7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Tình hình phát triển cầu hàng hóa khoa học và công nghệ
Theo Cục Thống kê TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có trên 20.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, sự quan tâm đầu tư vào đổi mới công nghệ được thể hiện rõ nhất ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Xét theo các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, ngành cơ khí, chế biến và điện - điện tử có tỷ trọng đầu tư nhập khẩu máy móc ở mức trên 20%/năm để phục vụ sản xuất; trong khi đó, tỷ lệ đầu tư vào đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhà nước khoảng 16,3%, lớn hơn doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 11,2%; về nhập khẩu thiết bị thì doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 25,3% lớn hơn doanh nghiệp nhà nước. Hiện thành phố cũng có 106 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tham gia chương trình kích cầu của Thành phố nhằm mục tiêu đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, thể dục thể thao.
Ngoài doanh nghiệp, thì Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng là bên cầu đối với hàng hóa KH&CN. Trong năm 2014 [34], 250 dự án, đề tài NCKH đã được cấp kinh phí triển khai, trong đó 103 đề tài được xét duyệt, 52 đề tài được giám định và 70 đề tài được nghiệm thu. Cũng trong năm 2014, đã có được 25 hợp đồng thực hiện đề tài đăng ký thí điểm hình thức đặt hàng, trong đó có 16 đề tài của năm 2013 và 9 đề tài theo hình thức đặt hàng năm 2014. Công tác thúc đẩy đổi mới và CGCN phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố thông qua việc vận hành các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất - chất lượng: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp, đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng các giải pháp quản trị tài sản trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, thực hiện kết nối tư vấn - doanh nghiệp.