Huỳnh Phước Long Trà Vinh

Một phần của tài liệu BAN TONG HOP THAO LUAN TAI HOI TRUONG4 (Trang 26 - 27)

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tôi thấy các báo cáo nêu khá đầy đủ và toàn diện, đặc biệt tôi đánh giá cao những thành tựu cả nước đã đạt được năm 2008 trong đó có những thành tựu trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng như Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Có thể khẳng định lĩnh vực thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng trong năm 2008 mặc dù Báo cáo của Chính phủ chỉ nêu khái quát, nhưng trên thực tế lĩnh vực này đạt được nhiều thành tựu rất đáng được trân trọng. Chỉ cần nghiên cứu qua 2 Báo cáo Giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 và việc tổ chức và hoạt động của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, cũng đủ chứng minh rõ điều đó. Phải nói năm 2008 cùng với các chương trình chính sách đầu tư chung, các chương trình chính sách được thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục phát huy hiệu quả, đã góp phần làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi và tiến bộ rõ nét. Cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng thêm, đời sống của đồng bào được cải thiện; giáo dục vùng dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển; thêm nhiều tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, mặt bằng dân trí trong đồng bào được nâng lên, phong tục tập quán tốt đẹp, được bảo tồn, tín ngưỡng tôn giáo được tôn trọng, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Điều đáng nói nữa là đầu năm 2008 cùng một lúc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định, Quyết định 24, Quyết định 25, Quyết định 26 và Quyết định 27 về việc ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc - Trung bộ và duyên hải Trung bộ, các tỉnh vùng Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc đến năm 2010. Trong các quyết định đó đều có đề cập đến cơ chế chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào rất phấn khởi và hoan nghênh Chính phủ.

Tuy nhiên trong năm 2008 việc thực hiện các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng vẫn còn một số mặt hạn chế, cần phải khắc phục như nhiều đại biểu đã phát biểu. Để khắc phục những mặt hạn chế và cũng để các chương trình chính sách đầu tư hỗ trợ của Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2009. Tôi thấy Chính phủ cũng như các bộ, ngành, các địa phương có liên quan cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn 2 Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã gửi các đại biểu tại kỳ họp này. Đặc biệt là

phần kiến nghị để có chủ trương và giải pháp chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, nhất là tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý. Đồng thời tôi cũng xin đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, kiểm tra rà soát lại việc tổ chức triển khai thực hiện các quyết định đã ban hành có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các chủ trương, chính sách của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống. Bởi hiện nay cũng có tình trạng một số chính sách Chính phủ đã ban hành, nhưng chậm được hướng dẫn và triển khai thực hiện. Nhân đây theo gợi ý của Chủ tọa phiên họp, tôi chỉ xin nêu thêm một số vấn đề bức xúc qua tiếp xúc với bà con cử tri, đồng bào thường xuyên có kiến nghị để trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2009 Chính phủ lưu tâm hơn, cụ thể 3 vấn đề như sau:

Một, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các năm qua nhìn chung phát triển có nhiều tiến bộ, đáng được ghi nhận là ý thức về việc học hành trong đồng bào được nâng lên. Qua các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều học sinh, sinh viên đã qua đào tạo, nhưng chưa tìm được việc làm. Đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo rà soát và có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, có phân công cụ thể cho cơ quan đầu mối lo việc, giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, để tạo cơ hội cho con em đồng bào có việc làm, tăng thu nhập và tránh lãng phí chất sám.

Hai, thời gian qua trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn luôn quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có tác dụng tốt, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cho các vùng, các miền và các đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ mang đầy đủ ý nghĩa, đề nghị Chính phủ thường xuyên kiểm tra tính đồng bộ và kịp thời trong khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành. Tập trung nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn, việc phân bổ vốn, giải ngân vốn, thanh quyết toán vốn, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương.

Ba, hiện nay có nhiều chủ trương chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên việc am hiểu một cách có hệ thống và đầy đủ về các chủ trương chính sách trong cán bộ và nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.

Do đó tôi đề nghị, Chính phủ có chính sách đầu tư hỗ trợ mạnh hơn cho công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách và pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số. Với trách nhiệm của đại biểu, tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BAN TONG HOP THAO LUAN TAI HOI TRUONG4 (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w