đang hoạt động với quy mô trung bình ở tại thị xã Đồng Xoài (vũ trường O.X) và thị xã Phước Long (vũ trường Ngân Hà). Đối với hoạt động nhà hàng karaoke, theo thống kê trong năm 2015 - 2017, toàn tỉnh có 320 cơ sở. Các cơ sở kinh doanh nhà hàng karaoke phát triển tập trung chủ yếu ở các thị xã và thị trấn. Trong đó, thị xã Đồng Xoài và thị xã Phước Long là những địa phương có số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ này nhiều nhất. Sự ra đời và phát triển của các cơ sở vũ trường, nhà hàng karaoke trên địa bàn tỉnh
Bình Phước đã đáp ứng một phần nhu cầu vui chơi, giải trí của một bộ phận nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.
* Dịch vụ quảng cáo:
Trên địa bàn tỉnh hiện có 07 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp gần 500 giấy phép quảng cáo các loại (riêng năm 2015 là 691 giấy phép quảng cáo), trong đó phát triển mạnh nhất là hoạt động quảng cáo ngoài trời, tập trung chủ yếu ở thị xã Đồng Xoài.
Ở tỉnh Bình Phước, vẫn còn nhiều hoạt động quảng cáo vi phạm quy định như: dựng biển quảng cáo trước khi có giấy phép xây dựng; dựng biển quảng cáo tại các điểm che khuất tầm nhìn giao thông hoặc lấn chiếm các biển quảng cáo tuyên truyền nhiệm vụ chính trị làm mất mỹ quan đô thị. Phương tiện quảng cáo chủ yếu là bảng, biển in, bạt khổ lớn, chưa có các loại hình quảng cáo mới hiệu quả như: màn hình điện tử, màn hình LED cỡ lớn, bảng hộp chuyển hình, bảng đèn Neon Sign cỡ lớn và bảng quảng cáo tại mặt tiền nhà, hông tường nhà, ....v,v.
* Dịch vụ thư viện:
Thư viện tỉnh được thành lập năm 1997, tọa lạc tại phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài. Tính đến hết năm 2011, Thư viện có 17 cán bộ, trong đó: 64,7% được đào tạo đúng và gần chuyên ngành Thư viện - Thông tin, 47,1% có trình độ đại học, 11,8% cao đẳng, 35,3% trung cấp và 5,8% dưới trung cấp.