Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nộ

Một phần của tài liệu BAN TONG HOP THAO LUAN TAI HOI TRUONG4 (Trang 27 - 29)

Kính thưa Quốc hội.

Theo gợi ý của chủ tọa đoàn, tôi xin phát biểu về 3 vấn đề sau đây. Thứ nhất, về công tác dự báo và chính sách đối với khoa học công nghệ, chúng tôi nhận thấy trong mấy kỳ họp gần đây nhất là kỳ họp này chưa có bao giờ vấn đề dự báo lại được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến thế. Sự thật là năm nay công tác dự báo sai, đã gây tác hại cho ngân sách Nhà nước và gây khốn khó cho nhiều tầng lớp nhân dân. Công tác dự báo có liên quan mật thiết đến các kết quả nghiên cứu khoa học.

Thực tế thời gian qua Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đã đầu tư 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Trung ương Đảng đã có nghị quyết riêng về đội ngũ trí thức. Tuy nhiên công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, ngoài thủ tục giải ngân cho công tác nghiên cứu khoa học còn rườm rà, cần sớm khắc phục triệt để, còn có vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm, xem xét ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học.

Ví dụ điển hình là cách đây 13 năm tác hại của Vedan đã được các nhà khoa học cảnh báo, có hẳn công trình nghiên cứu về đề tài này nhưng các cơ quan quản lý ở các cấp chưa quan tâm mà bỏ qua, để đến hôm nay khi sông Thị Vải đang chết dần, chết mòn thì các cơ quan quản lý nhà nước mới giật mình lên tiếng. Đó là trong lĩnh vực khoa học, tự nhiên.

Trong lĩnh vực khoa học, xã hội thì cũng không khá hơn. Chúng tôi được biết quy chế dân chủ trong hoạt động quản lý khoa học công nghệ đã được chuẩn bị suốt 18 năm qua, đến nay vẫn chưa được ban hành. Theo một đánh giá gần đây cho biết hầu hết các nhà khoa học, xã hội muốn an toàn thì chỉ tập trung nghiên cứu các đề tài mang tính chứng minh, đánh giá thực trạng mà chưa dám nêu ra những quan điểm mới mang tính khoa học. Chính vì vậy cho đến nay nhiều nhà khoa học chưa tìm được hướng đi để thoát khỏi tình trạng trì trệ, làm việc thiếu nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo,

Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dự báo khắc phục những hạn chế này, chúng tôi đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại các kết quả các công trình, các đề tài nghiên cứu khoa học để sớm có biện pháp ứng dụng trong cuộc sống. Đặc biệt chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chấm dứt tình trạng soạn thảo quy chế kéo dài suốt 18 năm qua. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học yên tâm, say mê nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở cho việc xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Vấn đề thứ hai, về một số chỉ tiêu chủ yếu. Trong Báo cáo của Chính phủ có đưa ra vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2009 xuống còn 12%. Việc giảm tỷ lệ này có thể sẽ đẹp về con số, nhưng thực tế khó có cơ sở. Ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tỷ lệ hộ nghèo, thậm chí có nơi đến 40%, 50%, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này còn cao hơn. Chúng ta đều biết tỷ lệ hộ nghèo càng gia tăng sau mỗi đợt bão lũ, sau mỗi đợt dịch bệnh chăn nuôi rất nhiều hộ gia đình trở nên trắng tay, rất cần được quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Đặc biệt do số liệu chỉ tiêu hộ nghèo bị buộc phải giảm, do ý chí chủ quan, không phải căn cứ vào thực tiễn, mang tính chạy theo hình thức nên ở nhiều địa phương nhiều gia đình nghèo thật, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc lại không được đưa vào diện nghèo, không được vay vốn theo quy định của Chính phủ. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét để xác định chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thực chất hơn và có căn cứ khả thi hơn.

Về chỉ tiêu cấp nước hợp vệ sinh cho 79% số hộ nông dân nông thôn, dân số đô thị cấp nước sạch 85%, chúng ta đều biết hiện nay theo Báo cáo của Chính phủ tình hình ô nhiễm nước mặt, nước dưới lòng đất đang là nỗi lo sợ của nhân dân ở các địa phương, nhiều con sông lớn hoặc rất nhiều sông nhỏ gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của bao thế hệ người Việt Nam đang dần dần biến mất hoặc trở nên độc hại, bởi các khu công nghiệp, các nhà máy, các làng nghề như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải. Chưa kể tình trạng chặt

phá rừng, phát nương làm rẫy, khai thác nước ngầm không được quản lý, đất nhiễm mặn v.v... làm cho tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt, một số nơi còn có tình trạng sa mạc hóa. Với tình hình như vậy chỉ tiêu cấp nước hợp vệ sinh cho 79% dân số nông thôn và dân số đô thị cấp nước sạch 85% là không có cơ sở.

Ngay Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân thủ đô, chúng tôi được biết nhất là trong điều kiện Hà Nội mới hiện nay cũng không thể đạt con số 85%. Vậy Chính phủ căn cứ vào đâu để trình Quốc hội con số thiếu căn cứ như vậy. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh lại chỉ tiêu này sát hợp hơn, nếu không chỉ tiêu này sẽ phi thực tế và không thể thực hiện được.

Vấn đề thứ ba, về giải pháp chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đưa ra một trong những biện pháp để thực hiện giải pháp này là làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người đang sử dụng đất và nhà đầu tư. Ủy ban nhân dân các cấp phải quan tâm giải quyết khiếu kiện của nhân dân nhất là đất đai theo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế không để khiếu kiện kéo dài. Chúng ta đều biết những năm qua công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất còn rất nhiều bất cập, từ đó dẫn đến những khiếu kiện tranh chấp rất bức xúc kéo dài, thậm chí gây sức ép đối với cơ quan cấp trên như vừa rồi Tổng thanh tra Chính phủ đã báo cáo. Một trong những nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật nhất là vấn đề đất đai xây dựng, một số nơi thì do chủ đầu tư chưa thanh toán cho các địa phương theo quy định và nhiều trường hợp do các bộ chưa quan tâm cải cách thủ tục để giải ngân. Đây rõ ràng thuộc về trách nhiệm của các Bộ, các cơ quan Trung ương hoặc các tập đoàn, tổng công ty. Ví dụ như dự án thủy điện Sông La chúng tôi đi đến nơi chúng tôi thấy rõ ràng tập đoàn điện lực Việt Nam chưa có thanh toán cụ thể cho địa phương, nên làm cho tiến độ giải ngân ở đó rất là chậm và đời sống bà con mặc dù phải chấp hành chủ trương di dân, tái định cư nhưng thực sự đang rất khó khăn và sống một cuộc sống rất vất vả từng ngày từng giờ. Thế nhưng Chính phủ lại yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp phải quan tâm giải quyết các khiếu kiện công dân, rõ ràng yêu cầu này đối với Ủy ban cấp tỉnh trong điều kiện này rất khó tính khả thi. Chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành cần quan tâm sớm thống nhất, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản không mâu thuẫn nhau và điều đó sẽ tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình. Xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BAN TONG HOP THAO LUAN TAI HOI TRUONG4 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w