Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 30)

1.1. Khái quát về chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

1.1.2. Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

1.1.2.1. Khái niệm về chính sách và chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp nước ngoài

Chính sách là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu khoa học và trong thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về thuật ngữ này.

Theo James Anderson “Chính sách là một quá trình hành động có mục

đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề” [18].

Theo Peter Boothroyd “Chính sách là những quyết định, quy định của

Nhà nước (tức là cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương) được cụ thể hóa thành các chương trình, dự án cùng các nguồn lực, vật lực, các thể thức, quy trình hay cơ chế thực thi nhằm tác động vào đối tượng có liên quan, thay đổi trạng thái của đối tượng theo hướng mà Nhà nước mong muốn” [18]. Có

thể thấy cả J.Anderson và P.Bothroyd đều cho rằng chính sách không chỉ là quá trình hành động, quyết định của một chủ thể mà còn là kết quả của nhiều quyết định được ban hành bởi nhiều chủ thể.

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực thi đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực thi trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa…” [36, tr. 475].

Trong xã hội chính sách có thể do nhiều chủ thể khác nhau xây dựng, trong đó thường chia thành hai nhóm: chính sách công và chính sách tư. Chính sách công là chính sách do chủ thể là nhà nước ban hành và giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, thường không hướng đến mục tiêu lợi nhuận mà giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội.

Theo Nguyễn Hữu Hải định nghĩa: “Chính sách công là những hành động ứng xử của Nhà nước với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển” [14, tr. 14]

Như vậy, có thể hiểu chính sách là một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau do nhà nước ban hành, bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết một vấn đề công nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng nhất định.

Để có thể định hướng và quản lý đời sống kinh tế - xã hội thì đòi hỏi phải xây dựng nhiều chính sách khác nhau trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Chính sách thu hút FDI là một chính sách quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Chính sách thu hút FDI được ban hành nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn FDI để tận dụng hết các nguồn lực trong nước như tài nguyên, đất đai, lao động, phục vụ cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô của quốc gia hay địa phương bất kỳ.

Chính sách thu hút FDI có thể hiểu là một hệ thống các quyết định, phương án, giải pháp mà Nhà nước áp dụng, để điều chỉnh các hoạt động thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia hay địa phương trong một thời

kỳ nhất định, nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách thu hút FDI bao gồm một hệ thống các quyết định thích hợp mà Nhà nước áp dụng, để điều chỉnh các hoạt động thu hút và sử dụng FDI vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia trong một thời kỳ nhất định, nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô đã định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó [33]

Như vậy, có thể hiểu chính sách thu hút FDI là tổng thể các mục tiêu, biện

pháp được các cơ quan nhà nước thực thi nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Chính sách thu hút FDI là một bộ phận của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

1.1.2.2. Nội dung của chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

a. Mục tiêu của chính sách

Bất kỳ chính sách nào cũng hướng đến đạt được một số mục tiêu nhất định. Đối với chính sách thu hút vốn FDI là thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia nhận đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm cho người lao động và mở rộng xuất khẩu. Hoạt động thu hút FDI hướng đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, rõ ràng, thông thoáng, bình đẳng và có khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Chính sách thu hút FDI hướng đến tranh thủ các nguồn lực đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Đồng thời, chính sách này cũng hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, chính sách thu hút FDI cũng hướng đến thiết lập mối quan hệ hợp giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để thu hút được đầu tư nước ngoài đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể. Nội dung chính sách thu hút trực tiếp nước ngoài là tổng thể các chương trình, biện pháp mà nhà nước xây dựng nhằm thu hút FDI. Chính sách thu hút FDI có thể kể đến là chính sách về thuế, chính sách về hỗ trợ thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ lao động, chính sách đất đai, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, hoạt động XTĐT trực tiếp nước ngoài.

Để thực thi các nội dung chính sách này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tiến hành thực thi nhằm xúc tiến đầu tư. Có thể nói xúc tiến đầu tư chính là các biện pháp, giải pháp để thực thi chính sách thu hút FDI.

