Về điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh lào cai (Trang 47 - 49)

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Diện tích tự nhiên là 636.076 ha, đứng thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước về diện tích.

Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía Đông và phía Tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra còn rất nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau.

Do địa hình chia cắt nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó độ cao từ 300m – 1.000m chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Dải đất dọc theo sông Hồng và sông Chảy gồm thành phố Lào Cai - Cam Đường - Bảo Thắng - Bảo Yên và phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn, địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng ruộng nước, là địa bàn thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp hoặc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.

Toàn tỉnh có 8 huyện và 1 thành phố với 164 xã, phường, thị trấn, trong đó có 95 xã đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện miền núi nằm trong danh sách địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng

sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020; có 3 huyện hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Đặc điểm về địa hình, đất đai tạo ra nhiều vùng, miền đặc thù với những khó khăn, thuận lợi cũng như tiềm năng, lợi thế khác nhau, đòi hỏi Lào Cai cũng cần có những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội riêng phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh cũng cần phải bám sát những đặc điểm đặc thù riêng đó trong xây dựng chính sách đối với thanh niên. Các huyện vùng cao Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương là nơi đất đai khô cằn, độ dốc lớn, thiếu nước sản xuất, chủ yếu phát triển trồng rừng; vùng thấp gồm thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên là nơi đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, màu mỡ, thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp; các huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà là những vùng có khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh đẹp, thuận lợi phát triển du lịch. Việc xây dựng chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên; xây dựng chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng chính sách chăm lo sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho thanh niên ... phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng, phát huy những ngảnh nghề, thế mạnh của từng vùng; đồng thời khắc phục được những khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, khí hậu.

Với đặc điểm địa bàn rộng, bị chia cắt, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên; việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nguồn nhân lực, vật lực tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát ... phải tính đếm đến những khó khăn, ảnh hưởng nêu trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh lào cai (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)