Kính thưa Quốc hội,
Trước hết tôi cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và tán thành với nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi chỉ xin phát biểu về lĩnh vực đào tạo nghề. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2007, năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 1.400USD/người/năm, thấp hơn Thái Lan, Trung quốc trên dưới 2 lần, thấp hơn Malayxia 9 lần, thấp hơn Hàn Quốc 23,5 lần, thấp hơn Singapore 34 lần và thấp hơn Nhật Bản là 50 lần. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất lao động thấp là:
Một là do công nghệ sản xuất lạc hậu. Hai là do chất lượng lao động thấp.
Năm 2007 tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam mới đạt khoảng 30,5%, trong khi nhiều lao động qua đào tạo khi tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp lại phải qua đào tạo lại. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp thụ vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Lâu nay trong thu hút vốn FDI Việt Nam không có thế mạnh về vốn, công nghệ, nhưng có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên ưu thế này đang bị mất dần do chất lượng lao động không cao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gần đây ngày càng tăng mạnh, song có điều chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa tăng tương xứng, đây thực sự là một điều đáng lo ngại.
Trong những năm qua chúng ta đã có những chính sách và sự đầu tư nguồn lực đáng kể cho đào tạo nghề và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Tuy nhiên hiện nay lực lượng lao động công nhân kỹ thuật còn chưa đáp ứng đòi hỏi kịp, đối với nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa về đầu tư dạy nghề cụ thể như:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư ngân sách về xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề. Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa về công tác dạy nghề, nhưng cho đến nay có rất ít thành phần kinh tế tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, hoặc nếu có thì chủ yếu đầu tư vào các nghề ở trình độ sơ cấp và các nghề trong lĩnh vực kinh tế, dịch vụ. Điều đó cũng thật dễ hiểu bởi vì đầu tư cho một cơ sở đào tạo nghề rất tốn kém, nhất là đầu tư cho các nghề về kỹ thuật, trong khi mức thu học phí lại rất thấp nó ngược lại hoàn toàn với việc đầu tư cho đào tạo đại học vì chi phí đầu tư thấp hơn, trong khi mức thu học phí lại rất cao so với học phí học nghề mà vẫn thu hút được đông người đến học.
Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa đầu tư ngân sách và có chính sách ưu đãi tín dụng và đất đai cho các cơ sở đào tạo nghề. Một mặt có cơ chế tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhằm tháo gỡ tình trạng trang thiết bị lạc hậu không theo kịp trình độ công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ hai, có chính sách đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, chính sách thu hút giáo viên dạy nghề. Thực trạng hiện nay các cơ sở đào tạo nghề rất khó tuyển được giáo viên dạy giỏi, vì mức thu nhập thấp, người có chuyên môn giỏi thường tìm đến các doanh nghiệp có mức thu nhập cao, như vậy khó mà thu hút được giáo viên giỏi và khó mà đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thứ ba, cần tập trung môi trường lao động lành mạnh nhằm khuyến khích thanh niên đi học nghề, có một thực tế hiện nay tâm lý nhiều thanh niên không muốn đi học nghề mà đa phần chỉ muốn học đại học, nhất là các địa phương miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến ngày nay nhiều cơ sở đào tạo nghề rất khó tuyển sinh. Theo tôi nguyên nhân này do người học lo ngại ra trường không có việc làm, hay việc làm không ổn định thu nhập thấp và bấp bênh. Tôi nghĩ nỗi lo này có cơ sở, bởi vì chúng ta biết doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó sản xuất kinh doanh thường không ổn định và mức thu nhập thấp, trong khi điều kiện ăn ở và sinh hoạt cho công nhân nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp còn rất thiếu thốn.
Ngoài ra tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn phổ biến, điển hình như trốn đóng bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động không đúng quy định, không phân biệt giữa người lao động có
tay nghề với không có tay nghề, cho nên không khuyến khích được người đi học nghề. Để khắc phục tình trạng này tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn, chỉ đạo các bộ ngành chức năng tăng cường công tác quản lý đối với doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật lao động.
Thứ tư, cần có chính sách dạy nghề đặc thù đối với địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê hiện nay tỷ lệ giáo viên dạy nghề là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp 1,43% trên tổng số giáo viên dạy nghề. Đặc biệt tỷ lệ người dân tộc thiểu số học nghề cũng thấp so với tỷ lệ chung so với tỷ lệ dân số. Dân số chiếm 13,8% trong khi tỷ lệ học nghề học nghề học sinh thiểu số đang chiếm 4,2%. Hiện nay chính sách dạy nghề đối với miền núi, dân tộc thiểu số đang bộc lộ những hạn chế và bất cập.
Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy nghề tại Quyết định số 244 ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chung mức phụ cấp là 30%, không phân biệt giữa địa phương là vùng đồng bằng hay miền núi. Chính sách về trợ cấp xã hội cho học sinh học nghề đang áp dụng theo Quyết định số 1121 ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ, quy định mức trợ cấp xã hội là 140.000đ/người/tháng. Mức trợ cấp này đã được áp dụng từ năm 2001 cho đến nay chưa được nâng lên tương ứng với mức tăng lương tối thiểu và tốc độ trượt giá. Chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú tại Quyết định số 267 ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ khi áp dụng tại các địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao đã bộc lộ nghiên cứu bất hợp lý. Đó là trong cùng một cơ sở đào tạo nghề số ít học sinh được cử tuyển từ các trường phổ thông dân tộc nội trú thì được hưởng chế độ rất cao, tức là vẫn được hưởng nguyên chính sách tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hiện nay mức học bổng chính sách là 432.000đ/người/tháng. Trong khi đa số học sinh tuyển từ các nguồn khác cùng là dân tộc thiểu số với hoàn cảnh như nhau lại được hưởng chế độ khác, thấp hơn nhiều .
Một bất cập khác đó là hiện nay nguồn ngân sách chi trả học bổng và chính sách trợ cấp xã hội cho học sinh nằm chung trong nguồn ngân sách đào tạo, trong khi ngân sách cấp rất hạn chế, như vậy sẽ rất khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghề có học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế hiện nay nhiều cơ sở đào tạo không muốn tuyển học sinh dân tộc thiểu số bởi vì không thu được học phí mà phải chi trả trợ cấp xã hội và học bổng chính sách.
Tôi đề nghị Chính phủ cần quy hoạch các trường dạy nghề theo vùng, khu vực, đặc biệt với các địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao học nghề và áp dụng các chính sách cho các trường này tương tự như đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú. Xin hết.