Kính thưa Quốc hội
Tôi xin phát biểu 1 vấn đề đang bức xúc hiện nay đó là vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường mà hiện nay cử tri cử nước, đặc biệt từ sáng nay có ít nhất 5 cử tri đã trực tiếp điện cho chúng tôi đề xuất với Quốc hội làm sao giải quyết vấn đề môi trường.
Về các giải pháp, chủ trương của Chính phủ thì chúng tôi nhất trí. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Chính phủ là thực hiện kiên quyết và đồng bộ các biện pháp trong giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt trọng tâm là khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề phải làm tốt hơn
công tác quản lý xử lý chất rác thải. Tôi xin đề xuất mấy vấn đề sau đây để cùng tham gia giải quyết vấn đề môi trường.
Thứ nhất, chúng ta cần rà soát các văn bản về pháp luật liên quan để tạo sự thống nhất trong xử lý vi phạm môi trường. Theo dõi trong quá trình xử lý vấn đề này, đặc biệt trong những ngày gần đây tôi thấy đây là một vấn đề đặt ra Quốc hội phải xem xét, Chính phủ phải nghiên cứu và các Bộ cũng phải nghiên cứu. Chúng tôi nhận thấy đây là một hành lang pháp lý rất quan trọng để ngăn ngừa xử lý vi phạm và đảm bảo thực hiện được nghiêm túc hay không? Hiện nay tôi thấy ít nhất có 4 nội dung đang vướng giữa các luật trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, tỏ thái độ chưa kiên quyết, rõ ràng chính là vấn đề này. Cho nên tôi đề nghị phải rà soát, chỉnh sửa theo hướng loại bỏ những cái bất hợp lý, những mâu thuẫn và bất khả thi để Nhà nước thống nhất được quản lý, doanh nghiệp dễ thực hiện, nhân dân dễ kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, hết sức chặt chẽ trong phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án, cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dễ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc phê duyệt dự án và cấp phép đầu tư. Tôi cho rằng đây là vấn đề thứ hai hết sức quan trọng, là khâu đầu tiên để ngăn chặn xử lý vấn đề này. Trong thực tiễn vừa qua tôi thấy do việc chúng ta ít quan tâm, ít xử lý cho đến bây giờ chúng ta mới chịu. Đề nghị kiên quyết không phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp không có phương án xử lý ô nhiễm môi trường gắn rõ trách nhiệm xử lý môi trường giữa tổ chức và cá nhân. Tôi thấy việc vừa rồi chúng ta làm không rõ cho nên đùn đẩy trách nhiệm và thiếu trách nhiệm vấn đề này.
Vấn đề thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra giám sát và có biện pháp xử lý thống nhất đồng bộ đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đây là vấn đề thấy nổi cộm trong quá trình giải quyết. Tôi thấy cần phải phát huy vai trò của thanh tra, cảnh sát môi trường và vai trò của nhân dân trong phát hiện xử lý vi phạm môi trường mà ở đây là công tác kiểm tra. Tôi thấy công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên định kỳ chứ không thể nói như sự kiện của Vedan được, mà cái này chúng ta bỏ qua nên đến bây giờ xảy ra rồi chúng ta mới làm, cho nên việc định kỳ để chúng ta ngăn chặn kịp thời, xử lý kịp thời. Đặc biệt ở đây chúng tôi quan tâm là cần có biện pháp đồng bộ của các ngành và thống nhất các ngành của Trung ương và địa phương thống nhất quản lý. Hiện nay, qua sự kiện của Vedan, chúng tôi thấy lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các cấp, các Bộ, ngành của trung ương và các địa phương, từ điều đó tạo ra sự phản cảm trong dư luận của nhân dân, thiếu lòng tin và cho rằng thiếu trách nhiệm của Nhà nước, vấn đề đặt ra là chỗ đó. Tôi không có thời gian, cho nên những vấn đề đặt ra hiện nay, nếu không giải quyết được vấn đề này rất khó. Vì vậy, cần có lộ trình, trường hợp nào phải điều chỉnh ngay, trường hợp nào từng bước khắc phục và cố gắng làm sao không thể từ vấn đề bức xúc, từ vấn đề môi trường trở thành bức xúc về mặt xã hội. Chúng tôi có suy nghĩ nếu chúng ta không làm tốt sau những vấn đề về đất đai thì môi trường sẽ xếp thứ hai trong những vấn đề bức xúc của nhân dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Cho nên từ thái độ kiên quyết như vậy của Chính phủ chúng tôi đồng tình, chúng tôi đề nghị phải đồng bộ các biện pháp cả kinh tế, cả hành chính, cả pháp luật. Đặc biệt thống nhất một cách xử lý chung giữa các Bộ, ngành của Trung ương với của địa phương, tạo ra sự thống nhất để chúng ta giải quyết.
Thứ tư, có lẽ đến lúc chúng ta cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trong tham gia bảo vệ môi trường. Cái này đúng là kiểm điểm lại thời gian vừa qua chúng ta chưa làm tốt, nặng về hình thức, nặng về triển khai, nhưng ít tổ chức thực hiện, nói nhưng không đi đôi với làm. Đây là một cái thấy rằng công tác tuyên truyền thế thôi, quảng cáo thế thôi, nhưng vẫn để đấy, đấy là cái hạn chế của chúng ta. Cho nên đây chính về việc đó là ý thức, nhận thức đầy đủ chúng ta vừa rồi chúng ta làm chưa tốt. Cho nên chúng tôi suy nghĩ với kinh nghiệm của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện tốt Nghị quyết 32 thì tôi nghĩ nên cần phải tổ chức một phong trào rộng rãi cho nhân dân như thực hiện Nghị quyết 32 về giao thông đối với vấn đề môi trường chung cùng với xã hội. Có như vậy chúng ta mới có từng bước giải quyết xử lý và phòng ngừa vấn đề môi trường, nếu như chúng ta không làm kịp thời vấn đề này thì hậu quả của chúng ta tiếp tục sẽ là một cái rất nặng nề trong thời gian tới.
Với những nội dung như vậy, tôi xin phép đóng góp cùng Chính phủ thêm những giải pháp để làm sao chúng ta giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, xin cảm ơn Quốc hội.