7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Vị trí địa lý của cửa khẩu Mộc Bài
Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ, tọa độ từ 10°57‟08‟‟ đến 11°46‟36‟‟ vĩ độ Bắc và từ 105°48‟43” đến 106°22‟48‟‟ kinh độ Đông. Phía Tây và Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, là tỉnh chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia và là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Xem hình 2.1.
Hình 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh (Nguồn website: www.bandohanhchinh.com)
Tây Ninh giáp ba tỉnh Svay Riêng, Prây Veng và Kampông Chàm của Vương quốc Campuchia có đường biên giới khoảng 240 km, với 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát); 12 cặp cửa khẩu phụ đã được chính quyền của hai địa phương giáp biên thoả thuận ký kết, trong đó 4 cửa khẩu Kà Tum, Tống Lê Chân, Chàng Riệc, Phước Tân đã được Uỷ ban liên hợp về biên giới Việt Nam-Campuchia thống nhất từ năm 2002 trình lên Chính phủ để trở thành các cửa khẩu chính.
Cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Phía Bắc có kênh Đìa Xù theo hướng Đông Tây từ sông Vàm Cỏ Đông tới biên giới. Phía Đông có sông Vàm Cỏ Đông, phía Nam có một số kênh rạch nhỏ và vùng đất trũng, ngập. Phía Tây là khu cửa khẩu Campuchia. Phía Bắc có thị trấn Bến Cầu. So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Theo con đường này, cửa khẩu Mộc Bài chỉ cách TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam 70 km và Thủ đô PhnomPenh của Vương quốc Campuchia 170 km.