Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa Quốc hội,
Về kinh tế - xã hội năm 2008 và 2009 Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều báo cáo chuyên đề của các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, đã có 196 lượt ý kiến tại tổ và 92 đại biểu đã phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, xây dựng và toàn diện trong 2 ngày tại Hội trường, đến nay vẫn còn gần 20 đại biểu chưa có điều kiện phát biểu ý kiến vì thời gian. Từ nay đến cuối kỳ họp các vị đại biểu Quốc hội sẽ góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội để đánh giá khái quát năm 2008, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2009 và thông qua nghị quyết về vấn đề trên. Nghị quyết này là quyết định chính thức của Quốc hội, chính vì vậy tôi xin phép Quốc hội có một số ý kiến kết thúc phần thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội năm 2008 và năm 2009.
Thứ nhất, các báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, nêu đậm nét về những trọng tâm trước tình hình mới của năm 2008 và nhiệm vụ của năm 2009.
Thứ hai, qua nghe các báo cáo, các ý kiến thảo luận tại kỳ họp và với tư cách là người công tác ở cơ quan Quốc hội có điều kiện tiếp xúc với nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương và tổ chức quốc tế, tôi xin báo cáo với Quốc hội ngay từ khi có dấu hiệu và phát sinh tình hình mới từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nắm sát tình hình đã họp nhiều lần và đã có những kết luận sát, đúng về tình hình và đưa ra những quan điểm, định hướng cần điều chỉnh bổ sung về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2008. Những vấn đề cần lưu ý phải chuẩn bị cho một số năm tiếp theo trong tình hình lạm phát cao, kinh tế tăng trưởng lại có tính toàn cầu và đang diễn ra ở trong nước.
Chính phủ đã kịp thời đưa ra 8 nhóm giải pháp được coi là không bình thường trong điều kiện kinh tế không bình thường để tổ chức theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong quá trình Chính phủ nghiên cứu đề ra các nhóm giải pháp, nhiều cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội không ngồi chờ mà với kinh nghiệm, trách nhiệm cao đã chủ động tổ chức nghiên cứu dưới nhiều hình thức kịp thời đề xuất với Chính phủ và báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.
Chính phủ cũng sớm có các hoạt động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều đơn vị thành viên của Mặt trận, khẩn trương họp và chỉ đạo kiên quyết các Bộ ngành, các địa phương, các tập đoàn Tổng công ty Nhà nước để vừa tranh thủ sự tham gia hoàn chỉnh các giải pháp và cùng sắn tay góp sức với Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện.
Các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng về tuyên truyền đã nhận rõ trách nhiệm, tính cấp thiết của tình hình, đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền với định hướng đúng. Lực lượng vũ trang và các cơ quan tư pháp hoạt động tích cực, ráo riết, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các tầng lớp nhân dân sau một thời gian ngắn có lo âu đã sớm ổn định dần tư tưởng cùng quyết tâm hành động và chia sẻ, ủng hộ Nhà nước để vượt qua khó khăn trước mắt. Nêu lên những vấn đề trên để trên diễn đàn Quốc hội chúng ta khẳng định cả hệ thống chính trị và toàn dân đều vào cuộc với sự thống
nhất, quyết tâm và trách nhiệm cao trước yêu cầu ổn định và tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước.
Thứ ba, về tình hình năm 2008 cho đến nay kết quả nổi bật mà ý kiến chung của Quốc hội đã khẳng định mấy điểm.
Điểm thứ nhất, tốc độ lạm phát, giá tiêu dùng đã được kìm giữ, càng về tháng sau càng chậm lại trong điều kiện cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ngày càng trầm trọng và kinh tế toàn cầu giảm sút nhanh và rõ rệt.
Điểm thứ hai, kinh tế vĩ mô thể hiện qua các cân đối lớn, cơ bản được kiểm soát một cách chủ động, không biến động lớn.
Điểm thứ ba, bằng nỗ lực của toàn xã hội, từng hộ gia đình, từng người cùng với sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra và áp dụng các biện pháp an sinh xã hội đạt kết quả rõ rệt. Bằng nhiều nguồn đã chi ra hàng chục ngàn tỷ đồng, cấp không thu tiền hàng chục ngàn tấn lương thực v.v.... để hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động lớn của lạm phát, giá cả tăng cao.
Điểm thứ tư, cả nước vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cần thiết, tuy có giảm so với năm 2007 và chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm 2008.
