nước đối với công tác thanh niên ở tỉnh Lào Cai
- Đẩy mạnh triển khai các chính sách, pháp luật giáo dục thanh niên.
Tỉnh Lào Cai cần chú trọng thực hiện tốt chính sách đầu tư cho giáo dục đồng bộ, đảm bảo cho quá trình giáo dục toàn diện thanh niên về đức, trí, thể, mỹ; Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống trường lớp đạt chuẩn quốc gia, nhất là mạng lưới trường lớp ở khu vực nông thôn, vùng cao và các xã đặc biệt khó khăn; Tăng cường đầu tư về mọi mặt cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; duy trì và phát triển mô hình học sinh nội trú dân nuôi; xây dựng hệ thống đồng bộ về cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục toàn diện thanh niên.
Thực hiện tốt chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, chính sách luân chuyển giáo viên về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những khu vực khó khăn như các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn..., tỉnh cần có chính sách hỗ trợ chỗ ở cho giáo viên tại chỗ.
- Đảm bảo việc thực hiện các chính sách, pháp luật lao động, việc làm cho thanh niên tỉnh Lào Cai trong bối cảnh hiện nay.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất; vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; ưu tiên thanh niên hộ nghèo, thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên sống ở khu vực nông thôn. Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của
tỉnh. Tỉnh có cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức hoạt động tư vấn về nghề miễn phí cho thanh niên.
Xuất phát từ những bất cập trong cơ cấu lao động xã hội, trong đào tạo nghề, trong phân bổ lao động xã hội, trong kỹ năng thực hành nghề,v.v… trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong những năm trước mắt, các chính sách về lao động và việc làm của Lào Cai nên tập trung ưu tiên, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn.
Trong đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Lào Cai nên có chính sách khuyến khích đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đặt hàng, gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đồng thời quan tâm đào tạo dạy nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên hộ nghèo, thanh niên dân tộc thiểu số; tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng để nâng cao kỹ năng làm việc nhóm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, dịch vụ tư vấn về lao động, việc làm giúp thanh niên định hướng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, tiếp cận thị trường lao động, tìm việc làm phù hợp để giải quyết việc làm cho thanh niên; giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên học sinh thông qua các buổi hướng nghiệp tại các trường THPT, Trung tâm dậy nghề & Giáo dục thường xuyên và các trung tâm giáo dục cộng đồng ; nâng cao năng lực của các tổ chức giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường lao động và việc làm cho thanh niên.
Trong giai đoạn tới tỉnh Lào Cai cần xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai” nhằm hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng thanh niên: Tạo điều kiện để thanh niên hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó, thanh niên thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn, thanh niên vùng sâu, vùng xa được miễn giảm học phí, hỗ trợ về giáo trình học
tập; khuyến khích thanh niên học và phát triển nghề truyền thống tại các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ ở vùng nông thôn; tăng cường vận động và hỗ trợ thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt là thanh niên nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn; phát triển các mô hình thanh niên làm kinh tế, mô hình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho thanh niên ; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan nhà nước.
Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng thanh niên, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; chú trọng công tác tư vấn chọn trường, chọn nghề phù hợp với khả năng của thanh niên và nhu cầu lao động của địa phương.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai quy định tại Quyết định số 97/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh Lào Cai, trong đó bổ sung thêm quy định về mức ưu tiên và định mức hỗ trợ về kinh phí đối với thanh niên được thu hút, đãi ngộ và cử đi đào tạo theo chương trình của Tỉnh cao hơn những đối tượng khác;
Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các trường đại học, cao đẳng lớn trong nước và khu vực liên doanh, liên kết với các trường ở nước ngoài trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ; Các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng đến công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi nhận thức trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đặc biệt chú trọng việc đào tạo nghề cần phù hợp với thực tiễn. Thực hiện đào tạo nghề với 50% ở lĩnh vực nông nghiệp, còn lại đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiêp.
Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cơ chế, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đối với thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy và sau cải tạo, tạo điều kiện để họ hòa nhập vào cộng đồng, sống có ích cho xã hội.
- Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật chăm sóc sức khỏe cho thanh niên tỉnh Lào Cai.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp [19, tr.12], Luật Thanh niên [20, tr.9]. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh - cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về thể dục thể thao cần chỉ đạo các phòng, ban ngành dọc cấp huyện phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp tập luyện thể dục, thể thao; tạo phong trào sôi nổi; hình thành thói quen rèn luyện thân thể hàng ngày cho mọi người.
