Tình hình chọn tạo các giống dưa lưới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá khả năng kết hợp và khả năng tạo ưu thế lai của các dòng dưa lưới trồng tại thành phố quy nhơn, bình định (Trang 28 - 33)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.5.2. Tình hình chọn tạo các giống dưa lưới ở Việt Nam

Việc trồng dưa lê, dưa lưới cho thu nhập kinh tế cao hơn hẳn so với việc trồng một số loại dưa truyền thống như dưa hấu, dưa chuột và cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Đặc biệt phát triển tốt vào mùa nắng với điều kiện đảm bảo đủ nhu cầu nước cho cây. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đới với quá trình sản xuất dưa lê, dưa lưới ở nước ta hiện nay trong khâu chọn giống.

Ở Việt Nam hầu hết các giống dưa lưới đưa vào sản xuất hiện nay đều là các loại dưa ngoại nhập và có nguồn gốc từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ... được nhập khẩu qua các công ty, do đó giá hạt

giống cao (từ 2.000 đến 4.000 đồng/hạt). Nhận thấy được tầm quan trọng của công tác chọn giống, trong những năm gần đây công tác nghiên cứu và chọn tạo giống dưa đang được quan tâm và có những bước thành công đáng kể. Các nhà khoa học đã chọn tạo ra nhiều dòng, giống dưa đáp ứng được một số tiêu chí như: thích ứng với điều kiện tự nhiên của nước ta, cho năng suất cao, phẩm chất tốt, đặc biệt là nghiên cứu và chọn tạo ra giống dưa xuân hè. Đây là hướng đi đúng để chọn tạo dưa thích hợp, tạo ra lượng sản phẩm lớn để cung cấp cho nhân dân trong thời kỳ khan hiếm. Song song với công tác chọn tạo giống là việc cải tiến không ngừng kĩ thuật canh tác như trồng dưa thủy canh, cải tiến quy trình trồng ngoài đồng ruộng, trồng dưa trong nhà màng.

Nguyễn Trung Đức và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá

đa dạng di truyền dựa trên chỉ thị hình thái của 30 dòng dưa thơm tự phối là biến chủng khác nhau của Cantaloupensis (dòng D1 đến D22) và Reticulatus (dòng D23 đến D30) được phát triển từ giống dưa địa phương và nhập nội phục vụ cho công tác chọn tạo giống dưa thơm năng suất, chất lượng, phù hợp cho trồng trong nhà có mái che ứng dụng công nghệ cao. Các dòng dưa thơm được phát triển tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (CRDI) bằng phương pháp tự thụ phấn từ các nguồn vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và Israel. 30 dòng dưa thơm được đánh giá trong điều kiện nhà lưới có mái che trong vụ Xuân 2017 về 31 tính trạng nông sinh học để xác định các nhóm di truyền. Kết quả, ở mức độ tương đồng 0,32, các dòng dưa thơm được chia thành 6 nhóm di truyền khác biệt biểu hiện mức độ đa dạng cao về các đặc điểm nông sinh học. Các thông tin về phân nhóm di truyền dựa trên kiểu hình có ý nghĩa trong việc lựa chọn dòng phục vụ cho công tác chọn tạo giống dưa năng suất và chất lượng cao. Thông qua đánh giá chọn được 6 dòng ưu tú D1, D2, D3, D7, D13 và D20 đưa vào mô hình lai diallel IV Griffing nhằm đánh giá khả năng kết hợp. Xác định được 4 dòng

D1, D3, D7, D20 có khả năng kết hợp về tính trạng năng suất và độ brix thịt quả. Đây là các vật liệu quan trọng được sử dụng trong các chương trình chọn tạo giống tiếp theo. Đồng thời, chọn được 3 tổ hợp dưa thơm triển vọng có chất lượng tốt, năng suất cao hơn so với đối chứng, khả năng kết hợp riêng cao là THL2 (29,65 tấn/ha), THL6 (30,23 tấn/ha) và THL9 (33,17 tấn/ha) [1].

Một trong những thành công của việc chọn tạo giống dưa lưới ở nước ta là giống dưa lưới VNUA68 được Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu lai tạo. Giống dưa VNUA68 là tổ hợp lai giữa dòng mẹ MLWO050718 với dòng bố MLGR150718, có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn (từ khi trồng đến ra hoa là 30 ngày và từ trồng đến thu hoạch quả đầu tiên là 75 ngày), khối lượng quả đạt 1,5-2,0 kg, vỏ mỏng, thịt quả màu vàng đậm, mềm giòn, ngọt đậm, độ Brix 13-15%, mùi thơm, năng suất đạt 45-60 tấn/ha.

Đó là những thành công bước đầu trong công tác chọn giống dưa lưới ở nước ta. Hiện nay công tác nghiên cứu về dưa được thực hiện chủ yếu trên một số mặt sau:

- Thu thập, nhập nội nguồn gen các giống dưa tạo cơ sở cho lai tạo và nghiên cứu.

- Tạo nguồn vật liệu di truyền bằng phương pháp lai tạo và xử lí các đột biến bằng tác nhân hóa học.

- Chọn lọc các giống dưa lưới phù hợp với việc canh tác trái vụ nhằm tăng giá thành sản phẩm.

- Nguyên cứu, so sánh các giống nhập nội và đưa ra quy trình canh tác đặc thù nhất với điều kiện nước ta. Đặc biệt là quy trình kĩ thuật trồng dưa lưới trong nhà có mái che, trồng dưa lưới công nghệ cao.

