Đặc điểm của vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh vĩnh phúc hiện nay (Trang 26 - 29)

Thứ nhất, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình luôn là hành vi được xác định của con người.

Cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình trước hết phải là hành vi cụ thể của con người. Suy nghĩ của con người dù xấu như thế nào chăng nữa, nếu không được biểu hiện ra ngoài thành hành động cụ thể thì không bị coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ những hành vi được thể hiện bằng hành động cụ thể mới có thể bị quy kết là đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật.

Hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình được biểu hiện dưới hai hình thức là hành động như người chồng đã có hành vi đánh vợ gây thương tích hoặc không hành động như người chồng đã hành hạ người vợ bằng cách trong một thời gian dài thờ ơ, không nói chuyện, không về nhà làm người vợ bị tổn thất nặng về tinh thần.

Như vậy, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình là nó phải biểu hiện ra ngoài bằng hành vi bởi pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình không điều chỉnh những suy nghĩ của con người.

Thứ hai, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi trái pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Tính trái pháp luật thể hiện sự chống đối, làm ngược lại những quy định của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, chủ thể có những hành vi trái với quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hay các quy định trong các văn bản pháp luật khác có quy định về phòng, chống bạo lực gia đình như Hiến pháp 2013, Luật Hình sự 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự

2003, Bộ luật Dân sự 2005... Chẳng hạn, chủ thể có một trong những hành vi quy định tại điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như cưỡng ép quan hệ tình dục; ...[29]. Pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình cấm hành vi trên, mọi người có quyền được bảo vệ về tính mạng, danh dự, nhân phẩm nhưng người chồng đã xâm hại đến quyền đó của người phụ nữ, làm trái lại những gì mà pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình yêu cầu, đặt ra thì đó chính là hành vi trái pháp luật.

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật nhưng là hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ các hành vi liên quan đến lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, trái với các quy định trong hệ thống pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình mà nạn nhân của bạo lực gia đình phải là các thành viên trong gia đình là vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc điểm này giúp ta phân biệt vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình với các loại vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác.

Thứ ba, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình phải là hành vi có lỗi.

Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình phải là hành vi có lỗi. Đây là dấu hiệu không thể thiếu được của bất kỳ loại vi phạm pháp luật nào bởi vì dấu hiệu này xác định thái độ tâm lý của chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật. Lỗi chính là thái độ phủ nhận của chủ thể vi phạm pháp luật trước những yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật. Trong một hoàn cảnh nhất định, chủ thể hoàn toàn có đủ điều kiện để lựa chọn một xử xự khác phù hợp với pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chủ thể đã không lựa chọn mà quyết định một xử sự trái với yêu cầu của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Con người là đối tượng được bảo vệ của pháp luật trước bạo lực gia đình, nhưng các chủ thể đã xâm hại đến quyền được bảo vệ đó hay chủ thể, cơ quan có thẩm quyền đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ quyền đó của con người.

Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Nhưng nếu là hành vi bạo lực gia đình thì lỗi phải là cố ý. Còn các trường hợp khác thì không nhất thiết phải là lỗi cố ý.

Thứ tư, chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình phải có năng lực pháp luật và năng lực trách nhiệm pháp lý đầy đủ.

Điều này đòi hỏi, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải đạt một độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật, có khả năng nhận thức được sự việc và điều khiển được hành vi và tự do ý chí. Hay nói khác đi, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm phải đạt một độ tuổi nhất định, không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, người chồng thường uống rượu say rồi về hành hạ, đánh đập vợ thì vẫn bị coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và phải chịu trách nhiệm pháp lý vì mặc dù lúc đó họ không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng họ đã có lỗi trong việc tự đặt mình vào trong tình trạng say đó.

Trong mỗi trường hợp vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình khác nhau, thì chủ thể gây ra vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình là khác nhau: có trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, ngoài các điều kiện trên còn bắt buộc phải là nam giới (trường hợp bạo lực gia đình đối với phụ nữ). Có trường hợp, chủ thể phải là người có nhiệm vụ, quyền hạn (không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình) như: người có thẩm quyền đã không xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, điều tra viên không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can khi biết chính xác và có đầy đủ căn cứ pháp lý rằng bị can đó đã có hành vi phạm tội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ những phân tích trên ta thấy, khi xem xét hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, phải căn cứ vào cả bốn dấu hiệu kể trên. Các dấu hiệu trên là tiêu chí để ta phân biệt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực

phòng, chống bạo lực gia đình với các dạng vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh vĩnh phúc hiện nay (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)