Điểm thứ năm, tâm lý lo âu trong nhân dân, trong xã hội đã được cân bằng lại một cách cơ bản, thông cảm và chia xẻ khó khăn với Đảng và Nhà nước.
Điểm thứ sáu, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, môi trường đầu tư và phát triển trung và dài hạn vẫn có nhiều hứa hẹn.
Điểm thứ bảy, phần kết, tiến bộ trong nhiều báo cáo được đề cập đậm đà, sâu sắc, nếu phần chưa được, thậm chí yếu kém đề cập sâu sắc hơn, toàn diện hơn cả ở tầm vĩ mô và tầm cơ sở thì chắc chẵn sẽ tốt hơn. Nói đầy đủ, sâu sắc những gì làm được, những gì chưa làm được, làm chưa tốt, thậm chí còn yếu kém không nhằm để đổ lỗi và chê bai nhau mà mục đích là rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cũng như cá nhân để góp sức lãnh đạo, điều hành những tháng còn lại của năm 2008 và các năm sau chủ động hơn, đạt kết quả và hiệu quả cao hơn vì sự thịnh vượng của đất nước, vì cải thiện đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Điểm thứ tám, những tháng cuối năm 2008 Quốc hội lưu ý Chính phủ nhiều vấn đề, nhưng tập trung vào một số vấn đề rất bức thiết như tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho sản xuất, trong đó lưu tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cho đúng hướng. Tiếp tục áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn để không làm khó khăn thêm cho đời sống của những đối tượng nghèo, người có thu nhập thấp, giảm khó khăn được càng nhiều thì càng tốt. Xử lý nghiêm những người lợi dụng lúc đất nước khó khăn để trục lợi, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu trong thời gian ngắn lấy lại thế ổn định bình thường để tiếp tục phát triển đi lên, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006- 2010.
Thứ tư, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Một, ý kiến chung của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, nhưng trong lãnh đạo điều hành phải bảo đảm hợp lý giữa kiềm chế lạm phát và tốc độ phát triển kinh tế. Vì trong thực tế nhiều nhân tố kiềm chế lạm phát tác động ngược chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu tăng trưởng kinh tế ở mức quá thấp đồng nghĩa với thu hẹp sản xuất kinh doanh, theo đó rất
khó khăn đến việc làm, thu nhập và đời sống của số đông người lao động và nhân dân. Ngược lại, nếu để lạm phát không giảm thậm chí tăng trở lại thì hệ quả về ổn định vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội cũng rất khó khăn, vì chữa bệnh lần đầu thông thường dễ hơn chữa bệnh khi tái phát trở lại.
Hai về chỉ tiêu kinh tế-xã hội, Quốc hội đồng ý các chỉ tiêu này là những chỉ tiêu mang tính định hướng, nhưng nhiều ý kiến lưu ý tính chính xác, khả thi của dự kiến một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, kể cả trong 3 kịch bản mà Chính phủ đã trình với Quốc hội, chọn 1 con số hay chọn khung tăng trưởng v.v... Về vấn đề này cùng với một số chỉ tiêu khác sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết chung.
Về tốc độ giảm lạm phát chỉ số giá tiêu dùng dự kiến giảm mạnh gần 50% trong khi đề cao nguyên tắc thị trường trong điều hành.
Về chỉ tiêu tạo việc làm mới phải gắn với việc xem xét tình hình để mất việc làm, hạn chế việc làm do sản xuất tăng chậm lại. Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo, về một số chỉ tiêu về môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu v.v... Dù là chỉ tiêu định hướng nhưng gắn liền với nhiều cân đối giá trị, đến quyết tâm của mọi người, đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xác lập điều kiện của năm bản lề để hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 v.v...
