3. Các nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ đề nghiên cứu của đề tài
3.2. Nghiên cứu trong nước
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam (2015). Đã thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức phòng chống UTV cho phụ nữ tại Việt Nam” trong thời gian 3 năm (2013- 2015) ở phụ nữ trong độ tuổi 30-70 tại năm tỉnh phía Bắc là Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng. Theo đó dự báo sẽ có khoảng 13.500 phụ nữ độ tuổi từ 30-70 được tìm hiểu và được hướng dẫn cách tự khám vú một cách chính xác [5].
Tại huyện Tứ Kỳ - Hải Dương nhóm tác giả Đỗ Kim Sơn, Trần Vũ (2009) đã tiến hành nghiên cứu can thiệp với 589 phụ nữ trong độ tuổi 18- 49 nhằm tăng tỷ lệ thực hành TKV ở phụ nữ, với mức ý nghĩa được thiết lập trong nghiên cứu là p< 0,05. Nghiên cứu đã tập trung đánh giá kiến thức, thái độ về UTV của phụ nữ. Nhóm tác giả đã thiết kế một chương trình can thiệp gồm hai phần rõ ràng: nâng cao kiến thức UTV và duy trì hành vi TKV, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và đào tạo một số giảng viên nguồn là cán bộ Y tế tại địa phương để tiếp tục duy trì mạng lưới cung cấp thông tin cho phụ nữ ngay cả khi chương trình kết thúc. Qua phân tích số liệu, kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt lớn về kiến thức UTV và hành vi thực hành TKV của phụ nữ trước và sau can thiệp. Cụ thể là: tỷ lệ thực hiện TKV trước can thiệp 63,3% nhưng sau can thiệp tăng lên 83,5% (p < 0,05). Điều đặc biệt là tỷ lệ TKV đúng cách theo hướng dẫn của WHO tăng từ 2,2% trước can thiệp đến 21,7% sau can thệp. Sở dĩ tỷ lệ thực hành TKV đúng cách của
phụ nữ chưa tăng cao (2,2,- 21,7%) trong nghiên cứu này là do nhóm nghiên cứu lựa chọn phương pháp truyền thông gián tiếp như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp kiến thức, nhưng vì tỷ lệ đối tượng tiếp cận với các kênh truyền thông của chương trình đều nhỏ hơn 50% do đó mức độ bao phủ của các kênh truyền thông là chưa đủ để nâng cao kiến thức và duy trì kiến thức, hành vi TKV cho đối tượng tham gia [3].
Tác giả Lê Thị Dung đã tiến hành nghiên cứu mô tả tương quan với 200 phụ nữ tham dự cầu nguyện Thiên Chúa tại bốn nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Rạch Giá- tỉnh Kiên Giang- Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 11,7% người tham gia nghiên cứu thực hiện TKV thường xuyên và một lí do để giải thích cho tỷ lệ rất thấp người thực hiện TKV là thiếu kiến thức về UTV và niềm tin để thực hành TKV của phụ nữ. Qua phân tích số liệu thu được, nghiên cứu kết luận rằng kiến thức về UTV và các yếu tố nguy cơ, nhận thức về mức độ nghiêm trọng, lợi ích của việc TKV, sự tự tin của bản thân có liên quan tích cực đến việc tăng thực hành TKV thường xuyên cho phụ nữ (p < 0,001). Tuy nhiên trong nghiên cứu cũng dự đoán còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi TKV của phụ nữ như tuổi, tiền sử, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn. Nhưng đối tượng tham gia trong nghiên cứu này lại là những phụ nữ có trình độ cao, bị ảnh hưởng nhiều bởi tôn giáo, do đó mẫu này chưa thể đại diện cho toàn bộ quần thể. Đây chính là hạn chế trong nghiên cứu [36].