7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật về quản lý lao động
nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1.2.3.1. Yếu tố kinh tế
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt nam trở thành thành viên của WTO, hiện nay cùng ASEAN xây dựng một cộng đồng chính trị - kinh tế - xã hội chung thì việc dần dần phải loại bỏ các rào cản, tiến tới mở rộng thị trường lao động là xu hướng không thể tránh khỏi. Vì thế, chúng ta không nên có thái độ cực đoan khi nhìn nhận hiện tượng người lao động nước ngoài. Nếu nước ta có 83.585 lao động nước ngoài đang làm việc (tính đến 31/12/2015) thì hàng năm cũng có bằng ấy người Việt sang nước ngoài làm việc theo thỏa thuận của Chính phủ với các quốc gia. Vì vậy, phải khẳng định rằng, nhu cầu sử dụng LĐNN có trình độ chuyên môn cao hoặc có kỹ năng đặc biệt (ví dụ như các cầu thủ bóng đá) là nhu cầu tự thân của nền kinh tế - xã hội nước ta, hiện nay các tổ chức có yếu tố quốc tế như ngân hành, du lịch, khoa học công nghệ... tại Việt Nam phần lớn vẫn do những người nước ngoài đảm nhận. Như vậy, chính sách đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần đặt trong chiến lược tổng thể phát triển nguồn lực quốc gia. Một mặt, cần có cơ chế khuyến khích, chào đón những nhân sự có đẳng cấp quốc tế gia nhập thị trường lao động Việt Nam. Mặt khác, cần hình thành "một bộ lọc tốt để những lao động phổ thông chất lượng thấp không thể thẩm thấu vào thị trường nội địa". Điều quan trọng hơn nhiều là chúng ta phải tìm cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Làm sao để người lao động Việt Nam không chỉ đứng vững ở thị trường nhân lực trong nước mà còn có thể đứng vững cả trên thị trường nhân lực quốc tế.[9]
* Hội nhập kinh tế và vấn đề lao động di cư đến Việt Nam
Khi là thành viên của WTO, Việt Nam phải mở cửa thị trường lao động, do đó, người lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam là việc. Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc vừa có tác động thúc đẩy phát triển, vừa có tác động tiêu cực. Cụ thể:
Tác động tích cực:
Một là, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Là nước đang phát triển, Việt Nam đứng trước thực tế là thiếu nhân lực có trình độ cao trong một số ngành kinh tế quốc dân. Đặc biệt là nhóm kỹ thuật viên trong một số ngành kinh tế kỹ thuật, và quản trị viên cao cấp ở cấp độ doanh nghiệp cũng như cấp ngành thiếu hụt nghiêm trọng. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO tạo điều kiện cho lao động nước nước ngoài đến Việt Nam làm việc đã góp phần bù đắp thiếu hụt nói trên. Mặt khác, với nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần làm tăng năng suất lao động xã hội và do đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mức độ cao.
Hai là, tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc đưa vốn và công nghệ cao vào Việt Nam, họ có nhu cầu sử dụng lao động với trình độ tương ứng. Là thành viên WTO, nguồn nhân lực trình độ cao từ nước ngoài được tự do đến làm việc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tuyển dụng lao động trình độ cao. Đây cũng chính là việc tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Ba là, tạo môi trường cạnh tranh giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài. Trong điều kiện thị trường lao động mới hình thành và phát triển, lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc sẽ tạo ra nguồn cung lao động
cho thị trường. Chính điều này đã thúc đẩy lao động cạnh tranh trên thị trường góp phần nâng cao chất lượng lao động. Thông qua cạnh tranh, người lao động phải tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ. Kết quả là làm cho chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao.
Bốn là, góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu. Khi người lao động nước ngoài làm việc cùng với lao động Việt Nam, thông qua tiếp xúc hàng ngày, người lao động Việt Nam có thể học tập trực tiếp về ngoại ngữ, phong cách, kỹ thuật, kỹ xảo nhằm tự hoàn thiện và nâng cao trình độ của mình.
Tác động tiêu cực:
Một là, làm giảm thu nhập trung bình trong tổng thu nhập quốc gia. Người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc họ có thu nhập và được chuyển về nước phần thu nhập còn lại. Chính điều này làm giảm thu nhập trung bình trong tổng thu nhập quốc gia.
Hai là, du nhập lối sống và văn hoá ngoại lai không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt, làm sai lệch các chuẩn mực đạo đức, văn hoá truyền thống. Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, họ mang theo văn hoá của dân tộc và đất nước họ. Cùng với những yếu tố văn minh, hiện đại; đồng thời họ cũng mang theo lối sống, văn hoá độc hại không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, di chuyển lao động quốc tế ở Việt Nam vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò của mình, Nhà nước cần phải đưa ra các công cụ pháp lý, các chính sách cụ thể nhằm tận dụng tối đa tác động tích cực, hạn chế tối thiểu tác động ngoài mong muốn.[31]
1.2.3.2. Yếu tố chính trị - hành chính
Có thể nói, đây là mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều đặt vấn đề an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia lên trên hết. Thời gian qua, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam bên cạnh những mặt tích cực cũng xuất hiện nhiều phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự. Chúng ta thấy, vấn đề nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta hoạt động lừa đảo, lợi dụng “chuyển giá” để trốn thuế, thâu tóm các liên doanh Việt Nam đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế Việt Nam; hay vấn đề người Trung Quốc đủ các loại thành phần phức tạp hoạt động tại các dư án, nhiều dự án do Trung Quốc, Đài Loan đầu tư đã lập thành những “đặc khu” gây không ít vấn đề nhức nhối về an ninh, trật tự đặc biệt là tại các địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng. Tất cả các hoạt động đó đều tác động trực tiếp đến an ninh, chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc cả trước mắt cũng như lâu dài. Thông qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ góp phần ngăn chặn, loại bỏ được những tác động tiêu cực đó.
* Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý lao động nước ngoài là một công tác có vai trò tiền đề, là yếu tố tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động của cơ quan quản lý lao động nước ngoài, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài và bản thân người lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trong thời gian qua công tác này đã được triển khai đến các cơ quan có chức năng quản lý lao động nước ngoài, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài và bản thân người lao động tại Việt Nam bằng nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giải thích pháp luật tại các cơ quan có chức năng trợ giúp...Tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao, sự khác biệt
về ngôn ngữ là rào cản rất lớn trong việc thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho lao động nước ngoài tại Việt Nam.
* Công tác phối hợp chỉ đạo thực hiện pháp luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam
Như đã nêu trên, đặc điểm của pháp luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam liên quan tới nhiều ngành, tất cả các địa phương và nhiều quan hệ lao động. Để bảo đảm cho một người lao động nước ngoài vào làm việc tại một nước nên công tác phối hợp chỉ đạo giữa các ngành, các địa phương trong thực hiện pháp luật về lao động nước ngoài được đặt lên hàng đầu, sự phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương sẽ tạo hiệu lực nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về lao động nước ngoài, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tránh chồng chép, đùng đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các địa phương trong các lĩnh vực có liên quan.
* Nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài về chính sách, pháp luật của Việt Nam
Đối với lao động là người nước ngoài việc nhận thức về quyền và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia lao động tại nước sở tại là một yêu cầu quan trọng không chỉ giúp họ hiểu về quyền, nghĩa vụ theo pháp luật quy định để tuân thủ thực hiện mà còn hiểu được những quyền cơ bản để bảo vệ chính mình trong quá trình lao động liên quan đến sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm...Tuy nhiên trong thực tiễn, đối với người nước ngoài làm việc cho các hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (người sử dụng lao động nước ngoài) thì thông thường, quyền và nghĩa vụ của họ sẽ được xác định theo pháp luật của quốc gia mà doanh nghiệp đó hoạt động, nếu hai bên không có thỏa thuận luật áp dụng trong hợp đồng lao động. Đây là những người đã ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp ở nước ngoài, theo luật nước ngoài. Sau đó, họ chỉ đến Việt Nam làm việc theo hình thức di
chuyển nội bộ trong doanh nghiệp. Do đó, các quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam, về nguyên tắc, sẽ không được áp dụng cho những đối tượng lao động này. Đồng thời, trong một số lĩnh vực khác liên quan như bảo hiểm xã hội, công đoàn…thì họ đương nhiên có quyền tham gia bảo hiểm ở nước ngoài và là thành viên của công đoàn ở quốc gia mà doanh nghiệp nước ngoài đó hoạt động, mặc dù họ đang lao động trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngược lại, đối với người nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động Việt Nam thì địa vị pháp lý của họ trong lĩnh vực lao động sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động Việt Nam và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Nói cách khác, trong trường hợp này, các quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất…của Bộ luật Lao động Việt Nam đều sẽ được áp dụng cho người nước ngoài theo chế độ đối xử quốc gia. Tuy nhiên, đối với các quy định liên quan đến công đoàn và bảo hiểm xã hội thì chế độ đối xử quốc gia nêu trên chưa được áp dụng.
* Nhận thức của lãnh đạo và hoạt động của cơ quan xúc tiến tại địa phương
Tư tưởng nhận thức và thái độ của lãnh đạo địa phương cũng là yếu tố tác động mạnh đến thực hiện pháp luật quản lý lao động nước ngoài vào địa phương đó. Nếu lãnh đạo nhận thức được vai trò của lao động nước ngoài thì sẽ quan tâm, chỉ đạo, có những ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi, chủ động trong việc tìm đối tác đầu tư nước ngoài phù hợp để thu hút được lao động nước ngoài vào làm việc, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Đồng thời, thực hiện đúng các quy định và trình tự mang tính pháp lý về quản lý lao động nước ngoài tại địa phương.
1.2.3.3. Yếu tố pháp lý
Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ Luật lao động.[14]
- Lao động là công dân nước ngoài vào Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
1.2.3.4. Yếu tố truyền thống lịch sử, giao lưu, tiếp biến văn hóa, xã hội
Bên cạnh các phương tiện điều chỉnh quan hệ xã hội mang tính quy phạm như pháp luật, đạo đức, tập quán, luật tục; luật lệ tôn giáo… hành vi và các mối quan hệ của con người còn chịu sự điều chỉnh của các phương tiện điều chỉnh không mang tính quy phạm. Đó là các phương tiện như lương tâm, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, tư tưởng, khoa học; công nghệ, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tính cách, khí hậu, thời tiết... chúng có vai trò đặc biệt to lớn trong việc điều chỉnh ý thức, hành vi của con người. Mặc dù văn học nghệ thuật không được thể hiện thành “điều”, “khoản”, không có cái gọi là “chế tài”, song trên thực tế lại có vai trò rất to lớn, có thể dẫn dắt con người theo nhiều cách xử sự, hướng thiện, hướng ác hay trung lập; cùng chiều hoặc ngược chiều với luật pháp và đạo đức xã hội.
Đặc điểm của pháp luật về lao động nước ngoài ở Việt Nam là một quá trình gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ quyền con người và có tính quốc tế sâu
sắc. Mỗi một quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau, khi đến Việt Nam họ mang theo những truyền thống lịch sử tốt đẹp, những nét đẹp văn hóa truyền thống phù hợp với nước ta đáng để người Việt Nam học tập, tiếp thu và tôn trọng.