Một là, các biện pháp về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp

Các khuyến khích tài chính như: ưu đãi về tỷ suất thuế mà các doanh nghiệp FDI phải nộp cho ngân sách nhà nước, thời gian miễn thuế kể từ khi doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận. Sau khi chịu thuế này các doanh nghiệp có thể được giảm thuế trong một thời gian nào đó. Ngoài ra, chính sách khuyến khích về thuế còn bao gồm việc thu hẹp đối tượng chịu thuế, cho phép khấu trừ các chi phí hợp lý trong thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép chuyển lỗ, khấu hao nhanh. Các doanh nghiệp thuộc địa bàn đặc biệt như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu vực khó khăn đang được khuyến khích đầu tư được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân,... Các doanh nghiệp FDI được trả lại một phần hoặc toàn bộ thuế lợi tức đã nộp nếu khoản lợi nhuận đó dùng để tái đầu tư. Để thúc đẩy sản xuất, doanh nghiệp FDI được giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị dùng cho dự án xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các ngành đang được khuyến khích phát triển, các dự án nghiên cứu phát triển và đào tạo tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, chính sách tài chính còn thể hiện qua việc cho phép tiếp cận các nguồn lực tài chính như quỹ hỗ trợ phát triển, vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào

tạo và chuyển giao công nghệ.

* Chính sách tiền tệ và vốn liên quan đến đầu tư nước ngoài

Chính sách tiền tệ gồm: quản lý các công cụ điều hành tiền tệ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất và tỷ giá hối đoái của một quốc gia.

Chính sách tỷ giá liên quan đến các giao dịch ngoại hối hay việc đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp FDI hoặc các dự án quan trọng mà nguồn thu chủ yếu từ đồng tiền nội tệ; việc bảo lãnh hoặc đảm bảo chuyển vốn ra nước ngoài; các quy định liên quan đến việc mở tài khoản ngoại tệ và sử dụng ngoại tệ của các doanh nghiệp FDI.

Hai là, Biện pháp về đất đai

Biện pháp này nhằm xác định quyền của các nhà đầu tư nước ngoài trong quan hệ về sở hữu, sử dụng đất đai gồm:

-Thời hạn thuê, giá cả thuê đất. -Miễn giảm tiền thuê đất.

-Vấn đề về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Biện pháp về đất đai còn liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua, bán và sở hữu bất động sản, kinh doanh bất động sản đến đâu như: xây dựng nhà để bán, cho thuê; đầu tư phát triển các khu đô thị, khu vui chơi, giải trí; kinh doanh cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghiệp cao,... Chính sách đất đai đi liền với các chính sách quản lý kinh doanh các bất động sản này.

Ba là, biện pháp hỗ trợ về lao động

Thông thường chính sách lao động thường quy định việc các nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động ở nước sở tại, đặc biệt là lao động ở địa phương đặt trụ sở của doanh nghiệp. Những quy định về việc các đơn vị được phép tuyên dụng lao động, tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp FDI. Chính sách lao động quy định những ngành nghề cần thiết sử dụng lao động nước ngoài.

Bốn là, Biện pháp hỗ trợ về thủ tục hành chính về môi trường đầu tư

Hoạt động FDI liên quan rất nhiều đến thủ tục hành chính. Trong quá trình cấp phép đầu tư cũng như khi dự án đi vào hoạt động thì các nhà đầu tư nước ngoài phải thực thi rất nhiều thủ tục hành chính khác nhau. Đó là các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến các nhà đầu tư như: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư; các quy định về quản lý đối với hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi được cấp giấy phép. Do đó Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực thi các thủ tục hành chính Quy định về thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh các chính sách thường được các nước áp dụng ở trên, tuỳ vào mỗi quốc gia còn có các chính sách hỗ trợ khác nhằm thu hút FDI thông qua các công cụ phi thuế quan liên quan trong xuất nhập khẩu. Các chính sách về ưu đãi phi tài chính như ưu đãi trong sử dụng cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội,…

Thứ năm, Biện pháp xúc tiến đầu tư

Công tác xúc tiến đầu tư được xem là biện pháp hữu hiệu trong thu hút FDI. Chính phủ xác định cần tăng cường XTĐT đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng XTĐT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, coi trọng XTĐT tại chỗ, theo đó, cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xem việc XTĐT tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 30)