Theo hướng nghiên cứu trên, một số công trình nghiên cứu đạt được những thành công nhất định và góp phần đưa dưa lưới gần hơn, dễ hơn với bà con nông dân.

Võ Thị Bích Thủy và cộng sự thực hiện đề tài “Cải thiện năng suất và phẩm chất dưa lê bằng cách bón phân Kali trên đất phù sa tại Cần Thơ vụ Xuân hè năm 2004”.Kết thúc đề tài nhóm tác giả thấy việc trồng dưa lê Kim Cô Nương vụ Xuân hè trên đất phù sa ở ngoại ô thành phố Cần Thơ bón 160 kg K2O/ha trên nền phân 130 N - 130 P2O5 với dạng KNO3 3 lần đầu bón KCl với lượng ¾, 2 lần sau bón KNO3 với lượng ¼ còn lại lúc 4 và 7 ngày trước khi thu hoạch cho trọng lượng quả, năng suất và phẩm chất quả bao gồm độ Brix của thịt quả, thời gian tồn trữ quả và hàm lượng chất khô trong thịt quả cao. Về hiệu quả kinh tế, bón 160 kg K2O/ha với dạng KCl bón gồm 4 lần KCl với liều lượng đều nhau cho lợi nhuận (60,7 triệu/ha) và tỉ suất lợi nhuận (1,81) cao nhất, bón 160 kg K2O/ha với dạng KNO3 có lợi nhuận (57,5 triệu/ha) và tỉ suất lợi nhuận (1,70) kém hơn nhưng cho phẩm chất quả về độ Brix và hàm lượng chất khô thịt quả cao hơn [10].

Trần Thị Ba và cộng sự (Khoa NN&SHƯD, Trường ĐH Cần Thơ) thực hiện đề tài “So sánh sự sinh trưởng, năng suất và phẩm chất của 11 giống dưa lê trong nhà lưới vụ Xuân Hè 2007” tại trại Thực Nghiệm Nông Nghiệp, trường Đại học Cần Thơ với mục đích tìm ra giống dưa lê cho năng suất cao, phẩm chất ngon cung cấp ổn định cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu trong nền kinh tế hội nhập. Các tác giả đi đến kết luận trồng dưa lê trong nhà lưới có mái che ni lông, sử dụng giá thể sạch, tưới nước và dinh dưỡng theo hệ thống nhỏ giọt trong vụ Xuân Hè có thể sử dụng các giống Kim Cô Nương, Melon Hoàng Hạt, Phương Thanh Thanh và Dưa Lê 1864 vì có sự đồng nhất cao về quả dưa, thời gian sinh trưởng tương đối ngắn từ 60 đến 70 ngày và có độ ngọt trong thịt trái cao từ 10,3 – 12,4% [22].

Năm 2012, tại Viện cây lương thực - cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã thử nghiệm trồng giống dưa vàng Kim Cô Nương. Dưa Kim Cô Nương có nguồn gốc từ Đài Loan, là giống dưa mới được nhập

nội và trồng ở Việt Nam trong một vài năm gần đây. Giống dưa này đã cho kết quả khá khả quan về năng suất, chất lượng quả, giá thành bán cao do đó được người trồng trọt rất quan tâm. Dưa vàng Kim Cô Nương có thời gian sinh trưởng 58 - 60 ngày. Khối lượng quả từ: 1,1 - 1,5 kg. Dạng quả hình oval, vỏ trơn, khi chín có màu vàng kim, ruột màu trắng, cùi giòn, ngọt mát, chất lượng tốt, rất được ưa chuộng hiện nay. Giống dưa này có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất trong vụ Xuân Hè. Đây là mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ kết quả nghiên cứu tuyển chọn giống cà chua, dưa chuột, dưa thơm thích hợp trồng trong nhà lưới, nhà màng cho các tỉnh phía Bắc đã tuyển chọn được các giống dưa thơm: Melon -GN31, Melon-Journy, Kim Cô Nương 312, năng suất đạt 49-55 tấn/ha. Các giống tuyển chọn có chất lượng tốt, thích hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước. Năng suất các giống dưa thơm đạt 41,5 tấn/ha. Mô hình trồng dưa thơm trong nhà lưới cho thu nhập 834 triệu đồng/ha/vụ [3].

Tại Thừa Thiên Huế, Trương Thị Hồng Hải và cs tiến hành. so sánh khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của 5 giống dưa lê F1 gồm Inthanon RZ (Peru), Rangipo RZ (Peru), AB Sweet (Thái Lan), PN128 (Thái Lan), Kim Cô Nương (Đối chứng). Đề tài được thực nghiệm trong nhà màng trên nền đất phù sa không bồi hằng năm. Kết thúc đề tài nhóm tác giả đi đến kết luận rằng các giống có thời gian sinh trưởng từ 70 đến 74 ngày và có đặc điểm hình thái quả và chất lượng quả phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các giống có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh khá, cho năng suất vượt trội so với giống đối chứng Kim Cô Nương từ 2,38 đến 8,26 tấn/ha. Giống Inthanon RZ có khả năng sinh trưởng tốt nhất khi đường kính quả, chiều dài quả, độ brix, khối lượng quả và năng suất đạt cao nhất so với các giống tham gia thí nghiệm [6].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá khả năng kết hợp và khả năng tạo ưu thế lai của các dòng dưa lưới trồng tại thành phố quy nhơn, bình định (Trang 28 - 33)