Giới thuyết về “cái tôi”trữ tình trong thơ ca trung đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn khuyến và trần tế xương từ góc nhìn so sánh (Trang 27 - 30)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Giới thuyết về “cái tôi”trữ tình trong thơ ca trung đại

Văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của văn hoá Trung Quốc. Do đó các hoạt động sáng tạo văn học Việt Nam đặc biệt là văn học trung đại chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Tam giáo. Đặc điểm chung dễ nhận thấy của sự ảnh hưởng này trong văn học trung đại là quan niệm về con người “vô ngã”. Các triết lý của Nho - Phật - Đạo đều chủ trương lý tưởng phá ngã, vô ngã, vô kỉ nhưng không hề là một sự diệt ngã tuyệt đối. Trái lại tất cả đều dựa vào phẩm chất cá nhân để giải phóng cho cái “ngã” nội tại khát khao tự do được bước sang thế giới khác, không gò bó tạm bợ. Văn học chịu ảnh hưởng của các triết lý này nhưng không đồng nhất với chúng. Trên cái nền đó, văn học thể hiện “cái tôi”trữ tình theo nhiều chiều hướng, nhiều phương thức và từng mức độ khác nhau.

Thế kỉ X mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của các thể loại, là điều kiện cho những cá nhân chứng tỏ tài năng sáng tạo. Khi văn học viết được sáng tạo bởi các cá nhân thì khi đó, dù ít, dù nhiều cái Tôi cá nhân cũng đã xuất hiện. Theo một số nhà nghiên cứu về cái tôi trong văn chương thời cổ cho rằng, “Cái Tôi” là biểu hiện của ý thức con người về cá nhân. Sự tự ý thức đó được biểu hiện ở mức độ nào và mức độ đó tuỳ thuộc vào từng thời đại. Thời đại quy định con người, con người sống theo thời đại. Khi thời đại đó là thời đại của những cái ta, của cộng đồng thì văn học phải xây dựng mẫu hình con người lý tưởng mang dáng dấp cộng đồng, con người xã hội. Điều đó không có nghĩa con người cá nhân bị tiêu diệt, nó vẫn tồn tại ở một mức độ cần thiết phải có. Lẽ đương nhiên, trong văn học trung đại cũng xuất hiện vai trò của chủ thể sáng tạo ở từng mức độ đậm nhạt khác nhau, vấn đề là ở sự thể hiện cái tôi theo phương thức nào và đâu là “phi ngã”, đâu là phần sáng tạo riêng.

cũng là đối tượng nhận thức phản ánh của văn chương. Đặc điểm “sùng cổ”, “phi ngã” đã trở thành đặc điểm riêng của văn học trung đại. Mỗi tác gia văn học trung đại đều là những nhà tư tưởng, nhà chính trị lớn. Lý tưởng của họ là lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, về một mẫu hình nhà nước dưới thời vua Nghiêu - Thuấn. Nhưng ở họ vẫn tồn tại hai con người: con người xã hội - con người cá nhân. Với tư cách con người chức năng, thơ văn của họ hướng tới đề tài cao cả, sản xuất ra lối thơ giáo huấn, quan phương. Khi đó, thơ văn của họ đại diện cho tiếng nói cộng đồng. Đó là tiếng nói yêu nước, căm thù giặc trong thơ Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải hay những nỗi niềm đau khổ của những mất mát lớn lao trong văn tế của Nguyễn Đình Chiểu. Còn khi đối diện với nỗi lòng mình, đối diện với nỗi đau thân phận và hoàn cảnh cụ thể muôn vẻ đời thường thì khi ấy, yếu tố con người cá nhân dễ được bộc lộ. Trong những trạng huống bức xúc, những cảnh ngộ dễ khơi gợi sự mẫn cảm trong tâm hồn người nghệ sĩ … bột khởi những rung động nghệ thuật đích thực từ đó khởi động những suy cảm cá nhân. Do đó, cái hữu ngã và cái vô ngã, cái Tôi và cái Ta luôn cùng tồn tại trong sáng tác nghệ thuật.

Vấn đề “cái tôi” trữ tình trong văn học trung đại là kết quả của sự ý thức và phân hóa về giá trị của con người trên nền ý thức chung của thời đại. Cho nên, hình tượng “cái tôi” trong văn học trung đại có một quá trình ý thức chậm chạp, lâu dài. Nó phản ánh quá trình vận động giải phóng cá tính của con người trong hoàn cảnh thực tế của đời sống. Trong sáng tác nghệ thuật, tính chất quan phương truyền thống còn nặng nề nên sự thể hiện cái tôi vẫn còn hạn chế ở những mức độ nhất định. Dẫu vậy, không phải tác phẩm nào cũng phi ngã và được hiểu theo nghĩa tuyệt đối mà cùng với đó là tính hữu ngã song song tồn tại. Tuy không được rõ ràng, rành mạch như thời hiện đại, song vấn đề “cái tôi” trữ tình trong văn học trung đại như một mạch ngầm vẫn chảy trong dòng chung của văn học Việt Nam.

Văn học không chỉ là bức tranh phản ánh đời sống mà nó còn là bức chân dung tinh thần của chủ thể sáng tạo. Chủ thể không chỉ là người sáng tạo ra những giá trị tinh thần mà còn là đối tượng miêu tả biểu hiện; chủ thể không chỉ được xem như là một yếu tố tạo nên nội dung tác phẩm mà còn được xem như là một phương tiện bộc lộ nội dung của tác phẩm, là một thành tố của thế giới nghệ thuật do tác phẩm tạo ra. Ở những nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo, dấu ấn của chủ thể càng in đậm trong từng từ, từng hình ảnh, từng dòng thơ, bài thơ.

“Cái tôi” là yếu tố của chủ thể làm cho chủ thể ý thức được chính mình, là chức năng tự nhận thức của chủ thể. Có thể thấy cái tôi của nhà thơ có mối quan hệ trực tiếp và thống nhất với cái tôi trữ tình trong thơ. Nhà thơ là nhân vật chính, là hình bóng trung tâm, là cái tôi bao quát trong toàn bộ sáng tác. Những sự kiện, hành động, tâm tình và kí ức trong cuộc đời riêng cũng in đậm nét trong thơ. Cái tôi của nhà thơ có lúc thể hiện trực tiếp qua những cảnh ngộ riêng, trực tiếp giãi bày những nỗi niềm thầm kín, có khi được hiện diện gián tiếp qua cách nhìn, cách nghĩ, qua những sắc thái tình cảm, thái độ trước thế giới của nhà thơ.

“Cái tôi” trữ tình trong thơ và cái tôi của nhà thơ không hề đồng nhất. Cái tôi của nhà thơ ngoài đời thuộc phạm trù xã hội học, còn “cái tôi” trữ tình trong thơ thuộc phạm trù nghệ thuật. Cái tôi trữ tình là cái tôi nhà thơ đã được nghệ thuật hoá và trở thành một yếu tố nghệ thuật phổ quát trong thơ trữ tình, là một thành tố trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thơ trữ tình là tiếng nói trực tiếp biểu lộ những cảm xúc suy tư, chiêm nghiệm. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là dấu hiệu cơ bản của thơ trữ tình.

Trong quá trình sáng tác, cái tôi nghệ sĩ bước vào thế giới nghệ thuật và trở thành một hình tượng trọn vẹn. Hình tượng cái tôi có mối quan hệ tương

đồng với chủ thể trữ tình đang tự bộc lộ với toàn bộ sức mạnh nhân cách với mọi khả năng của nó. Hình tượng cái tôi là sự hiện thực hóa, khách thể hóa cái tôi trữ tình trong thế giới nghệ thuật thơ. Hình tượng cái tôi không hoàn toàn đồng nhất với con người tác giả mà là kết quả của sự điển hình hóa nghệ thuật khi cá nhân nhà thơ nghe thấy mình trong người khác, với người khác và cho người khác. Khi sáng tác nhà thơ đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng thì tất yếu trong thế giới nghệ thuật ấy có hình tượng cái tôi và hình tượng này đóng vai trò nhân vật trung tâm.

Văn học thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển rực rỡ của thơ ca trung đại Việt Nam. Giai đoạn văn học này phần lớn xuất hiện những sáng tác có ý thức về sự bất lực của cái tôi cá nhân trước cuộc đời và thời cuộc. Hình ảnh con người cá nhân ý thức về cái tôi bất lực góp phần đánh dấu chấm dứt vai trò của mô hình nhân cách truyền thống. Điều này thể hiện trong sáng tác của một số tác giả cuối thế kỷ XIX nói chung, trong thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương nói riêng khá rõ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn khuyến và trần tế xương từ góc nhìn so sánh (Trang 27 - 30)