Về các nhóm nhiệm vụ giải pháp, ý kiến chung của Quốc hội đồng tình về các vấn dề thuộc các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, các biện pháp này phải được tổ chức đồng bộ, không cứng nhắc, có sự điều chỉnh bổ sung cần thiết về liều lượng, uyển chuyển trong từng thời kỳ để mở gỡ những điểm còn nghẽn tắc, phát sinh trong thực tế. Quốc hội lưu ý nhấn mạnh một số điểm trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, coi trọng làm tốt công tác dự báo nhất là công tác dự báo tình hình thế giới. Trong thời đại ngày nay nước to hay nhỏ, nước giàu hay nghèo trong quá trình phát triển đều tùy thuộc lẫn nhau. Tình hình khủng hoảng tài chính trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường chắc chắn sẽ tác động đến nước ta, Quốc hội lưu ý đến Chính phủ cần tổ chức cập nhật kịp thời tình hình đánh giá sâu sắc mối liên hệ giữa kinh tế nước ta với nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, để xác định rõ sự ràng buộc chính ở đâu, ràng buộc ở những khâu mạnh hay những khâu yếu v.v... mức độ ràng buộc để kịp thời có các giải pháp hạn chế tác động không thuận từ khách quan bên ngoài. Không ít các chuyên gia, nhà khoa học nói nhiều đến yếu kém của dự báo, nước ta có nhiều viện, nhiều trường đại học, nhiều tổ chức nghiên cứu, với đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tương đối đông đảo, về vấn đề này tổ chức, hoạt động và sử dụng các tổ chức này và các đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học như thế nào cần tiếp tục phải có cách thức và việc nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo cho công tác dự báo của chúng ta có chất lượng hơn.
Điểm thứ hai, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của toàn xã hội, chung sức chung lòng đề cao trách nhiệm và kỷ cương, cùng hành động và chia sẻ vượt qua khó khăn tạm thời trước mắt.
Điểm thứ ba, đồng ý cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, dành nhiều cho an sinh xã hội, nhưng do nguồn lực ít phải chọn lựa và tập trung ưu tiên do ngân sách Nhà nước tập trung nhiều hơn cho an sinh xã hội để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế ở mức hợp lý, phải rất coi trọng , huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước phải được đầu tư tập trung hơn vào các dự án công trình bức thiết có hiệu quả.
Điểm thứ tư, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát tham nhũng vốn của Nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành, mọi khâu trong các cơ quan đơn vị, không chỉ dừng trên văn bản giấy tờ là xong mà phải thể hiện trong chương trình việc làm cụ thể, trong tiêu dùng dân cư cũng cần tính toán tiết kiệm dành vốn cho sản xuất kinh doanh.
Điểm thứ năm, chủ động bảo đảm an toàn cả hệ thống tài chính ngân hàng, tăng khả năng thanh khoản và hạn chế nợ xấu trong các tổ chức tín dụng.
Điểm thứ sáu, thực tế cải thiện tình hình nông nghiệp nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Khóa X.
Điểm thứ bảy, áp dụng các biện pháp đồng bộ, đủ sức nặng để ngăn chặn và chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội bức xúc mà trên nhiều diễn đàn của nhiều kỳ họp Quốc hội và đông đảo cử tri nhân dân quan tâm. Đặc biệt là việc thực hiện pháp luật về quan hệ lao động, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, ma túy, bạo lực gia đình, tăng dân số v.v...
Điểm thứ tám, nhân dân quan tâm đặc biệt và cũng lưu ý các cơ quan chức năng và các cá nhân có trọng trách đã nói là phải đi đôi với làm, tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn, gắn liền với kiểm tra, thanh tra. Rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân.
Điểm thứ chín, điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường trong điều kiện có Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta như thế nào cho có hiệu quả cao nhất. Thực tế nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay và thực tế nhiều năm gần đây, đặc biệt năm 2008 cho thấy các nước có chế độ chính trị khác nhau thực hiện kinh tế thị trường phải có sự quản lý của Nhà nước. Thậm chí có thời kỳ, có lúc phải có sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước. Đồng thời không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền kinh doanh, phải xóa độc quyền trong kinh doanh.
Kính thưa Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ và tại hội trường để vừa chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, vừa chuyển đến các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đáng để tổ chức thực hiện.
Được phân công điều hành thảo luận để kết thúc thảo luận tôi xin phép có một số ý kiến nêu trên, thay mặt Đoàn chủ tọa phiên họp tôi trân trọng cảm ơn ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận tại tổ và tại Hội trường. Các ý kiến đã phát biểu hoặc chưa được phát biểu chỉ kịp gửi văn bản đến Đoàn thư ký kỳ họp vì lý do thời gian đều có giá trị pháp lý như nhau. Về một số vấn đề kinh tế - xã hội ý kiến của một số đại biểu Quốc hội còn có sự khác nhau cũng là điều bình thường, đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm cao, tâm huyết, xây dựng và mong mỏi đất nước ta tiếp tục ổn định, đổi mới và phát triển theo đường lối của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Ý chí chung của Quốc hội sẽ được thể hiện khi thông qua Nghị quyết của Quốc hội về đánh giá năm 2008 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các quý khách và các vị đại biểu Quốc hội. Xin