Tỉnh Lào Cai cần có chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí tổ chức thi đấu thể dục thể thao quần chúng theo địa bàn xã hoặc cụm xã, phường, thị trấn hàng năm, từ đó khơi dậy phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong thanh niên nhằm rèn luyện sức khỏe, thể lực cho thanh niên; đưa nhiệm vụ tổ chức thi đấu thể thao là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại công chức văn hóa – xã hội của cấp xã hàng năm; có chính sách hỗ trợ phát triển thể dục, thể thao tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao; tạo điều kiện cho vận động viên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, lập thành tích xuất sắc trong thi đấu thể thao. Tỉnh Lào Cai cần đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao chủ yếu; các công
trình ở khu vực cụm xã; có chính sách đào tạo nhân lực và bồi dưỡng tài năng thể thao;
Tăng cường giáo dục thể chất, rèn luyện sức khỏe cho học sinh trong nhà trường ở tất cả các cấp học; phát triển thể dục, thể thao trong các trường học; nghiên cứu tổ chức các giải thi đấu thể thao phù hợp với từng độ tuổi ở quy mô nhóm trường, khu vực trong huyện, thành phố.
Trong phòng chống các bệnh xã hội, phòng chống mại dâm cần thực hiện tốt việc quản lý lao động; tổ chức học tập, giáo dục đạo đức, lối sống; tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất và hướng nghiệp; chữa bệnh, phục hồi sức khỏe và tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người bán dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển thể lực, thể chất thanh niên, giáo dục dân số, giáo dục giới tính và sức khỏe cộng đồng,v.v…
- Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình.
Các chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp [19, tr.4] và Luật Hôn nhân và gia đình [22, tr.5]. Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước tình trạng “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”, tỉnh Lào Cai nên có chính sách kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ sinh đẻ đặc biệt ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Lào Cai cần có chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện chiều cao, cân nặng trẻ sơ sinh và thanh thiếu nhi; đầu tư chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên. Quan tâm đến việc kiểm tra xử lý xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số nói chung và trong đồng bào dân tộc Mông tại các huyện vùng cao.
- Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần cho thanh niên tỉnh Lào Cai hiện nay.
Luật Thanh niên quy định: Nhà nước có chính sách phát triển và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của thanh niên; hỗ trợ thanh niên trong hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; tạo điều kiện cho thanh niên giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên. Không được sử dụng các cơ sở hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dành cho thanh niên vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của thanh niên” [20, tr.12]. Ngoài ra, trong Luật di sản văn hóa (2001). Luật báo chí, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thư viện (số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000) cũng ít nhiều đề cập đến quyền và trách nhiệm của thanh niên trong lĩnh vực văn hóa và trách nhiệm của Nhà nước trong việc đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tinh thần của thanh niên.
Tỉnh Lào Cai cần có chính sách đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc, các lễ hội truyền thống, khuyến khích phát triển các loại hình văn học, nghệ thuật dân tộc, trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực,v.v… Phát động được phong trào sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật (văn học, âm nhạc, kịch, múa..) mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc có nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức công dân, nâng cao trình độ thẩm mỹ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí lành mạnh cho thanh - thiếu nhi; hình thành và củng cố lớp công chúng trẻ tích cực đối với hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi cho các Câu lạc bộ thanh niên có cùng sở thích hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Mông, Tày …
Bên cạnh đó, việc giáo dục hình thành lối ứng xử văn hóa và xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên, góp phần hình thành con người thanh niên có văn hóa cũng là yêu cầu cấp bách hiện nay, đòi hỏi tỉnh Lào Cai cũng cần có chính sách, luật pháp điều chỉnh thích hợp.
Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho Nhà văn hóa thôn bản các xã vùng đặc biệt khó khăn nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tạo thêm điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tinh thần cho thanh niên, từ đó thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
- Xuất phát từ đặc thù cơ cấu thanh niên dân tộc thiểu số chiếm đa số của tỉnh Lào Cai, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện chính sách, pháp luật chung của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai cần có những chính sách riêng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
tập trung nâng cao trình độ dân trí, nâng cao thể chất, đời sống tinh thần, vật chất cho thanh niên dân tộc thiểu số; đẩy mạnh khuyến khích và hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu; đảm bảo ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy tính năng động của thanh niên dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần quan tâm có chính sách chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp.
Cùng với việc xây dựng những chính sách riêng của địa phương; UBND tỉnh Lào Cai cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, các chính sách hiện hành để sửa đổi, bổ sung những quy định, chính sách cụ thể đối với thanh niên. Lưu ý một số
quy định đã ban hành thực hiện các chính sách trong các lĩnh vực như: Chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quy định tại Quyết định số 97/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh Lào Cai; Chính sách khuyến khích đối với người có tài năng quy định tại Quyết định số 90/2016/QĐ- UBND, ngày 07/9/2016 của UBND tỉnh; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản quy định tại Quyết định số 143/2016/QĐ- UBND, ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh; thực hiện chính sách hỗ trợ công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình quy định tại quyết định số 133/2016/QĐ- UBND, ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh; chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ quy định tại Quyết định số 88/2016/QĐ- UBND, ngày 06/9/2016 của UBND tỉnh …
Bên cạnh các chính sách nêu trên, tỉnh Lào Cai cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển giáo dục, nhất là xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo,