“Cái tôi” sâu lắng, khắc khoải niềm đau

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn khuyến và trần tế xương từ góc nhìn so sánh (Trang 39 - 45)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. “Cái tôi” sâu lắng, khắc khoải niềm đau

Văn học Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã có những thay đổi nhất định trong từng thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ XIX, sự thay đổi xã hội gần như là toàn diện trên các lĩnh vực. Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện cuối cùng chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, tận mắt thấy mọi sự sụp đổ chính trị, kinh tế, đổ vỡ trên các nền tảng đạo đức… Đau xót nhất là một nhà nho quân tử, một ông quan đầu triều phải chứng kiến sự sụp đổ không thể nào cứu vãn nỗi của một tư tưởng đã lỗi thời cũng như sự bất lực đến hài hước của một loại hình trí thức đại diện cho hệ tư tưởng trước lịch sử.

Nguyễn Khuyến cũng từng nuôi chí lập công danh, đền ơn xã tắc như bao nhà nho khác. Biến động trước cơn phong ba lịch sử, đất nước loạn lạc, đạo đức ngả nghiêng, những lý thuyết suông trong sách vở từ cửa Không sân Trình chẳng có ý nghĩa gì. Bất lực, xót xa, buồn đau khắc khoải, nhà thơ gửi cả tâm tình vào những vần thơ. Trong thơ, Nguyễn Khuyến giãi bày, diễn tả thế giới tình cảm riêng tư, tư tưởng, ý thức và sự lựa chọn thái độ sống trước thời cuộc. Nói cách khác, trong thơ Nguyễn Khuyến có con người cá nhân với cái tôi trữ tình sâu lắng, luôn khắc khoải một niềm đau.

Sống trong một thời đại khủng hoảng toàn diện, Nguyễn Khuyến mang nặng những suy tư trăn trở, những day dứt nội tâm. Nhà nho hành đạo nào cũng mong được nhập thế, xuất thế là điều bất đắc dĩ trong sự lựa chọn “minh triết bảo thân”. Trước hiện thực đất nước, cuộc đấu tranh “ở hay về” trong

lưỡng cực: Tiêu dao độc tiễn lang phong địch/ bán thượng trùng tiêu bán lạc trần (Ngẫu thành). Chọn con đường cáo quan về quê như nhiều nhà nho đương thời, Nguyễn Khuyến xem như đó là một lựa chọn đúng đắn song không hẳn tâm trạng ông lại hoàn toàn thanh thản. Cái tâm lý “tủi phận”, “thẹn mình”, tâm lý hoang mang… thỉnh thoảng vẫn trở về trong tâm tưởng nhà thơ.

Dứt bỏ con đường danh lợi chốn quan trường, Nguyễn Khuyến trở về với “hạc độc, mây côi”:

Đời loạn, đi về như hạc độc Tuổi già, hình bóng tựa mây côi

(Cảm tác)

Về với ruộng vườn, Nguyễn Khuyến mượn thiên nhiên làm bạn tiêu sầu và hòa mình vào đời sống nông thôn. Suốt cuộc đời mình, nhà thơ luôn sống chan hòa, gần gũi, chân tình với những người nông dân nghèo khổ. Ông xứng đáng là nhà thơ của nông thôn với những bài thơ miêu tả tinh tế, chân thực những vẻ đẹp bình dị của nông thôn. Nhận xét về nhà thơ “làng cảnh” Nguyễn Khuyến, GS. Nguyễn Lộc cho rằng: “Trước Nguyễn Khuyến, trong văn chương Việt Nam thỉnh thoảng có những tác phẩm viết về nông thôn, những hình ảnh của nông thôn trong văn học nói chung còn mờ nhạt. Có thể nói, với Nguyễn Khuyến lần đầu tiên nông thôn Việt Nam mới thực sự đi vào văn học” [34, tr.40]. Nguyễn Khuyến không sử dụng những ước lệ sang trọng rèm châu, lầu ngọc, chén vàng… như trong văn học cổ mà đi tìm những hình ảnh gần gũi làng quê; gian nhà cỏ, ngõ tối, đêm sâu, làn ao, nước biếc… Hình ảnh thân thương bình dị nơi làng quê được tác giả miêu tả tự nhiên mà sống động như chính hiện thực vốn có của làng quê yên ả.

Cũng tìm về với thiên nhiên, mây ngàn hạc nội như bao nhà nho trung đại để di dưỡng tâm hồn, Nguyễn Khuyến tìm đến thiên nhiên để lắng nghe

âm thanh, để hòa vào từng cảm xúc. Thiên nhiên trong thơ ông nhuốm màu tâm sự. Vịnh hoa cúc, nhà thơ gửi cả lòng mình: Chọi rét một thân ai là bạn/

Chẳng lạc lòng son thật đáng thương. Thương hoa cúc hay thương thân mình

trong cảnh ngộ bi ai!

Trong thơ Nguyễn Khuyến, thiên nhiên là cái vỏ chứa đựng nỗi buồn, nỗi lo đời của chính nhà thơ. Tiếng cuốc kêu khắc khoải năm canh của hồn Thục Đế thác vào hay tiếng khắc khoải triền miên ròng rã của “cái tôi” trữ tình buồn đau khắc khoải nhà nho Nguyễn Khuyến. Tâm sự “nhớ nước” ấy suốt cuộc đời Nguyễn Khuyến luôn mang theo và mãi mãi như tiếng cuốc kêu rền rĩ giữa canh khuya:

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ Ấy hồn thực đế thác bao giờ

Năm canh máu chảy đêm hè vắng Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ Có phải tiếc xuân mà đến gọi ? Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ? Thâu đem ròng rã kêu ai đó ? Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ

(Cuốc kêu cảm hứng)

Mượn hình ảnh con cuốc kêu hè, nhà thơ đã cực tả nỗi đau rỉ máu (máu chảy), nỗi buồn nát ruột tan hồn (hồn tan) của chính bản thân mình trước cảnh điêu linh của nước tổ. Tiếng kêu ấy cứ vang mãi trong đêm khuya, cô độc và lẻ loi. Điều này càng làm tăng gấp bội nỗi buồn đau của Nguyễn Khuyến. Tiếng cuốc kêu thâu đêm chảy máu hồn ấy được Xuân Diệu gọi là: “Tiếng kêu da diết, ám ảnh, chì chiết một tiếng chim kêu có sắc đỏ, khóc nức nở, gào thảm thiết, tiếng kêu có máu, khắc khoải, tiếng huyết kêu mất nước! Nhớ nước" [10, tr.65]. Sức lay động lòng người của tiếng lòng nhà thơ cứ thế

trường tồn mãi với thời gian.

Sống giữa thiên nhiên mà tâm hồn nhà thơ vẫn không hề thanh thản. Nghe tiếng cuốc kêu gợi cho ông bao nỗi đau đời. Sống “ẩn dật”, thực chất là Nguyễn Khuyến lánh chốn quan trường để tìm sự cân bằng trong trạng thái tâm hồn, là để di dưỡng tinh thần, bảo vệ lý tưởng sống của nhà nho.

Là một bậc đại nho danh tiếng nhưng Nguyễn Khuyến không hề tự đối lập mình với mọi người như Nguyễn Công Trứ. Trái lại, tấm lòng thi nhân luôn tìm đến với những cảnh sống chật vật, eo hẹp của lớp dân quê dân cày, luôn lấy hồn mình để hiểu hồn người. Cảnh sinh hoạt nông thôn khó khăn đã đựoc nhà thơ nêu bật trong cảnh “nghĩa vụ” đè lên vai người nông dân trong bài thơ "Làm ruộng”:

Phần thuế quan thu, phần trả nợ Nửa công ở đợ, nửa thuê bò. Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ búa dầu chè chẳng dám mua.

Có được mảnh ruộng để cày cuốc, gieo hái đã khó với người nông dân lắm rồi, lại thêm những khoản thuế má nợ nần, tiền công, tiền thuê như gánh nặng trĩu đè cả hai vai người lao động và để tiếp tục sống, họ đã phải lo lắng chạy vạy khắp nơi. Phải sống cùng người nông dân, thương cảm người nông dân, ông quan Nguyễn Khuyến mới hiểu và chia sẻ bao nỗi nhọc nhằn của người nông dân chân thành đến vậy.

Niềm đau của Nguyễn Khuyến chẳng phải chỉ buồn đau cho riêng cảnh ngộ của mình, niềm đau ấy còn hướng về nhân dân, cụ thể là những người nông dân làng Bùi của ông với bao điều khốn khó phải trải qua hàng ngày trong cuộc sống. Cảnh làng quê ngày tết trong đói nghèo nghe đã xót xa, lại thêm cảnh mất mùa túng thiếu càng thê lương thiểu não hơn trong những câu thơ Nguyễn Khuyến:

Dở trời mưa bụi còn hơi rét

Nếm rượu tường đều đuợc mấy ông Hàng quán người về nghe xao xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung

(Chợ Đồng)

Cái "xao xác" của phiên chợ nghèo cũng chính là xao xác trong lòng nhà thơ. Gắn bó với con người nơi đây, bản thân tác giả cảm thấy xót xa trước cảnh sống nghèo nàn mà chính mình cũng không thể làm gì hơn. Đọc những vần thơ trên của Nguyễn Khuyến, hình ảnh người nông dân hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết, trước mắt chúng ta cuộc sống xơ xác tiêu điều, nghèo khổ đến mức nghẹt thở của người nông dân vùng chiêm trũng chưa lúc nào lại ám ảnh đến vậy. Thơ Nguyễn Khuyến đem đến mọi người sự cảm thông vô hạn với những người nông dân cùng khổ từ bao đời. Chính vì luôn trân trọng tình cảm của mọi người, từ người anh vợ, ông hàng thịt đến anh thợ rèn… nên đối với những người bạn thân thiết, với tri kỉ của mình, Nguyễn Khuyến càng chân thành trân trọng hơn. Cao Bá Quát từng nói: "Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ''. Nguyễn Khuyến muốn khẳng định, giá trị tinh thần làm nên tình tri âm sâu nặng, nhà thơ đã rất chân thành đón bạn qua những lời bông đùa hóm hỉnh:

Ao sâu nước cả khôn chài cá Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

(Bạn đến chơi nhà)

Rời bỏ chốn vinh hoa, Nguyễn Khuyến đồng cam cộng khổ với những người dân nghèo nơi vùng chiêm trũng, hòa mình vào sự khổ cực với dân quê lam lũ:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa Chợ búa trầu cau chẳng dám mua

Lựa chọn lui về sống ẩn dật nhưng tấc lòng của Nguyễn Khuyến vẫn luôn hướng đến vận mệnh của đất nước. Ông cảm thấy tuỉ thẹn vì mình là một trí thức đại thần mà đành bất lực trước thời cuộc:

Sách vở ích gì cho buổi ấy Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già

(Ngày xuân dặn các con)

Và cho đến khi nghĩ là mình sắp từ giã cuộc đời, trong bài “Di chúc”,

ông vẫn luôn trăn trở:

Ơn vua chưa chút báo đền

Cúi trong hổ đất, ngửa lên thẹn trời

Cái tôi trữ tình mang nỗi buồn đau nhân thế, khắc khoải với đời của Nguyễn Khuyến còn thể hiện khá rõ trong những vần thơ buồn cô đơn đến nao lòng. Một mình than thở, một mình ngắm trăng, một mình uống rượu, một mình ngắm hoa, một mình trong đêm vắng..., Nguyễn Khuyến như trút cả tâm trạng của mình vào thơ. Nhìn chung, âm điệu chủ yếu trong thơ Nguyễn Khuyến là một gam buồn, nhất là những bài thơ viết vào cuối đời. Tiếng thơ càng trở nên khắc khoải, da diết mang nặng cái tôi cô đơn, buồn sầu, khắc khoải niềm đau trước vận nước, trong niềm riêng của Nguyễn Khuyến. Nhận xét về “cái tôi” trữ tình khắc khoải sâu lắng niềm đau Nguyễn Khuyến, PGS. TS. Biện Minh Điền đánh giá: “Ta có thể nhận thấy những biến thức sinh động từ các mô hình, chuẩn mực của văn học nhà nho trong thơ Nguyễn Khuyến, có thể nhận thấy kiểu hình tượng tác giả, hình tượng nhân vật trữ tình truyền thống nhưng mang dấu ấn cá tính nhà nho cũng đầy sức sống trong thơ ông” [13, tr.173]. Những trang thơ “vận hành” qua nhà Nho Nguyễn Khuyến có sức hấp dẫn riêng. Ở nhà nho Nguyễn Khuyến luôn có cái nhìn thâm thúy, sâu sắc, cảm thông và độ lượng. Trong thơ ông, thể hiện rất rõ con người nhà Nho: “từ cái nhìn kín đáo, thâm thúy đến thái độ bao dung, độ lượng, nhân từ, từ

niềm vui trong cảnh nghèo “bần nhi lạc” đến nỗi đau không người tri kỷ, từ nỗi thao thức với vận đời, vận nước với “đạo thánh”, “ơn vua”… đến nỗi hổ thẹn dằn vặt vì sự bất lực của kẻ sĩ” [13, tr.173]. Như vậy, trên những trang thơ Nguyễn Khuyến mang “dấu ấn cá tính nhà nho” khá rõ. Đó là hình tượng “cái tôi” sâu lắng, khắc khoải một niềm đau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái tôi trữ tình trong thơ nguyễn khuyến và trần tế xương từ góc nhìn so sánh (Trang 39 - 45)